Hẹp van tim hai lá là bệnh lý không có triệu chứng nghiêm trọng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh như tăng áp phổi, suy tim, rung nhĩ hoặc thậm chí là đột quỵ.
1. Hẹp van tim hai lá là gì?
Cấu tạo của quả tim gồm hai tâm nhĩ và hai tâm thất trong đó nhĩ phải được ngăn cách với thất phải bởi van ba lá và nhĩ trái ngăn cách với thất trái bởi van hai lá. Thông thường trong thì tâm trương, thất trái giãn ra, van hai lá sẽ mở cho máu từ tâm nhĩ đi xuống tâm thất. Khi người bệnh bị hẹp van tim hai lá, van không mở hết làm giảm lượng máu xuống tâm thất và ứ lại tại nhĩ trái.
Hẹp van hai lá là bệnh về van tim phổ biến, có biểu hiện khó thở trầm trọng về đêm
2. Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh hẹp van hai lá là gì?
2.1. Nguyên nhân của bệnh hẹp van tim hai lá
Những người đã từng mắc bệnh sốt thấp khớp, viêm nội mạc do liên cầu khuẩn nhóm A có thể bị dính van tim và sau từ 5 đến 10 năm có nguy cơ bị hẹp van hai lá.
Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể do một số nguyên nhân khác gây ra như:
– Vôi hóa vòng van tim: canxi tích tụ xung quanh van tim, khiến van tim mất đi sự đàn hồi và khả năng mở bị hạn chế.
– Một số bệnh tự miễn: viêm đa khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh.
– Rối loạn nội tiết: các trường hợp mắc hội chứng như chuyển hóa U carcinoid cũng có nguy cơ mắc bệnh.
– Dị tật bẩm sinh: đối với trẻ nhỏ, hẹp van tim thường là do các dị tật như van tim hai lá hình dù, vòng thắt trên van hoặc có thể là bệnh thứ phát sau khi mắc các bệnh bẩm sinh khác.
2.2. Triệu chứng bệnh hẹp van tim hai lá
Bệnh hẹp van hai lá có ít triệu chứng cụ thể nên người bệnh thường khó phát hiện. Khi phát hiện ra thì bệnh đã bước sang giai đoạn nghiêm trọng thậm chí diễn biến tới tình trạng suy tim. Sau đây là các biểu hiện nổi bật của bệnh mà bạn nên lưu tâm:
– Khó thở nhiều về đêm và khó thở khi gắng sức
– Thường xuyên mệt mỏi và dễ đuối sức, dễ hụt hơi khi chạy bộ, leo cầu thang, …
– Đau tức ngực
– Ho ra máu
– Thường xuyên xuất hiện cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh
– Biểu hiện của suy tim phải gồm có gan to, phù chân, tĩnh mạch cổ nổi
Bệnh có nhiều triệu chứng trong đó ho nhiều về đêm là biểu hiện hay gặp
3. Biến chứng của hẹp van hai lá là gì?
Hẹp van hai lá luôn là bệnh tiềm ẩn rủi ro vì có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách, cụ thể:
– Tăng áp lực mạch phổi: van tim bị hẹp khiến áp lực máu tăng trong động mạch phổi, làm cho tốc độ vận chuyển máu từ tim đến phổi tăng cao, dẫn đến máu có thể trào ngược vào phổi gây phù phổi cấp.
– Suy tim: hẹp van tim khiến áp lực mạch máu gia tăng trong phổi dẫn đến ứ dịch. Tình trạng này làm tim phải bị căng và dẫn đến suy tim phải. Khi lượng dịch và máu trở về phổi tăng lên sẽ gây phù phổi, khó thở và ho ra máu.
– Tim to: áp lực trong tim tăng lên do hẹp van hai lá, dẫn đến tình trạng lớn nhĩ.
– Rung nhĩ: nhĩ trái lớn khiến nhịp tim không đều, tâm nhĩ co bóp nhanh.
– Máu đông: thời gian ứ máu lâu mà không được điều trị nhanh chóng sẽ hình thành cục máu đông bên trong tâm nhĩ trái. Qua thời gian, cục máu đông có nguy cơ vỡ và theo dòng máu đi khắp nơi trong cơ thể. Nếu bị tắc nghẽn mạch máu, bệnh nhân có thể bị nhồi máu não hoặc nhồi máu cơ tim.
4. Chẩn đoán và điều trị hẹp van tim 2 lá như thế nào?
4.1. Các phương pháp chẩn đoán bệnh hẹp van hai lá
Quá trình chẩn đoán tình trạng bệnh bao gồm hỏi bệnh, thăm khám, dùng ống nghe tim, nghe phổi và tiến hành làm các xét nghiệm. Các phương pháp cận lâm sàng được sử dụng thường là:
– Siêu âm tim: xác định tình trạng hẹp van hai lá và một số bệnh lý liên quan.
– Điện tâm đồ: mục đích đo nhịp tim và xác định các rối loạn nhịp.
– Chụp X-quang ngực: mục đích khảo sát tim to và tình trạng sung huyết phổi.
– Thông tim: tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân
Bên cạnh các phương pháp kể trên, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm, chẩn đoán để xác định đúng tình trạng của bệnh nhân.
4.2. Các phương pháp điều trị hẹp van hai lá
Sau khi xác định chính xác tình trạng bệnh của các bệnh nhân, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị hiệu quả cho từng người. Một số phương pháp điều trị hẹp van hai lá hiệu quả hiện nay là:
– Sử dụng thuốc: thuốc lợi tiểu, thuốc kháng đông, thuốc điều chỉnh tần số tim, thuốc chống loạn nhịp tim, kháng sinh phòng ngừa sốt thấp. Tất cả các loại thuốc tim mạch cần được bác sĩ kê đơn, người bệnh không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
– Can thiệp, phẫu thuật: một số phẫu thuật thường được chỉ định là nong van hai lá tim bằng bóng, sửa van hai lá, thay van tim.
Bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt vào thời gian đầu khiến bệnh nhân chủ quan
5. Phòng ngừa bệnh hẹp van tim 2 lá
Trên thực tế, những phương pháp kể trên không thể chữa bệnh hoàn toàn, nhiều trường hợp đã thay van tim vẫn bị hẹp trở lại. Do đó, người bệnh cần tuân thủ lời khuyên từ bác sĩ và chủ động nâng cao sức khỏe tim mạch. Một số phương pháp phòng ngừa hiệu quả gồm:
– Xây dựng môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng.
– Đi khám sức khỏe định kỳ, uống thuốc hoặc tiêm kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ tim mạch.
– Ăn nhạt, ăn nhiều các nhóm chất tốt cho tim mạch.
– Dành thời gian nghỉ ngơi, làm việc khoa học, tránh làm việc quá sức.
Như vậy, chúng ta vừa tìm hiểu về bệnh hẹp van hai lá và những nguy cơ rình rập của căn bệnh này. Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào hãy đi khám Tim mạch để xác định đúng tình trạng bệnh và có cách điều trị phù hợp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.