Bệnh mạch vành là căn bệnh thường xảy ra ở độ tuổi từ 45 trở lên, đặc biệt sau 65 tuổi. Tuy nhiên càng ngày căn bệnh này càng có xu hướng trẻ hóa. Cùng tìm hiểu nguyên nhân bệnh mạch vành gia tăng ở người trẻ và cách phòng ngừa, điều trị hiệu quả trong bài viết sau.
1. Nguyên nhân bệnh mạch vành ngày càng xuất hiện nhiều ở người trẻ
Tuổi tác là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng của tim mạch nói chung và bệnh mạch vành nói riêng. Theo các nghiên cứu, bệnh mạch vành thường gặp ở người trung và cao tuổi do sự lão hóa của mạch vành và sự tích tụ các mảng bám, sự phát triển của các mảng xơ vữa theo thời gian. Tuy nhiên càng ngày, căn bệnh này càng dễ có xu hướng trẻ hóa với đối tượng mắc bệnh đa dạng ngành nghề, thói quen sống.
Nguyên nhân khiến bệnh mạch vành ngày càng xảy ra nhiều ở người trẻ chủ yếu là do sự gia tăng của các yếu tố nguy cơ thay đổi được, bao gồm:
1.1 Căng thẳng tâm lý – Nguyên nhân bệnh mạch vành thường gặp ở giới trẻ
Công việc nhiều áp lực, các mâu thuẫn trong cuộc sống, tình trạng cô đơn, trầm cảm kéo dài là các yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch – một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh mạch vành.
Bệnh mạch vành ngày càng phổ biến ở giới trẻ với nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau.
1.2 Hút thuốc lá
Theo các nghiên cứu, việc hút thuốc lá chủ động làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành tới 50%. Tỷ lệ tử vong ở những người có hút thuốc cũng tăng hơn 60% – 80% so với người bình thường. Ngay cả ở những người hút thuốc lá thụ động, nguy cơ bị bệnh động mạch vành cũng tăng khoảng 25%. Tuy nhiên hiện nay, nhiều người trẻ “tìm đến” thuốc lá như một thú vui hoặc một cách giải tỏa căng thẳng, sử dụng thuốc lá cả ở nơi công cộng khiến nguy cơ mắc bệnh mạch vành càng gia tăng.
1.3 Lối sống ít vận động
Hiện nay, ngồi nhiều, lười vận động đang là thói quen phổ biến, đặc biệt ở giới trẻ. Các thống kê cho thấy những người lười hoạt động thể chất sẽ có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành cao hơn so với những người có tập luyện.
1.4 Béo phì
Ở các nước phát triển, chỉ số khối cơ thể (BMI) cao liên quan đến 25 – 49% trường hợp mắc bệnh động mạch vành. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ vòng eo hông cao và và bệnh mạch vành có mối liên quan chặt chẽ tới nhau. Cụ thể, nếu một người có vòng eo > 90 cm (nam) và 80 cm (nữ) thì sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành cao hơn so với người bình thường. Do lối sống ít vận động, thường xuyên tiêu thụ đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ,… những người trẻ tuổi ngày càng dễ béo phì và mắc bệnh mạch vành.
Lối sống ít vận động là một trong những nguyên nhân bệnh mạch vành ngày càng trẻ hóa.
1.5 Lạm dụng rượu, bia là nguyên nhân bệnh mạch vành gia tăng ở giới trẻ
Người nghiện rượu là đối tượng có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh mạch vành. Uống rượu bia thường xuyên và không đúng cách có thể gây tăng huyết áp, làm tổn thương thành mạch, tăng sự hình thành và phát triển của các mảng bám, gây hẹp tắc mạch vành. Đáng lo là nhiều người trẻ có thói quen uống rượu bia không kiểm soát, do vậy phải đối mặt với bệnh mạch vành sớm.
1.6 Sự trẻ hóa của các bệnh lý
Hiện nay, các căn bệnh mạn tính đang có xu hướng trẻ hóa với tốc độ chóng mặt, trong đó có các căn bệnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành như: tăng huyết áp, rối loạn lipid, đái tháo đường. Hiện nay, tỷ lệ người dưới 35 tuổi bị tăng huyết áp đang ở mức 5% – 12%.
Độ tuổi của người mắc bệnh tiểu đường cũng ngày càng trẻ, đặc biệt là bệnh tiểu đường tuýp 2. Nhiều người mắc bệnh khi mới 25-30 tuổi, thậm chí ở tuổi vị thành niên.
Bệnh mỡ máu ngày càng “tấn công” người trẻ do chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, nhiều dầu mỡ, ít rau củ,… và lối sống thụ động.
2. Điều trị bệnh mạch vành ở người trẻ có khó không?
Bệnh mạch vành ở người trẻ có thể khởi phát ở dạng cấp tính, dạng nhồi máu cơ tim hoặc cơn co thắt. Trước đó người bệnh thường không hề có triệu chứng cảnh báo nào hoặc có nhưng bệnh nhân chủ quan bỏ qua. Các trường hợp này, người bệnh cần được cấp cứu nhanh chóng để thoát khỏi nguy hiểm.
Bên cạnh các trường hợp cấp tính, người trẻ cũng có thể bị bệnh động mạch vành mạn. Nếu được phát hiện sớm và kịp thời, có phương pháp kiểm soát tốt, người bệnh vẫn có thể chung sống với căn bệnh này mà không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt và sức khỏe. Các biện pháp kiểm soát chủ yếu là thay đổi lối sống và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ (nếu cần). Nhưng nếu bệnh được phát hiện muộn, việc điều trị sẽ trở nên rất khó khăn và người bệnh dễ đối mặt với các biến chứng như suy tim, nhồi máu cơ tim gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí tính mạng.
3. Cách phòng ngừa bệnh mạch vành ở người trẻ
Kiểm soát các nguyên nhân gây bệnh mạch vành là cách hữu hiệu để người trẻ phòng ngừa căn bệnh này. Các biện pháp được khuyến cáo cho người người trẻ gồm:
– Dừng hoặc hạn chế tối đa việc hút thuốc lá cả chủ động và thụ động.
– Duy trì chế độ ăn tốt cho tim mạch: giảm mặn, ít muối, ít chất béo, thịt mỡ, chất bột đường, hạn chế ăn thực phẩm đóng hộp, rượu bia. Thay vào đó nên ăn cá, thịt gia cầm bỏ da, ăn nhiều trái cây, rau, củ, quả, hạt, thực phẩm tươi sống…
– Tập thể dục thường xuyên, đều đặn mỗi 30 – 45 phút/ngày, khoảng 5 ngày/tuần. Lựa chọn các môn thể thao như đi bộ, chạy bộ, chạy xe đạp, bơi lội, đánh cầu lông, bóng bàn, đánh golf, tập yoga, thể dục nhịp điệu, thiền… cường độ phù hợp với tình trạng sức khỏe thực tế.
– Tránh căng thẳng, suy nghĩ nhiều, tích cực tham gia các hoạt động, hội nhóm.
– Giảm cân bằng các biện pháp khoa học nếu bạn bị thừa cân, béo phì.
– Điều trị tốt các bệnh lý đang mắc phải, đặc biệt là tiểu đường, huyết áp và mỡ máu.
Thăm khám chuyên khoa Tim mạch để chẩn đoán sớm mức độ và nguyên nhân gây bệnh mạch vành.
Trên đây là một số nguyên nhân bệnh mạch vành ngày càng gia tăng ở giới trẻ và cách phòng ngừa hiệu quả. Các thông tin chỉ là tham khảo, không thể thể thay thế các chẩn đoán của chuyên gia. Nếu bạn còn trẻ tuổi nhưng có những yếu tố nguy cơ mắc bệnh kể trên, hãy chủ động thăm khám chuyên khoa Tim mạch để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.