Suy tim là “đích đến” của các bệnh lý tim mạch, với đặc trưng là sự suy giảm khả năng co bóp, bơm máu và chức năng tim nói chung. Tình trạng tim suy yếu không chỉ gây ảnh hưởng đến chức năng tim mà còn gây bất thường ở một loạt cơ quan trong cơ thể. Cùng tìm hiểu về về bệnh suy tim qua bài viết sau đây.
1. Suy tim là gì?
Suy tim là thuật ngữ chỉ tình trạng tim bị suy yếu do các tổn thương thực thể hoặc các rối loạn chức năng tim. Điều này khiến cho tâm thất không có đủ khả năng tiếp nhận máu hoặc tống máu đi nuôi cơ thể, dẫn đến nhiều rối loạn, khiến cơ thể trở nên bất ổn.
Suy tim được coi là “đích đến” cuối cùng của hầu hết các bệnh lý tim mạch. Các bất thường về cấu trúc hoặc chức năng của tim nếu không được phát hiện hoặc kiểm soát có thể khiến tim trở nên suy yếu theo thời gian. Bên cạnh đó, các vấn đề chuyển hóa, virus, ảnh hưởng của các loại thuốc có thể là nguyên nhân khiến tim yếu đi. Việc tìm ra nguyên nhân nền và yếu tố khiến bệnh tiến triển nặng là rất quan trọng đối với việc điều trị bệnh.
1.1 Các bệnh lý tim mạch gây suy tim
Các bệnh lý tim mạch dễ dẫn đến suy tim gồm:
– Các bệnh lý mạch vành: thiếu máu cục bộ cơ tim (bệnh mạch mạn), hội chứng vành cấp,…
– Hẹp van tim: chủ yếu là các bệnh hẹp van động mạch chủ, hẹp van 2 lá…
– Hở van tim: gồm hở van hai lá nặng, hở van động mạch chủ…
– Bệnh tim bẩm sinh: thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch, cửa sổ phế chủ,…
– Rối loạn nhịp tim: rối loạn nhịp chậm hoặc nhịp nhanh mạn tính
– Bệnh cơ tim giãn nhưng không liên quan tới thiếu máu cục bộ
– Tăng huyết áp
Cac bệnh lý tim mạch không được điều trị hiệu quả là nguyên nhân hàng đầu khiến tim suy yếu.
1.2 Các bệnh chuyển hóa
Ngoài tim mạch, các bệnh lý mạn tính khác như bệnh tuyến giáp, đái tháo đường, suy thận mạn không được điều trị cũng có thể gây biến chứng tim mạch, dẫn đến suy tim.
1.3 Virus hoặc các tác nhân gây nhiễm trùng khác
Khi các loại virus tấn công vào cơ thể có thể gây ảnh hưởng đến tim mạch do cấu trúc cơ tim khá giống với cấu tạo của virus, vì thế dễ khiến hệ miễn dịch nhận diện và tấn công nhầm dẫn đến tổn thương.
1.4 Tổn thương do thuốc hoặc nhiễm độc
Một số loại thuốc điều trị tim mạch hoặc các bệnh lý khác như các thuốc chẹn canxi, chẹn bêta, kháng viêm không steroid, thuốc chống loạn nhịp,… có thể ảnh hưởng không tốt đến tim, gây suy tim.
2. Các triệu chứng đa dạng ở bệnh nhân suy tim
Các biểu hiện của bệnh suy tim có thể khác nhau ở mỗi người, phổ biến nhất là:
– Khó thở: Hệ thống tim mạch không thể cung cấp đủ máu cho các tế bào có thể khiến người bệnh cảm thấy khó thở. Tình trạng này có thể xảy ra khi gắng sức hoặc nghỉ ngơi. Người bệnh có thể khó thở khi nằm đầu thấp, khó thở kịch phát về đêm. Một số người bị ho kèm theo những cơn khó thở. Khi bệnh nhân gắng sức, tình trạng ứ dịch có thể dẫn đến sung huyết phổi.
– Mệt mỏi: Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, yếu sức do tim không bơm đủ máu nuôi dưỡng cơ thể.
– Sưng phù chân và mắt cá chân: Phù ở bệnh nhân suy tim thường do tình trạng tích nước, ứ trệ ngoại biên, thường nhẹ vào buổi sáng và nặng hơn vào cuối ngày. Một số bệnh nhân có thể bị tràn dịch màng phổi, màng bụng, màng tim, gan to và đau tức, tĩnh mạch ở cổ giãn căng.
Các triệu chứng khác có thể gặp ở bệnh nhân suy tim bao gồm:
– Ho: Do ứ trệ máu ở phổi nên bệnh nhân suy tim hay bị ho khan, khi nghe phổi thường thấy tiếng ran ẩm ở phổi. Ho thường dai dẳng và nặng hơn vào ban đêm, có thể kèm theo máu hay bọt hồng.
– Đầy hơi
– Mất cảm giác ngon miệng
– Thay đổi cân nặng, tăng hoặc sụt cân bất thường
– Chóng mặt và ngất xỉu
– Đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, loạn nhịp,…
– Trầm cảm và lo lắng, mất ngủ
Khó thở là một trong những triệu chứng thường gặp của bệnh nhân suy tim.
3. Các yếu tố nguy cơ khiến bệnh suy tim tăng nặng
Một số yếu nguy cơ cũng có thể tố thúc đẩy gây suy tim hoặc khiến bệnh trở nặng bao gồm:
– Chế độ ăn nhiều muối: Ăn mặn khiến cơ thể dễ bị tích nước, tăng gánh nặng khiến tim ngày càng suy yếu, đặc biệt là làm nặng thêm tình trạng sưng phù.
– Không tuân thủ điều trị: Việc bỏ thuốc, uống không đều, tự ý giảm liều thuốc điều trị mà không hỏi ý kiến bác sĩ khiến bệnh suy tim ngày càng nghiêm trọng. Bệnh suy tim tăng độ nhanh chóng và mất kiểm soát.
– Rối loạn nhịp (nhanh, chậm): Tình trạng rối loạn nhịp khiến tim co bóp không đều, khiến tim ngày càng suy yếu.
– Nhiễm khuẩn
– Tình tạng thiếu máu
– Lạm dụng rượu bia
– Mang thai
4. Chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân suy tim
4.1 Chẩn đoán suy tim
Dựa các triệu chứng và quá trình thăm khám ban đầu, các bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm để kết luận bạn có bị suy tim hay không, gồm:
– Điện tâm đồ
– X- quang tim phổi
– Siêu âm tim
– Điện giải đồ
– Creatinin máu
– MSCT động mạch vành
Điều trị đúng phác đồ với chuyên gia Tim mạch giúp giảm các triệu chứng của bệnh, ngăn ngừa biến chứng.
4.2 Điều trị suy tim
Mục tiêu chính của việc điều trị bệnh suy tim là kéo dài sự sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh bằng các biện pháp:
Điều chỉnh lối sống
– Duy trì chế độ ăn giảm muối, đặc biệt, khi suy tim nặng lên, mất bù thì cần kiêng muối tuyệt đối trong khoảng 1 – 2 tuần.
– Bỏ thuốc lá nếu đang hút, tránh rượu bia và các chất kích thích khác.
– Tránh các công việc hoặc hoạt động đòi hỏi phải gắng sức.
– Tập luyện phù hợp các bộ môn như thể dục dưỡng sinh, thái cực quyền, đạp xe, bơi, đi bộ nhẹ nhàng.
– Tham gia các câu lạc bộ, các hoạt động xã hội để nâng cao tinh thần lạc quan, tránh bi quan tiêu cực.
Điều trị bằng thuốc
Một số loại thuốc thường được dùng để điều trị suy tim như:
– Thuốc ức chế men chuyển, ức chế thụ thể của Angiotensine II
– Thuốc chẹn β
– Các thuốc kháng Aldosterone
Ngoài ra, có thể kết hợp thuốc lợi tiểu khi có suy tim sung huyết, Digoxine và kháng vitamin K khi có rung nhĩ, Nitrate và vận mạch trong cơn suy tim cấp,…
Dù sử dụng bất cứ loại thuốc nào, người bệnh cũng cần tuân thủ đơn thuốc và tham khảo ý kiến bác sĩ khi muốn có sự điều chỉnh.
Nếu tình trạng suy tim tiến triển nặng, người bệnh có thể phải đặt các thiết bị hỗ trợ hoặc tiến hành can thiệp.
Những thông tin trên đây hi vọng đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh suy tim. Khi có các dấu hiệu suy tim, hãy đi khám chuyên khoa Tim mạch sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.