Alzheimer là bệnh lý thường gặp ở những người trên 65 tuổi. Triệu chứng bệnh Alzheimer gồm sa sút trí nhớ và nhận thức, thay đổi tính cách, hành vi. Bệnh không chỉ cản trở hoạt động thường ngày mà còn gây nguy hại tới sức khỏe.
1. Bệnh Alzheimer và những điều cơ bản cần biết
Alzheimer là một loại bệnh khó chữa và ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại. Đây là bệnh lý thần kinh mạn tính, tiến triển chậm, có thể gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ, nhận thức, hành vi và mất khả năng diễn đạt ngôn ngữ khi mắc phải. Các triệu chứng của bệnh Alzheimer thường xuất hiện từ từ. Lâu dần những triệu chứng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, cản trở lớn đến những hoạt động trong cuộc sống thường ngày.
Vì vậy, việc hiểu và nhận biết các biểu hiện của bệnh là vô cùng quan trọng để những người xung quanh hỗ trợ và có cách chăm sóc phù hợp cho bệnh nhân Alzheimer.
2. Những biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân Alzheimer
2.1. Sa sút trí nhớ và khả năng nhận thức – Triệu chứng bệnh Alzheimer điển hình
Triệu chứng đầu tiên và phổ biến nhất của bệnh Alzheimer là sa sút trí nhớ và khả năng nhận thức. Người bệnh gặp khó khăn trong việc ghi nhớ thông tin mới, quên mất những sự kiện quan trọng hoặc tên người thân quen. Các triệu chứng này ngày càng trở nên rõ rệt theo thời gian. Người bệnh không nhớ được địa chỉ nhà, số điện thoại hoặc các thông tin cá nhân cơ bản. Một số trường hợp người mắc Alzheimer không thể tập trung và thực hiện các tác vụ hàng ngày.
Ngoài ra, khả năng nhận thức của người bệnh cũng bị ảnh hưởng. Các hoạt động đơn giản như đọc, viết, tính toán và việc thực hiện các công việc quen thuộc trở nên khó khăn hơn. Điều này gây cản trở lớn cho cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân. Người bệnh thường cần sự hỗ trợ từ những người thân quen để thực hiện các hoạt động cơ bản.
Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh Alzheimer là sa sút trí nhớ và khả năng nhận thức
2.2. Quên từ, khó diễn đạt ngôn ngữ
Khó diễn đạt bằng ngôn ngữ là một trong những triệu chứng bệnh Alzheimer điển hình. Người bệnh thường gặp khó khăn trong việc tìm từ ngữ, diễn đạt ý kiến và ý tưởng của mình một cách chính xác, rõ ràng. Điều này gây cản trở giao tiếp hàng ngày và ảnh hưởng đáng kể đến các mối quan hệ xã hội và tình cảm của bệnh nhân.
Những biểu hiện khó khăn trong biểu đạt ngôn ngữ bao gồm:
– Lặp lại câu chuyện hoặc nói chuyện không liên quan: Người bệnh có thể lặp lại một câu chuyện hoặc một thông tin nhiều lần mà không nhận ra điều đó. Đôi khi, bệnh nhân nói về những điều không liên quan đến cuộc trò chuyện hiện tại.
– Quên từ và không tìm được từ phù hợp: Người mắc Alzheimer không thể nhớ được từ ngữ cụ thể, sử dụng từ sai hoặc không phù hợp trong các câu nói. Điều này làm giảm khả năng kết nối trong cuộc trò chuyện, khiến người bệnh không thể hiện được ý kiến và suy nghĩ của mình.
– Mất khả năng định danh: Nhiều trường hợp sau khi bị Alzheimer mất khả năng định danh đúng người thân, bạn bè hoặc đối tác.
Bệnh nhân Alzheimer thường gặp khó khăn trong việc diễn đạt ý tưởng của mình bằng ngôn ngữ
2.3. Thay đổi hành vi, tâm trạng, tính cách – triệu chứng bệnh Alzheimer thường gặp
Bệnh Alzheimer cũng có thể tác động đến hành vi, tâm trạng và tính cách của người bệnh. Nhiều người trở nên khó tính, hay gắt gỏng, lo âu, mất kiên nhẫn. Những thay đổi này không chỉ ảnh hưởng tới các mối quan hệ gia đình và bạn bè mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống người bệnh.
Một số thay đổi chính thường gặp ở người mắc Alzheimer gồm có:
– Thay đổi tâm trạng: Người bệnh Alzheimer thường thay đổi tâm trạng một cách bất thường như cáu giận, bực tức, lo lắng hoặc buồn rầu mà không có nguyên nhân cụ thể. Sự thay đổi tâm trạng này có thể xuất hiện đột ngột và không liên quan đến tình huống hoặc sự kiện hiện tại.
– Thay đổi hành vi: Nhiều bệnh nhân sau khi mắc Alzheimer thay đổi cách cư xử và giảm khả năng kiểm soát hành vi. Bệnh nhân nóng tính hơn, thường xuyên lo lắng hoặc chán nản. Một số người bệnh thậm chí còn trở nên cực đoan và bị mất kiểm soát hành vi, không nhận thức được hành động của mình đúng hay sai.
– Thay đổi tính cách: Việc suy giảm nhận thức và trí nhớ có thể khiến tính cách của người bệnh thay đổi. Một số bệnh nhân từ một người hòa đồng dần trở nên lạnh lùng, ít giao tiếp, tự ti và thiếu sự đồng cảm đối với người xung quanh.
Alzheimer có thể khiến tính cách người bệnh trở nên khó tính, gắt gỏng, lo âu
2.4. Nhầm lẫn địa điểm hoặc thời gian
Triệu chứng thường gặp ở người mắc Alzheimer là quên ngày, tháng, năm hoặc thậm chí mất khả năng nhận biết thời gian hiện tại. Bệnh nhân cũng rất dễ bị lạc đường, nhầm lẫn giữa hai địa điểm gần nhau hoặc đi lang thang mà không có mục đích cụ thể.
Có thể thấy, những triệu chứng như thay đổi hành vi, tâm trạng và suy giảm nhận thức gây cản trở lớn trong cuộc sống hàng ngày của người bệnh Alzheimer. Gia đình và người chăm sóc cần có sự kiên nhẫn, hiểu biết về bệnh để tìm cách tương tác và hỗ trợ phù hợp. Ngoài ra, việc tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia y tế là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe người bệnh.
3. Các biện pháp giảm nhẹ triệu chứng bệnh Alzheimer
Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn cho bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, một số biện pháp có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng và làm chậm tiến trình bệnh. Các chuyên gia khuyên rằng bệnh nhân Alzheimer nên ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, tích cực trò chuyện và tương tác xã hội. Các phương pháp này giúp tăng cường hoạt động não bộ, duy trì sự linh hoạt và cải thiện trí nhớ.
Bên cạnh đó, việc chăm sóc người bệnh Alzheimer là một phần quan trọng giúp giảm nhẹ triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Người thân cần tạo môi trường sạch sẽ và thân thiện, hỗ trợ tinh thần và sinh hoạt cho người bệnh. Điều quan trọng nhất để ngăn những nguy hiểm sức khỏe là cần phát hiện triệu chứng bệnh Alzheimer và thăm khám sớm để đưa ra biện pháp điều trị kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.