Ung thư tuyến giáp dạng nhú là loại ung thư tuyến giáp phổ biến nhất. Bệnh thường có tiên lượng và điều trị tốt, phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp thể nhú phổ biến nhất và mang đến kết quả tích cực là phẫu thuật.
1. Tóm tắt các thông tin về bệnh ung thư tuyến giáp thể nhú
1.1 Sơ lược về ung thư tuyến giáp thể nhú
Ung thư tuyến giáp thể nhú có tên tiếng anh là Papillary thyroid cancer (PTC), hay còn gọi là ung thư biểu mô tuyến giáp dạng nhú. Đây là bệnh lý được hình thành ở các tế bào nang trong tuyến giáp sản xuất thyroglobulin – Một protein được tạo ra bởi các tế bào trong tuyến giáp có vai trò quan trọng trong việc tổng hợp hormone tuyến giáp.
Ung thư tuyến giáp thể nhú cũng là loại ung thư tuyến giáp phổ biến nhất, chiếm khoảng 80-85% trong tất cả các trường hợp ung thư tuyến giáp.
Ung thư tuyến giáp thể nhú là loại thường gặp nhất và có tiên lượng tốt hơn so với các dạng bệnh còn lại
1.2 Đối tượng nguy cơ và nguyên nhân gây bệnh
Bệnh lý này có thể xảy ra ở nhiều nhóm đối tượng, thường xảy ra nhất là ở người trung niên, người có giới tính là nữ cũng có nhiều khả năng hơn là nam giới.
Nguyên nhân chính xác gây bệnh hiện nay vẫn chưa được xác định, tuy nhiên có những yếu tố tác động làm tăng nguy cơ phát triển ung thư tuyến giáp thể nhú, bao gồm:
– Phơi nhiễm phóng xạ: Tỷ lệ người bệnh mắc K tuyến giáp thể nhú cao hơn ở những người có tiền sử tiếp xúc với phóng xạ.
– Di truyền: Một số điều kiện di truyền có liên quan đến ung thư tuyến giáp thể nhú đó là: Đa polyp gia đình, hội chứng Werner, phức hợp Carney loại 1.
1.3 Triệu chứng của ung thư tuyến giáp thể nhú
Dấu hiệu điển hình của K tuyến giáp thể nhú là có 1 khối u hoặc nốt sần không đau trên tuyến giáp. Các triệu chứng gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người bệnh có thể sẽ không xuất hiện đối với dạng bệnh lý này. Một số ít trường hợp bạn có thể cảm thấy bị đau ở cổ, đau ở hàm, đau tai do ung thư tuyến giáp thể nang. Nếu trường hợp khối u có kích thước đủ lớn để nén khí quản hoặc thực quản, bạn có thể sẽ cảm thấy khó thở hoặc khó nuốt.
1.4 Mức độ tiến triển của K tuyến giáp thể nhú
Bệnh K tuyến giáp thể nhú có xu hướng phát triển chậm, thường chỉ phát triển ở một thùy của tuyến giáp. Bệnh có khả năng di căn đến các hạch bạch huyết ở cổ trước tiên. Có khoảng 30% số bệnh nhân mắc K tuyến giáp thể nhú di căn được xác định khi chẩn đoán.
Ở giai đoạn càng sớm người bệnh có cơ hội điều trị triệt căn càng cao, tiên lượng sống tốt
2. Phương hướng điều trị bệnh ung thư tuyến giáp thể nhú
Ung thư tuyến giáp thể nhú có tiên lượng tổng thể tốt nhất trong số tất cả các loại ung thư tuyến giáp. Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp thể nhú phụ thuộc vào kích thước khối u, mức độ xâm lấn, do căn của ung thư.
Trực tiếp tư vấn, xây dựng phác đồ điều trị ung thư tuyến giáp cho bệnh nhân tại TCI là TS.BS Lim Hong Liang – Chuyên gia ung bướu hàng đầu Singapore
2.1 Phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp thể nhú
Phẫu thuật là phương pháp được chỉ định phổ biến nhất trong điều trị ung thư tuyến giáp thể nhú. Tùy thuộc vào kích thước và vị trí khối u, bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Nếu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở cổ, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ các hạch bạch huyết bị ảnh hưởng tại thời điểm thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp.
– Phẫu thuật cắt bỏ thùy giáp là một lựa chọn cho các khối u kích thước <4cm, chưa có sự lan rộng ra bên ngoài tuyến giáp và di căn hạch bạch huyết.
– Phẫu thuật cắt bỏ gần toàn bộ hoặc toàn bộ tuyến giáp sẽ được chỉ định đối với những bệnh nhân có khối u thể nhú kích thước >4cm, hoặc khối u đã lan rộng ra bên ngoài tuyến giáp, hoặc bệnh di căn đến các hạch bạch huyết.
2.2 Điều trị bổ trợ sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp thể nhú
Nếu người bệnh thực hiện phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, bạn sẽ cần dùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp trong suốt quãng đời còn lại. Liều lượng và thời gian sử dụng hormone tuyến giáp thay thế sẽ được chỉ định tùy thuộc vào hình thức phẫu thuật cắt bỏ của mỗi người bệnh (phẫu thuật cắt bỏ thùy giáp hoặc toàn bộ tuyến giáp).
Ngoài việc sử dụng thuốc thay thế hormone tuyến giáp để duy trì chức năng hoạt động của cơ thể, quá trình điều trị ung thư tuyến giáp thể nhú sẽ được tiếp tục điều trị bổ trợ sau phẫu thuật nhằm mục đích loại bỏ triệt để các tế bào ung thư, ngăn chặn triệt để tế bào ác tính quay lại sớm.
– Liệu pháp iốt phóng xạ: Các tế bào tuyến giáp và tế bào ung thư tuyến giáp thể nhú hấp thụ iốt. Do đó, với nguyên lý trên đôi khi bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng một dạng iốt phóng xạ để tiêu diệt mô tuyến giáp ung thư còn sót lại sau khi cắt bỏ tuyến giáp.
– Xạ trị: Tia bức xạ sẽ tác động lên các các tế bào ung thư tuyến giáp và ngăn chặn chúng phát triển. Hai hình thức xạ trị được sử dụng là: Xạ trị ngoài sử dụng máy để cung cấp các chùm năng lượng mạnh tác động trực tiếp đến vị trí khối u. Xạ trị bên trong liên quan đến việc đặt các hạt phóng xạ trong hoặc xung quanh khối u.
– Hóa trị: Thuốc hóa trị qua đường tĩnh mạch hoặc đường uống để tiêu diệt tế bào ung thư tuyến giáp còn sót lại và ngăn chặn sự phát triển của ung thư. Tuy nhiên đây là phương pháp mà rất ít người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến giáp sẽ được chỉ định thực hiện.
Người bệnh cũng cần chú ý theo dõi dài hạn từ 6 đến 12 tháng một lần để phát hiện ung thư tái phát trong vòng ít nhất 5 năm.
3. Triển vọng – Tiên lượng cho bệnh nhân mắc K tuyến giáp thể nhú
Nhìn chung, tiên lượng của bệnh nhân mắc K tuyến giáp thể nhú là tương đối tốt, đặc biệt nếu bạn ở đội tuổi dưới 40 khi được chẩn đoán và mắc một khối u nhỏ. Ung thư tuyến giáp thể nhú có khả năng điều trị thành công cao, ít nguy cơ tử vong hơn ngay cả khi bệnh đã lan tràn đến các hạch bạch huyết vùng cổ của bạn. Có kho
ảng hơn 90% bệnh nhân mắc K tuyến giáp thể nhú sống sót ít nhất 10 đến 20 năm sau điều trị.
Một số yếu tố có thể dẫn đến tiên lượng của bạn xấu hơn đó là:
– Mắc bệnh ở độ tuổi lớn hơn 55 tuổi
– Ung thư đã lan tràn đến các cơ quan xa của cơ thể
– Nếu bạn mắc dạng ung thư tuyến giáp thể nhú hiếm gặp như: biến thể tế bào cao, biến thể xơ cứng lan tỏa, biến thể rắn.
Mặc dù là bệnh lý có tiên lượng tích cực hơn so với nhiều căn bệnh ung thư ác tính, tuy nhiên vì không có triệu chứng rõ ràng nên bệnh nhân sẽ có nhiều khả năng phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn. Chính điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình và hiệu quả điều trị, do đó khuyến cáo người dân cần thực hiện thăm khám sức khỏe và tầm soát ung thư tuyến giáp định kỳ để phát hiện sớm những bất thường.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.