Mất ngủ khi mang thai (đặc biệt là 3 tháng đầu và 3 tháng cuối) là do cơ thể mẹ bầu có nhiều xáo trộn nên giấc ngủ cũng bị rối loạn theo. Tình trạng mất ngủ kéo dài triền miên nếu không có cách khắc phục sớm không chỉ khiến chị em mệt mỏi, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
Vì vậy, hiểu rõ nguyên nhân mất ngủ khi mang thai để từ đó có cách cải thiện hiệu quả tình trạng “đếm cừu” giúp mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh, vui tươi.
Nguyên nhân gây mất ngủ khi mang thai
Giai đoạn mang thai, cơ thể người phụ nữ có rất nhiều sự thay đổi như nồng độ hormone trong cơ thể tăng cao ở 3 tháng đầu, thai nhi phát triển lớn ở 3 tháng cuối khiến tư thế ngủ của mẹ trở nên khó khăn kéo theo những cơn mất ngủ. Mất ngủ khi mang thai thường do những nguyên nhân sau: (1)
- Đi tiểu nhiều lần trong đêm: Giai đoạn này chị em thường thức dậy 2-3 lần trong đêm để đi tiểu khiến giấc ngủ bị gián đoạn nhiều lần, phải mất nhiều thời gian mới có thể ngủ lại. Nguyên nhân là do khi mang thai, thận phải làm việc quá tải, tăng hơn 30-50% để lọc thêm khối lượng máu, điều này khiến lượng Ure tăng cao và nước tiểu trở nên nhiều hơn bình thường. Đặc biệt những tháng cuối, thai nhi lớn dần và chèn ép bàng quang càng làm chị em khó chịu, mắc tiểu liên tục.
- Thường xuyên bị chuột rút: Đây là một trong những “sự cố” mà mẹ bầu thường xuyên gặp phải. Những cơn đau do kéo cơ xảy ra một cách đột ngột ở đùi, bắp chân mỗi lúc trở mình khiến mẹ bầu đau đớn thức giấc thường xuyên ở những tháng cuối của thai kỳ. Lý do là khi thai nhi càng lớn khiến trọng lượng cơ thể mẹ tăng cao, tạo áp lực lên các cơ bắp chân, đồng thời khi tử cung lớn sẽ chèn ép lên mạch máu và dây thần kinh gây ra những cơn căng cơ. Ngoài ra, mẹ bầu bị chuột rút còn do thai nhi cần nhiều canxi để phát triển hệ xương, nếu không đáp ứng đủ sẽ rút từ cơ thể mẹ truyền sang cho bé gây ra hiện tượng những cơn co cứng ở thai phụ.
- Đau lưng: Lúc này, thai nhi phát triển lớn làm phần lưng, chân và xương hông phải chịu sức nặng của cả cơ thể. Lúc này, mẹ bầu thường chịu đựng những cơn đau lưng dữ dội ngay cả khi nằm, và đây là một trong những nguyên nhân khiến thai phụ bị không ngủ được.
- Táo bón và ợ hơi: Khi mang thai, hệ tiêu hóa của mẹ bầu hoạt động kém, thức ăn khó tiêu gây ợ hơi và táo bón. Nguyên nhân là bên cạnh sự thay đổi nội tiết tố thì tử cung ngày càng lớn sẽ chèn ép tĩnh mạch dưới và một số dây thần kinh, thu hẹp không gian của đường tiêu hóa làm thức ăn di chuyển chậm hơn. Thức ăn tiêu hóa chậm, đầy bụng là một trong những nguyên nhân làm mẹ khó có giấc ngủ ngon.
- Các vấn đề về đường hô hấp: Những tháng đầu thai kỳ, sự thay đổi hormone trong cơ thể khiến hơi thở mẹ bầu trở nên khó khăn hơn bình thường. 3 tháng cuối thai kỳ, tử cung lại phát triển lớn chèn ép cơ hoành nên thai phụ cần phải thở sâu và thở nhiều hơn bình thường có thể gây ra hiện tượng ngáy, thậm chí là ngưng thở khi ngủ. Điều này khiến mẹ bầu khó chịu, giấc ngủ chập chờn.
Ngoài ra, mang thai bị mất ngủ còn có thể do ốm nghén, cơ thể mệt mỏi hoặc tâm lý lo lắng, căng thẳng quá mức khi mang thai (do mang thai ngoài ý muốn, lo lắng về tài chính, suy nghĩ cách chăm sóc và nuôi dạy con trẻ khi ra đời…). Những điều này cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ của mẹ bầu, làm họ trằn trọc và khó đi vào giấc ngủ hơn.
Tình trạng mất ngủ khi mang thai kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần, sức khỏe của hai mẹ con
Các triệu chứng mất ngủ khi mang thai
Các dấu hiệu thường gặp của mất ngủ khi mang thai bao gồm:
-
Trằn trọc, khó đi vào giấc ngủ
-
Thường xuyên thức giấc giữa đêm
-
Có cảm giác không ngủ đủ giấc dù đã nghỉ ngơi từ rất sớm
-
Cảm giác lo lắng về giấc ngủ tăng lên
-
Buồn ngủ, uể oải, mệt mỏi vào ban ngày
-
Thức dậy sớm hơn bình thường
-
Gặp khó khăn khi phải tập trung
-
Trầm cảm, khó chịu.
Mất ngủ ở bà bầu có gây ảnh hưởng tới thai nhi không?
Khi bị mất ngủ, bên cạnh những ảnh hưởng mà mẹ bầu gánh chịu như: mệt mỏi thậm chí kiệt sức, căng thẳng, không tỉnh táo, khó chịu, dễ nổi nóng, đau đầu, tăng huyết áp, khó sinh, chuyển dạ lâu… thì còn ảnh hưởng đến thai nhi một số vấn đề sau:
-
Ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi: Mẹ bầu mất ngủ thường xuyên sẽ khiến thai nhi chậm phát triển. Bước sang tuần 24, thai nhi bắt đầu phát triển mạnh về trí não và bắt đầu hoàn thiện các giác quan của cơ thể. Lúc này mẹ bầu cần chế độ dinh dưỡng và ngủ nghỉ đầy đủ để thúc đẩy sự phát triển của trẻ. Việc bà bầu bị mất ngủ thường xuyên có thể khiến quá trình trao đổi chất bị xáo trộn, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Trẻ sinh ra có nguy cơ nhẹ cân, chậm phát triển…
-
Trẻ có nguy cơ thiếu máu: Mẹ bầu mất ngủ thường xuyên có thể ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu, thai nhi có khả năng thiếu máu. Bởi thời gian 23-3h là lúc cơ thể tạo ra hồng cầu, nếu mất ngủ trong khoảng thời gian này sẽ làm “lãng phí” quá trình tái tạo máu tự nhiên, ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi, trẻ sinh ra thường có nguy cơ thiếu máu cao.
Ngoài ra, mất ngủ khi mang thai thường xuyên thường sinh con ra hay quấy khóc, thậm chí hay cáu bẳn, mè nheo và có xu hướng “ngủ ngày cày đêm”.
Mất ngủ khi mang thai thì phải làm sao?
Không giống với người bình thường, trong thời gian mang thai mẹ bầu cần hạn chế tối đa việc dùng thuốc. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), hiện tại chưa có thuốc ngủ nào hoàn toàn an toàn cho phụ nữ mang thai.
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, phụ nữ mang thai thường xuyên sử dụng thuốc an thần không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thần kinh của mẹ bầu mà còn làm giảm chỉ số thông minh, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa bilirubin dẫn đến vàng da, thậm chí gây tổn thương não. Vì vậy, để cải thiện mất ngủ, bà bầu nên thực hiện một số biện pháp thuần tự nhiên sau đây:
- Thường xuyên tập thể dục: Những bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, yoga… giúp khí huyết lưu thông, cơ thể dẻo dai, giảm nhức mỏi chân tay, điều hòa nhịp thở, tinh thần sảng khoái, giúp mẹ bầu ngủ ngon giấc hơn. Lưu ý, mẹ bầu không nên tập thể dục quá gần giờ ngủ, nên tập cách giờ ngủ 1 giờ, và không nên chọn các môn thể dục vận động mạnh như: tập gym, chạy bộ, aerobic… vì sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.
- Hạn chế tình trạng chuột rút: Từ tháng thứ 3 trở đi, mẹ bầu dễ gặp tình trạng chuột rút gây đau đớn khiến mẹ bầu tỉnh giấc nhiều lần trong đêm. Để khắc phục, không nên ngồi hoặc nằm 1 tư thế quá lâu, đồng thời tăng cường các thực phẩm giàu vitamin B, magie vào thực đơn ăn uống hàng ngày như: rau xanh lá, các loại đậu, hạt, cá giàu chất béo Omega -3. Bên cạnh đó, những động tác massage nhẹ nhàng giúp hạn chế chuột rút, giảm tình trạng nhức mỏi, giúp bà bầu ngủ ngon hơn.
- Nằm nghiêng bên trái: Đây là tư thế nằm ngủ tốt nhất cho bà bầu, tư thế này không chỉ giúp máu lưu thông và dưỡng chất đến nhau thai được tốt nhất mà còn khiến tử cung không đè lên gan, tĩnh mạch chủ giúp máu, các bộ phận trong cơ thể hoạt động trơn tru. Tốt nhất, mẹ bầu nên sử dụng gối dành cho mẹ bầu, giúp chị em có nằm tư thế thoải mái nhất, nâng phần bụng, đồng thời chèn ở sau lưng và kẹp giữa đầu gối, cuốn chân lên cao để tìm cảm giác dễ chịu, ngủ ngon giấc hơn.
- Tránh ăn quá no trước khi đi ngủ: Mẹ bầu không nên ăn quá nhiều vào buổi tối, nên ăn cách giờ đi ngủ 2-3 tiếng giúp thức ăn có thể tiêu hóa hết, không gây cảm giác khó chịu khiến mẹ bầu ngủ không ngon giấc. Bên cạnh đó, chị em cũng lưu ý cách ăn uống như: nên ăn nhiều bữa (4-5 bữa/ngày), ăn chậm nhai kỹ, tăng cường những thực phẩm tốt cho đường tiêu hóa như: sữa chua, trái cây, rau xanh, uống nhiều nước… để tránh hiện tượng ợ nóng, đầy hơi, ảnh hưởng đến giấc ngủ của mẹ bầu.
- Ngâm chân bằng nước ấm: Ngâm chân bằng nước ấm, massage chân nhẹ nhàng, xông tinh dầu với các mùi hương dịu nhẹ (oải hương, bạc hà, hoa cúc…) có khả năng làm dịu thần kinh, giúp máu lưu thông tốt, mẹ bầu sẽ có giấc ngủ ngon hơn.
- Uống ly nước ấm trước khi đi ngủ: Một ly sữa nóng, hay trà hoa cúc, trà gừng, trà tâm sen ấm trước khi đi ngủ… cũng giúp cơ thể chìm vào giấc ngủ ngon hơn. Lưu ý, nên uống 1 ly nhỏ và cách giờ ngủ khoảng 1 giờ để không làm mẹ bầu thức giấc đi vệ sinh.
- Luôn đi ngủ và thức giấc đúng giờ: Thói quen này sẽ rèn luyện đồng hồ sinh của cơ thể hoạt động một cách điều độ. Đồng thời, mẹ bầu không nên ngủ nhiều vào ban ngày vì sẽ gây khó ngủ vào ban đêm, chỉ nên có giấc ngủ trưa ngắn 30-60 phút giúp cải thiện trí nhớ.
Ngoài ra, trước khi đi ngủ nên đi vệ sinh để không phải thức dậy nhiều lần trong đêm, chuẩn bị nơi ngủ sạch sẽ, nhiệt độ vừa phải; không nên xem điện thoại, đọc sách, xem phim gây xúc động mạnh trước giờ ngủ… để đi vào giấc ngủ ngon hơn.
Xem thêm: 20 món ăn chữa mất ngủ cho bà bầu
Bài viết trên đã cung cấp đến mẹ bầu các thông tin về giấc ngủ thai kỳ cũng như nguyên nhân và giải pháp về mất ngủ khi mang thai, hy vọng các mẹ bầu luôn ngủ ngon để có một thai kỳ khỏe mạnh, sẵn sàng chào đón thiên thần đáng yêu đến với gia đình.