Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là tình trạng ngưng cung cấp máu đột ngột, khiến các tế bào não chết đi hoặc mất chức năng với các triệu chứng như liệt, hạn chế vận động, ngôn ngữ. Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể gây tử vong hoặc nhiều biến chứng nguy hiểm về sau. Vậy người bị đột quỵ triệu chứng biểu hiện thế nào, các biến chứng có thể xảy ra sau đột quỵ là gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
1. Bị đột quỵ triệu chứng như thế nào?
Không phải triệu chứng đột quỵ trên tất cả các bệnh nhân đều giống nhau nhưng có những dấu hiệu phổ biến giúp chúng ta nhận diện và và cấp cứu bệnh nhân kịp thời.
1.1 Đột quỵ triệu chứng thường gặp
Các triệu chứng đột quỵ thường gặp nhất được mô tả theo quy tắc F.A.S.T như sau:
– Liêt mặt (Face): Mặt mất cân đối, méo xệ một bên miệng. Để kiểm tra tình trạng này, có thể yêu cầu bệnh nhân ngồi ngay ngắn, yêu cầu bệnh nhân cười, “thổi lửa”, nhe răng nhằm quan sát rõ hơn.
– Yếu hoặc liệt tay, chân (Arm): Đây là triệu chứng khá phổ biến trong các trường hợp đột quỵ. Để kiểm tra, bạn có thể yêu cầu bệnh nhân giơ đều hai tay, hai chân lên. Bên nào có liệt sẽ yếu hơn, khó đưa lên hơn hoặc rơi xuống trước.
– Bất thường về ngôn ngữ (Speech): Những tổn thương ở não bộ có thể khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ. Cụ thể, người bệnh có thể không lặp lại được một cụm từ đơn giản khi được yêu cầu bệnh, nói không lưu loát hoặc bị “méo” giọng bất thường.
– Cách xuất hiện (Time): Các triệu chứng thường diễn ra nhanh, đột ngột. Nếu cùng lúc có 3 dấu hiệu kể trên cho thấy bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ rất cao, thời gian đối với bệnh nhân lúc này là vàng và phải đưa người bệnh đi cấp cứu ngay.
Liệt chân tay, lệch, méo mặt, khó nói, ngất xỉu,… có thể là những triệu chứng của đột quỵ
1.2 Đột quỵ triệu chứng ít gặp hơn
Bên cạnh các triệu chứng kể trên, người bệnh có thể cảm thấy đột nhiên choáng váng, vấp ngã, ngất xỉu, đau đầu dữ dội.
Trong nhiều trường hợp đột quỵ triệu chứng kể trên chỉ xuất hiện một cách thoáng qua rồi biến mất (đột quỵ nhẹ). Nhưng đó có thể là dấu hiệu quan trọng cảnh bảo cơn đột quỵ thực sự.
2. Các biến chứng của đột quỵ nếu không được điều trị kịp thời
2.1 Tại sao người bị đột quỵ dễ gặp phải các biến chứng?
Đột quỵ là một bệnh lý rất nguy hiểm. Dù là đột quỵ do chảy máu não hay thiếu máu não thì đều gây ra những hậu quả nặng nề làm tổn thương não. Mức độ tổn thương phụ thuộc vào lưu lượng máu não và thời gian não bị tổn thương.
Nếu có may mắn sống sót, bệnh nhân cũng rất dễ gặp phải các biến chứng sau đột quỵ. Nguyên nhân là do tình trạng tổn thương não nghiêm trọng, khiến cho bệnh nhân mất khả năng vận động hoặc do các phương pháp điều trị phục hồi không hiệu quả. Thêm vào đó, những người bị đột quỵ thường mắc kèm các bệnh nền như bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch,… khiến cho việc phục hồi sau đột quỵ càng trở nên khó khăn hơn.
2.2 Các biến chứng của đột quỵ thường xảy ra
Các biến chứng của đột quỵ não khiến bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe, tâm lý. Nhiều trường hợp dẫn đến khuyết tật tạm thời hoặc vĩnh viễn. Biến chứng ở vị trí nào và mức độ ra sao còn phụ thuộc vào vị trí não bị ảnh hưởng và khoảng thời gian não không được cung cấp oxy, nhưng phổ biến nhất là:
– Phù não sau đột quỵ
Phù não thường xảy ra ở những trường hợp đột quỵ nặng. Phù não sẽ làm tăng áp lực nội sọ, ngăn cản dòng máu lên não, làm não mất đi lượng oxy cần thiết để não hoạt động. Đồng thời ngăn chặn tuần hoàn rời khỏi não, làm tình trạng phù thêm nặng. Cuối cùng gây tổn thương và chết tế bào não. Một số dạng đột gây phù não gồm: đột quỵ bán cầu, đột quỵ tiểu não, đột quỵ chuyển dạng.
Phù não là một biến chứng nguy hiểm của đột quỵ.
– Viêm phổi
Sau tai biến mạch máu não bệnh nhân thường gặp khó khăn trong việc nuốt, dẫn đến tình trạng thức ăn, đồ uống dễ đi vào phổi gây viêm phổi.
– Đau tim
Khoảng 50% các trường hợp đột quỵ có liên quan đến xơ vữa động mạch. Sự tồn tại và phát triển của các mảng xơ vữa có thể làm gia tăng nguy cơ đau tim sau đột quỵ.
– Động kinh
Sau đột quỵ, vùng não chịu tổn thương có thể hoạt động bất thường, gây ra co giật. Các thống kê cho thấy, có khoảng 10 – 22% số người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ đều có các biểu hiện co cứng, co giật, động kinh.
– Rối loạn thị giác
Sau đột quỵ, người bệnh có thể bị giảm hoặc mất thị lực ở một bên hoặc cả hai bên mắt.
– Rối loạn vận động
Một số bệnh nhân có thể bị mất khả năng vận động sau cơn đột quỵ, dễ thấy nhất là tình trạng co cứng, bị yếu hoặc liệt 1 tay. Điều này cũng khiến cục máu đông dễ hình thành trong tĩnh mạch chân.
– Giảm nhận thức
Do những tổn thương ở não, người bệnh có thể bị mất hoặc giảm chức năng nói, biểu hiện gồm: khó nói, nói không đầy đủ, không rõ nghĩa, không hiểu những gì người khác nói…
– Trầm cảm
Cuộc sống đảo lộn, những khó khăn trong vận động và giao tiếp có thể khiến người bệnh cảm thấy đau khổ, buồn tủi nếu không được động viên kịp thời. Bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn nếu bệnh nhân đã bị trầm cảm trước khi đột quỵ.
Sau đột quỵ, cuộc sống có nhiều đảo lộn, sức khỏe giảm sút có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý, khiến người bệnh trầm cảm.
– Loét
Người bị đột quỵ thường mất hoặc giảm khả năng vận động, vì vậy phải nằm hoặc ngồi yên tại chỗ trong thời gian dài gây viêm. Những vị trí tỳ đè trong thời gian nằm liệt giường kéo dài có thể hình thành các vết loét.
Tóm lại, điều trị sau đột quỵ là quá trình vô cùng quan trọng giúp người bệnh phục hồi và phòng tránh biến chứng. Đây là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và thấu hiểu. Càng nắm được đột quỵ triệu chứng biểu hiện như thế nào thì khả năng phát hiện và cấp cứu bệnh nhân càng cao, góp phần giảm nguy cơ biến chứng cho người bệnh và giúp giai đoạn phục hồi trở nên khả quan hơn.
Đồng thời, mỗi người nên nâng cao ý thức bảo vệ bản thân và phòng ngừa đột quỵ, đặc biệt là những người có tiền sử cao huyết áp, tiểu đường, máu nhiễm mỡ, tim mạch, xơ vữa động mạch… Các bạn có thể chủ động tầm soát sớm nguy cơ đột quỵ thông qua sàng lọc tại các cơ sở y tế để được thăm khám, chụp chiếu và xét nghiệm từ đó đánh giá nguy cơ đột quỵ và phòng ngừa từ ban đầu.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.