Tim to là một bất thường liên quan đến kích thước trái tim. Bệnh tim to có nguy hiểm không, có gây ảnh hưởng đến chức năng tim không? Các triệu chứng biểu hiện như thế và khả năng điều trị ra sao? Đây là những thắc mắc sẽ được giải đáp trong bài viết này.
1. Tim to là gì? Bệnh tim to có nguy hiểm không?
Bệnh tim to hay còn được gọi là bệnh cơ tim phì đại. Đặc trưng của bệnh là tình trạng cơ tim, đặc biệt là cơ tim của tâm thất trái dày lên bất thường hoặc vách ngăn giữa hai tâm thất mở rộng ra. Điều đó khiến kích thước tim to lên nhưng sức chứa máu tại các buồng tim lại giảm ra, gây cản trở các chức năng bơm máu của tim.
Tình trạng cơ tim, đặc biệt là cơ tim của tâm thất trái dày lên bất thường hoặc vách ngăn giữa hai tâm thất mở rộng ra có thể làm thay đổi kích thước tim.
Cũng như hầu hết các vấn đề tim mạch khác, chứng tim to nếu không được nhận biết và điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ tử vong ở người bệnh. Một số biến chứng nguy hiểm mà bệnh lý này có thể gây ra như:
1.1 Ngừng tim và đột tử
Tình trạng cơ tim dày lên, buồng tim giãn rộng sẽ có thể gây gián đoạn nhịp đập của tim, điển hình là rung nhĩ. Nhiều trường hợp, người bệnh ngất đi do tim đập quá nhanh hoặc quá chậm, thậm chí ngừng hoạt động. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do ngừng tim đột ngột. Các nghiên cứu cho thấy tim to là nguyên nhân hàng đầu gây đột tử ở những người dưới 30 tuổi.
Nguy cơ đột tử do tim có thể cao hơn nếu tiền sử gia đình bệnh nhân có người mắc bệnh này. Những người bị suy giảm chức năng tim, tiền sử rối loạn nhịp, suy tim, tăng huyết áp khi gắng sức, người trẻ tuổi thường xuyên ngất xỉu… cần đặc biệt cảnh giác với biến chứng này.
1.2 Suy tim
Suy tim là biến chứng phổ biến nhất ở người bệnh tim to. Trong đó, suy tim trái và suy tim sung huyết là 2 dạng suy tim thường gặp nhất. Cơ tim bị giãn nở dẫn đến khả năng co bóp của tim giảm. Để đáp ứng đủ lượng máu cần thiết để nuôi cơ thể, tim phải hoạt động nhiều hơn, vì thế ngày càng trở nên suy yếu.
1.3 Thuyên tắc do huyết khối
Tim to ra nhưng diện tích các buồng tim lại giảm. Điều này khiến sự lưu thông máu bị cản trở. Máu dễ bị ứ lại trong buồng tim và tạo hình thành cục máu đông. Các cục máu đông này có thể di chuyển đến mạch vành, mạch máu não hay các mạch máu khác và gây tắc nghẽn tại đó. Các biến chứng nguy hiểm nhất thường gặp do huyết khối là nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Trường hợp cục máu đông đi đến phổi gây ra tình trạng thuyên tắc phổi cũng rất nguy hiểm.
2. Các triệu chứng bệnh tim to
Mức độ nguy hiểm của bệnh tim to còn phụ thuộc vào mức độ giãn của cơ tim và những biến chứng bệnh nhân gặp phải. Tuy nhiên không thể chủ quan với căn bệnh này. Việc nắm được các triệu chứng của bệnh có ý nghĩa rất lớn trong việc phát hiện sớm bệnh tim to.
Nhiều người mắc bệnh tim to có thể không xuất hiện bất kỳ biểu hiện nào hoặc có rất ít. Các triệu chứng thường xuất hiện trong khi tập thể dục hoặc gắng sức, bao gồm:
– Khó thở khi hoạt động, khi nằm và khi ngủ
– Đau tức ngực
– Nhịp tim nhanh hoặc không đều
– Hoa mắt hoặc chóng mặt, choáng váng
– Ngất xỉu hoặc gần như ngất
– Mệt mỏi, thiếu năng lượng
– Phù nề chân và bàn chân
– Tăng huyết áp
– Tiếng thổi liên tục trong tim
Các triệu chứng của bệnh này có thể khác nhau ở mỗi mỗi bệnh nhân với mức độ nghiêm trọng thay đổi qua từng ngày theo diễn tiến của bệnh. Do vậy, người bênh cần phải theo dõi, phát hiện và kịp thời điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Khó thở, đau ngực, sưng phù,…có thể là dấu hiệu cảnh bảo bệnh tim to.
4. Điều trị bệnh tim to
4.1 Bệnh tim to có chữa được không?
Tim to là bệnh lý liên quan đến sự thay đổi cấu trúc của tim bị nên rất khó có thể điều trị để tim trở về bình thường. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm, bệnh vẫn có thể được kiểm soát nhờ các biện pháp điều trị duy trì. Hầu hết trong các trường hợp nhẹ và vừa, các bác sĩ sẽ chỉ đinh một số loại thuốc nhằm giảm triệu chứng và hỗ trở cải thiện chức năng tim.
Một số trường hợp nếu tim giãn ở mức độ nặng, không còn đáp ứng với các thuốc điều trị, người bệnh có thể sẽ được bác sĩ chỉ định các biện pháp can thiệp phẫu thuật phù hợp để ngăn không cho tim to thêm, đồng thời phục hồi chức năng cơ tim.
4.2 Các biện pháp hỗ trợ điều trị
Việc duy trì lối sống khoa học và lành mạnh có thể đem lại hiệu quả hỗ trợ điều trị bất ngờ đối với bệnh tim to. Khi mắc bệnh, người bệnh cần lưu ý thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống sau:
– Ăn giảm muối, hạn chế thực phẩm giàu chất béo bão hòa và cholesterol
– Ưu tiên bổ sung chất xơ và các vitamin, thường dồi dào trong các loại rau xanh, hoa quả
– Uống đủ nước với lượng 6 – 8 cốc nước mỗi ngày
– Tránh các loại thức uống chứa cồn và caffein
– Hạn chế hút thuốc lá
– Tăng cường hoạt động thể chất với các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội… Thời gian tập luyện khoảng 20 – 30 phút mỗi ngày và ít nhất là 5 ngày mỗi tuần
– Theo dõi cân nặng thường xuyên
– Kiểm soát lượng đường trong máu và huyết áp nếu bệnh nhân mắc bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp
– Hạn chế căng thẳng, áp lực, ngủ đủ giấc mỗi ngày
– Thường xuyên thư giãn bằng cách nghe nhạc, thiền, yoga…
Khi có dấu hiệu của bệnh, bạn nên chủ động thăm khám chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn phần nào trả lời được câu hỏi bệnh tim to có nguy hiểm không và cách nhận biết, điều trị căn bệnh này. Hãy luôn lắng nghe cơ thể mình và đi khám tim mạch sớm ngay khi có những biểu hiện nghi ngờ để phát hiện và điều trị bệnh tim to kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.