Rối loạn nhịp tim là bệnh lý tim mạch rất phổ biến, có thể xảy ra với mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, biểu hiện với việc nhịp tim quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Dựa vào cách thức rối loạn và những biểu hiện cụ thể, có thể chia rối loạn nhịp thành nhiều loại nhưng phổ biến nhất là 6 loại rối loạn nhịp tim dưới đây.
1. Ngoại tâm thu – Loại rối loạn nhịp tim phổ biến nhất
Trong các loại rối loạn nhịp tim, ngoại tâm thu là loại rối loạn hay gặp hơn cả. Đặc trưng của ngoại tâm thu là việc xuất hiện những nhịp tim co bóp quá sớm. Điều này khiến truyền xuất phát từ một ổ phát nhịp trong tim đi đến kích thích tim sớm hơn bình thường, được gọi là nhịp ngoại tâm thu.
Khi xảy ra một nhịp ngoại tâm thu, nhiều người có thể không cảm nhận thấy gì nhưng cũng có những người cảm giác rất rõ và mô tả lại như sau:
– Cảm giác như bước hụt hoặc bị vấp
– Cảm thấy bàng hoàng haỵ giật mình
– Cảm giác như ngã từ trên cao xuống nếu đang ngủ
Ngoại tâm thu là một dạng rối loạn nhịp phổ biến nhất.
Sau nhịp ngoại tâm thu, tim thường như ngừng lại một chút, được gọi là “nghỉ bù”. Tiếp đó đập một nhịp mạnh rồi mới tiếp tục co bóp bình thường trở lại. Những trường hợp ngoại tâm thu điển hình, người bệnh có thể thấy rõ 3 cảm giác theo thứ tự: hẫng hụt, ngừng, rồi đập mạnh.
Việc tim co bóp sớm làm phá vỡ sự đều đặn của nhịp tim. Loại ngoại tâm thu lẻ tẻ, thỉnh thoảng mới xuất hiện có thể không cần điều trị. Nhưng nếu ngoại tâm thu xuất hiện nhiều, liên tiếp có thể gây ra những hiện tượng như căng, tức ở cổ; đau nhói hoặc đau thắt ngực; trống ngực, tim đập hồi hộp. Thậm chí người bệnh mệt mỏi, khó thở, không làm việc được hay không ngủ được… Khi đó, các biện pháp điều trị cần được tiến hành.
Ngoại tâm thu có thể xảy ra ở cả nam và nữ, ở người già cũng như người trẻ, ở cả người có bệnh tim và người khỏe mạnh bình thường.
2. Nhịp nhanh nhĩ kịch phát
Nhịp nhanh nhĩ kịch phát thường xảy ra ở những người còn trẻ, khoẻ mạnh. Nhịp tim có đặc điểm nhanh, đều, mạnh, người bệnh cảm giác choáng váng. Nhịp nhanh nhĩ kịch phát có thể được điều trị bằng cách thay đổi lối sống như:
– Hạn chế dùng cà phê, thuốc lá, các chất kích thích khác
– Tránh gắng sức quá mức
Nếu cần thiết thì có thể dùng thuốc chống loạn nhịp theo chỉ định của bác sĩ.
3. Nhịp nhanh thất
Nhịp nhanh thất là một loại rối loạn nhịp tim đặc trưng bằng các cơn nhịp nhanh (có ≥ 3 nhịp thất liên tiếp với tần số ≥ 120 lần/phút), cảm giác choáng váng, đôi khi là đau ngực.
Loại loạn nhịp này thường xảy ra trong các bệnh tim mạch nặng nhưng cũng có thể diễn tiến thầm lặng và có thể gây ngất. Nhịp nhanh thất nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời có thể tiến triển thành rung thất, gây ngừng tim.
4. Rung nhĩ
Rung nhĩ là rối loạn nhịp phổ biến, chỉ đứng sau ngoại tâm thu. Đây là rối loạn xảy ra do các sợi cơ nhĩ hoạt động không đồng thời với nhau. Cụ thể, lúc sợi này co bóp thì sợi kia ngừng nghỉ. Do vậy, không có thời kỳ nhĩ thu cũng không có thời kỳ nhĩ trương.
Khi tim đập bình thường, tâm nhĩ co bóp đều đặn 70 lần trong một phút. Nhưng khi các sợi cơ nhĩ hoạt động bất thường, các lệnh truyền xuống tâm thất không ổn định, khiến tâm thất co bóp không đều. Có những trường hợp tâm thất phải co bóp rất nhanh (từ 100 đến 160 nhịp/phút). Điều này làm cho máu từ tâm nhĩ xuống không kịp, cộng thêm làm giảm sức đẩy của nhĩ thu. Hậu quả là hiệu suất bơm máu giảm sút, dẫn đến suy tim, khó thở, phù, gan to,…
Chưa hết, tình trạng này kéo dài có thể khiến máu ứ đọng trong tâm nhĩ, sinh ra cục máu đông, làm tăng nguy cơ tắc nghẽn các mạch máu ở nhiều nơi, nguy hiểm nhất là ở não.
Rối loạn rung nhĩ rất dễ dẫn tới đột tử.
5. Rung thất
Rung thất thường là nguyên nhân gây đột tử phổ biến ở những bệnh nhân bị bệnh về tim. Đặc điểm của loại loạn nhịp này là việc hoạt động điện học trong tâm thất bị xáo trộn khiến cơ tim không còn đập đồng bộ nữa. Thay vào đó là sự xuất hiện các co thắt khu trú. Chỉ sau một vài phút từ khi rung thất xảy ra, tất cả các hoạt động điện học của tim sẽ ngừng lại.
6. Nhịp tim chậm
Nhịp tim chậm là hiện tượng tim đập dưới 60 nhịp/phút. Thực thế, nhiều người khoẻ mạnh, đặc biệt là các vận động viên, nhịp tim có thể không đạt 60 lần/phút. Các triệu chứng của bệnh thường không xảy ra cho đến khi nhịp tim dưới 40 lần/phút.
Nhịp tim chậm có thể là dấu hiệu cảnh báo hiệu sự hoạt động không hiệu quả của tim. Nếu không được điều trị hiệu quả, có thể gây ra tình trạng thiếu oxy cho mô và các cơ quan. Nhịp tim chậm có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tình trạng này có thể xảy ra do suy thoái chức năng dẫn truyền, thiếu máu cơ tim, sử dụng một số loại thuốc điều trị,… Qua thăm khám, bác sĩ có thể loại trừ chẩn đoán được nhịp tim chậm là do rối loạn chức năng của nút xoang nhĩ hay các vấn đề của nút nhĩ thất.
Nhịp tim chậm là một loại rối loạn dặc trưng bởi tình trạng tim đập dưới 60 nhịp/phút.
Trên đây là các loại rối loạn nhịp tim thường gặp nhất. Xác định đúng loại rối loạn và nguyên nhân sẽ giúp các bác sĩ đưa ra phương án. Khi thấy các dấu hiệu bất thường, nên đi khám ngay chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và điều trị chính xác.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.