Xơ vữa động mạch là tình trạng lắng đọng các chất trong máu gồm chất béo, các tế bào viêm và tế bào cơ trơn, mạng lưới mô liên kết có chứa huyết khối, canxi. Tùy từng vị trí các mảng xơ vữa hình thành mà các biểu hiện và mức độ nguy hiểm khác nhau. Dưới đây là 5 loại xơ vữa thường gặp tương ứng với các vị trí.
1. Xơ vữa mạch vành
Động mạch vành là hệ thống động mạch duy nhất cung cấp máu nuôi dưỡng cơ tim, đảm bảo hoạt động co bóp của quả tim. Bởi vậy, khi mạch vành xuất hiện các mảng xơ vữa sẽ khiến máu lưu thông qua đây gặp nhiều khó khăn, gây ra bệnh mạch vành.
Cơ tim không nhận đủ máu khiến hoạt động bơm máu của tim bị ảnh hưởng, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu ở vùng ngực cũng như toàn cơ thể. Thiếu máu cơ tim đột ngột có thể gây nhồi máu cơ tim cấp tính. Trong khi đó, cơ tim bị thiếu máu trong thời gian dài có thể làm tim suy yếu, gây suy tim.
Xơ vữa mạch vành rất phổ biến với những cơn đau thắt ngực.
Các triệu chứng có thể gặp khi mạch vành bị xơ vữa gồm:
– Đau ngực:
Đây là một triệu chứng điển hình của người bệnh bị xơ vữa mạch vành. Cơn đau ngực thường kéo dài vài phút, đau như đè nặng, lan lên vai trái, lan xuống cánh tay trái. Đau có thể xảy ra khi gắng sức, khi người bệnh gặp cảm xúc mạnh và thường đỡ khi nghỉ ngơi.
Nếu trong trường hợp đau ngực xuất hiện đột ngột, kéo dài vài chục phút đến hàng giờ, không đỡ khi nghỉ, có thể nhồi máu cơ tim đang xảy ra. Nhồi máu cơ tim khi đã xảy ra là một cấp cứu tim mạch, cần phải điều trị kịp thời.
– Các triệu chứng khác:
Nếu bệnh mạch vành gây suy tim mạn tính thì bệnh nhân có thể có các triệu chứng như khó thở, khó thở khi gắng sức, có cơn khó thở về đêm, sưng phù, tím tái tay chân.
2. Xơ vữa động mạch não
Xơ vữa mạch máu não là tình trạng nội mạc mạch máu não bị tổn thương gây sẹo, làm thành mạch máu dày lên, xơ cứng, lòng mạch hẹp dần. Cùng với huyết khối, xơ vữa là một yếu tố quan trọng gây tắc nghẽn mạch máu não, làm gia tăng nguy cơ đột quỵ não.
Nếu bị xơ vữa mạch não, người bệnh có thể có các dấu hiệu và triệu chứng như:
– Tê, yếu ở tay hoặc chân một cách đột ngột
– Khó nói hoặc nói chậm
– Mắt rủ xuống, mất thị lực tạm thời ở một bên
Đây là những tín hiệu quan trọng cảnh báo một cơn đột quỵ nhẹ hay thiếu máu não thoáng qua (TIA). Nếu không được điều trị, đột quỵ nhẹ có thể tiến triển thành đột quỵ thực sự trong tương lai.
3. Xơ vữa động mạch cảnh
Động mạch cảnh là một nhánh động mạch lớn xuất phát từ động mạch chủ ngực, hướng lên trên và chia nhánh đưa máu lên nuôi dưỡng não bộ.
Sự hình thành các mảng xơ vữa ở động mạch cảnh có thể gây giảm lưu lượng máu cung cấp cho hệ tuần hoàn não, là một trong những nguyên nhân chính gây đột quỵ nhồi máu não.
Nhiều bệnh nhân chỉ phát hiện hẹp mạch cảnh khi xảy ra tai biến mạch máu não. Triệu chứng của đột quỵ não do tắc nghẽn động mạch cảnh gồm có:
– Suy giảm ý thức nhanh chóng
– Nhìn mờ đột ngột
– Nói khó, khó biểu đạt ngay cả những từ ngữ đơn giản
– Yếu liệt nửa người, mức độ tùy bệnh nhân
– Khi khám lâm sàng có thể nghe thấy tiếng thổi ở động mạch cảnh
Các mảng xơ vữa ở động mạch cảnh có thể chặn đường cung cấp máu cho não, gây đột quỵ.
4. Xơ vữa động mạch ngoại biên
4.1 Xơ vữa động mạch ngoại biên là gì?
Xơ vữa hệ thống động mạch ngoại biên là tình trạng cứng và dày lên của thành của các động mạch ngoại biên – động mạch cung cấp máu nuôi dưỡng các chi – chủ yếu là các động mạch khẩu kính lớn và trung bình. Đây là nguyên nhân gây nên các bệnh như: thiếu máu cục bộ cơ tim, bệnh mạch máu ngoại biên, đột quỵ nhồi máu não, phình động mạch chủ bụng…
Bệnh động mạch ngoại biên hiện có xu hướng tăng lên cùng với sự già hóa dân số, lối sống thay đổi và sự gia tăng của các yếu tố nguy cơ tim mạch. Sau tuổi 70, khoảng 20% dân số bị bệnh động mạch ngoại biên.
4.2 Các yếu tố nguy cơ gây nên xơ vữa động mạch ngoại biên
– Rối loạn cholesterol bất thường
– Bệnh tiểu đường
– Huyết áp cao
– Tiền sử gia đình
– Hút thuốc lá
– Béo phì, thừa cân
4.3 Các triệu chứng
– Đau cách hồi: Người bệnh cảm thấy đau chuột rút ở vùng đùi, hông và bắp chân khi đi lại, đỡ hoặc hết đau khi nghỉ. Khi bệnh nặng, người bệnh có thể chỉ đi được vài chục mét là đã thấy đau chân và phải dừng lại để nghỉ. Đau không đỡ khi nghỉ ngơi, vết thương ở chân khó lành thậm chí nhiễm trùng, hoại tử; chân bên bị bệnh lạnh hơn chân lành hoặc lạnh hơn so với các phần chi phía trên.
– Chân tay lạnh, teo cơ, da khô do giảm máu nuôi dưỡng
– Mạch chi dưới bắt kém hoặc không bắt được
5. Xơ vữa động mạch chủ bụng
Động mạch chủ bụng bị xơ vữa có thể là yếu tố nguy cơ gây ra phình động mạch chủ. Xơ vữa xảy ra ở vị trí này thường không có triệu chứng nhưng rất nguy hiểm nếu xảy ra biến cố. Đặc biệt có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu vỡ phình.
Các triệu chứng có thể gặp ở phình động mạch chủ gồm:
– Đau ngực, đau lưng
– Các dấu hiệu chèn ép lồng ngực như: khàn tiếng, nuốt khó, hội chứng tĩnh mạch chủ trên (phù mặt, cổ, chi trên).
– Đau bụng nếu nguyên nhân do phình động mạch chủ bụng. Nhiều trường hợp thấy khối mạch ở bụng đập theo nhịp của tim.
Phình động mạch chủ là hậu quả khi động mạch chủ bụng có các mảng xơ vữa.
Bất cứ loại xơ vữa động mạch nào đều có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bởi vậy, người bệnh nên đi khám thường xuyên tại các chuyện khoa tim mạch để được chẩn đoán, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, để phòng tránh xơ vữa các động mạch. Nếu đã mắc bệnh, cần tuân thủ nghiêm phác đồ hoặc những tư vấn điều trị của bác sĩ chuyên khoa để bệnh có thể sớm cải thiện.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.