Nhồi máu cơ tim là một biến cố tim mạch nguy hiểm gây ra hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch. Tuy nhiên không phải loại nhồi máu cơ tim nào cũng giống nhau. Dựa vào nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim, y khoa chia bệnh nhồi máu cơ tim thành 5 loại. Cùng tìm hiểu những đặc điểm của 5 type nhồi máu cơ tim qua bài viết sau đây.
1. Phân loại nhồi máu cơ tim
Thực tế, có rất nhiều cách phân loại nhồi máu cơ tim, bao gồm:
– Dựa vào vị trí xảy ra tắc nghẽn, có thể chia nhồi máu cơ tim thành các dạng: nhồi máu cơ tim thành dưới, nhồi máu cơ tim thành bên, nhồi máu cơ tim thành sau…
– Dựa vào sự thay đổi đoạn ST trên điện tâm đồ, ta có nhồi máu cơ tim ST chênh lên và nhồi máu cơ tim ST không chênh lên.
– Dựa vào nguyên nhân và hoàn cảnh sinh bệnh, nhồi máu cơ tim được chia thành 5 loại, gồm nhồi máu cơ tim từ type 1 đến type 5.
Trong đó, nhồi máu cơ tim phân theo nguyên nhân được sử dụng khá phổ biến với những tiêu chuẩn chẩn đoán riêng cho mỗi loại.
Dựa theo nguyên nhân và bệnh cảnh, giới y khoa thống nhất chia nhồi máu cơ tim thành 5 loại, từ type 1 đến type 5.
2. Đặc điểm của các loại nhồi máu cơ tim chia theo nguyên nhân
2.1 Nhồi máu cơ tim type 1 – Phổ biến nhất trong 5 type nhồi máu cơ tim
Đây là loại nhồi máu cơ tim thường gặp nhất, có liên quan đến sự không ổn định của các mảng xơ vữa mạch vành. Cụ thể, trong quá trình hình thành, các mảng xơ vữa mềm dưới sức chảy của máu có thể bị nứt vỡ, xói mòn, loét hoặc tách ra khỏi thành mạch, kích thích sự tập kết tiểu cầu tại các vị trí tổn thương, tạo thành huyết khối.
Các huyết khối nhỏ có thể di chuyển trong lòng mạch mà không gây ảnh hưởng đến dòng chảy của máu. Nhưng các huyết khối lớn lại có nguy cơ gây tắc một hoặc nhiều nhánh mạch vành, gây thiếu máu cơ tim đột ngột, dẫn đến hoại tử cơ tim.
Như vậy, cục máu đông này là nguyên nhân chính dẫn đến nhồi máu cơ tim type 1.
Tiêu chuẩn chẩn đoán nhồi máu cơ tim type 1 là sự thay đổi các dấu ấn sinh học men tim theo thời gian. Cụ thể ít nhất 1 giá trị trên bách phân vị thứ 99 của giới hạn tham chiếu (URL) tăng hoặc giảm và kèm theo 1 trong các yếu tố sau:
– Có dấu hiệu thiếu máu cơ tim cấp tính, ví dụ đau ngực sau xương ức điển hình
– Thay đổi sóng T, ST hoặc block nhánh trái mới xuất hiện
– Xuất hiện sóng Q bệnh lý
– Khi siêu âm hoặc xạ hình tim ghi nhận được các rối loạn vận động vùng hoặc tình trạng thiếu máu cơ tim cấp tính mới
– Tìm thấy huyết khối trên phim chụp động mạch vành hoặc khi mổ tử thi
2.2 Nhồi máu cơ tim type 2
Nhồi máu cơ tim type 2 là loại thiếu máu cục bộ hình thành theo cơ chế thứ phát, không liên quan đến mảng xơ vữa mà do mất cân bằng nhu cầu oxy cơ tim. Bệnh thường xảy ra trong các trường hợp:
– Nhu cầu oxy máu tăng trong: thường gặp ở bệnh nhân cao huyết áp
– Nguồn cung oxy giảm: do co thắt động mạch vành, tắc nghẽn, hạ huyết áp,…
Tiêu chuẩn chẩn đoán nhồi máu cơ tim loại 2:
– Tăng hoặc giảm dấu hiệu sinh học men tim trên bách phân thứ 99 của đơn vị tham chiếu
– Xác định sự mất cân bằng oxy cơ tim không liên quan đến xơ vữa mạch vành
– Kèm ít nhất 1 trong các tiêu chuẩn sau: đau ngực sau xương ức điển hình; thay đổi trên điện tâm đồ gợi ý thiếu máu cơ tim cấp tính mới; xuất hiện sóng Q bệnh lý; ghi nhận rối loạn vận động hoặc thiếu máu cơ tim trên siêu âm hoặc xạ hình tim.
Nhồi máu cơ tim type 1 là loại phổ biến nhất trong 5 type nhồi máu cơ tim hiện nay.
2.3 Nhồi máu cơ tim type 3 – Loại gây tử vong đột ngột nhất trong 5 type nhồi máu cơ tim
Là tình trạng cấp tính của bệnh động mạch vành khiến bệnh nhân đột ngột tử vong do hoại tử cơ tim cấp.
Tiêu chuẩn chẩn đoán:
– Xuất hiện các dấu hiệu gợi ý thiếu máu cơ tim cấp
– Có thay đổi trên điện tâm đồ nhưng bệnh nhân tử vong khi chưa kịp lấy máu xét nghiệm hoặc chưa có kết quả xét nghiệm men tim
2.4 Nhồi máu cơ tim loại 4
Nhồi máu cơ tim type 4 là hội chứng mạch vành cấp liên quan đến quá trình can thiệp mạch vành. Bệnh chia ra làm 2 loại nhỏ:
– Loại 4a
Nhồi máu cơ tim liên quan đến thủ thuật can thiệp động mạch vành qua da. Dấu hiệu và triệu chứng nhồi máu cơ tim dạng này gồm:
+Tăng dấu ấn sinh học men tim trên 5 lần trên bách phân vị thứ 99 theo giới hạn tham chiếu
+ Thời điểm xảy ra là 30 ngày và 1 năm sau đặt stent mạch vành
+ Một số yếu tố kèm theo: thay đổi trên điện tâm đồ hoặc chẩn đoán hình ảnh; xác định được các nguyên nhân làm giảm lưu lượng máu mạch vành
– Loại 4b
Nhồi máu cơ tim do hình thành huyết khối trong stent, xác định bằng phương pháp chụp mạch vành hoặc mổ tử thi.
Dựa vào thời gian hình thành huyết khối so với thời điểm đặt stent mạch vành, có thể nhồi máu cơ tim loại này thành các giai đoạn sau:
+ Cấp tính: từ 0 đến 24 giờ
+ Bán cấp: từ 1 đến 30 ngày
+ Muộn: trên 30 ngày đến 1 năm
+ Rất muộn: trên 1 năm
Các huyết khối hình thành sau can thiệp động mạch vành gây nhồi máu cơ tim type 4.
2.5 Nhồi máu cơ tim type 5
Tình trạng tắc mạch vành cấp tính liên quan đến phẫu thuật bắc cầu nối chủ – vành.
Tiêu chuẩn chẩn đoán gồm:
– Men tim gấp 10 lần so với giá trị tham chiếu của đường bách phân vị thứ 99
– Kèm một trong các dấu hiệu:
+ Xuất hiện sóng Q hoại tử cơ tim mới
+ Ghi nhận hình ảnh tắc ghép mới hoặc tắc động mạch vành mới khi chụp mạch vành
+ Các chẩn đoán hình ảnh khác cho thấy sự mất vận động vùng cơ tim hoặc dấu hiệu hoại tử cơ tim mới.
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu được đặc điểm và cách chẩn đoán của 5 type nhồi máu cơ tim. Các chẩn đoán này cần được thực hiện sớm nhất có thể tại các cơ sở y tế với đội ngũ chuyên gia và các thiết bị hiện đại. Vì thế, ngay khi nhận thấy những dấu hiệu nhồi máu cơ tim, cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay để xác định chính xác loại nhồi máu cơ tim và có phương án xử trí kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.