Bệnh tim ở trẻ sơ sinh hay bệnh tim bẩm sinh là các dị tật liên quan đến cấu trúc của tim, xuất hiện do những khiếm khuyết của thời kỳ bào thai trong giai đoạn quả tim đang hình thành. Các dị tật này chỉ xảy ra ở khoảng 1% trẻ sơ sinh và thường không có triệu chứng cho đến khi trưởng thành, nhưng có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Hãy cùng “điểm mặt” 10 dị tật tim thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh.
1. Hẹp van động mạch chủ
Van động mạch chủ nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ thường có 3 lá van. Nhưng do sự phát triển không toàn vẹn trong quá trình hình thành bào thai mà van tim này chỉ có 1 lá hoặc 2 lá. Điều này làm cản trở sự bơm máu từ tâm thất trái vào động mạch chủ, do vậy ảnh hưởng đến quá trình bơm máu đi nuôi cơ thể. Van này bị hẹp còn khiến dòng máu trào ngược về lại thất trái và ứ đọng ở đây gây to tim, giãn thất trái theo thời gian.
Dị tật này thường được phát hiện ở tuổi trưởng thành. Hầu hết trẻ em bị hẹp van động mạch chủ không có triệu chứng. Các trường hợp có triệu chứng thì các biểu hiện ở trẻ là:
– Đau ngực
– Mệt mỏi
– Chóng mặt
– Ngất xỉu
Hẹp van động mạch phổi là một dị tật tim ở trẻ sơ sinh.
2. Hẹp van động mạch phổi
Van động mạch phổi là van tim nằm giữa động mạch phổi và tâm thất phải có chức năng điều chỉnh lượng máu bơm từ tâm thất phải lên phổi để trao đổi oxy. Khi van động mạch phổi bị hẹp sẽ làm cho dòng máu từ tim di chuyển khó khăn hơn để vượt qua chỗ hẹp. Sự tắc nghẽn này có thể gây ứ đọng máu ở tâm thất phải và làm tăng áp lực cho động mạch phổi, gây ra những biến chứng cho tim và phổi.
3. Hẹp dưới van động mạch chủ
Đây là sự thu hẹp của tâm thất trái ngay dưới van động mạch chủ, có thể do bẩm sinh hoặc do bệnh lý cơ tim. Điều này làm hẹp đường tống máu của thất trái, gia tăng gánh nặng cho thất trái.
4. Hẹp eo động mạch chủ
Hẹp eo động mạch chủ là tình trạng thu hẹp cục bộ lòng động mạch chủ, dẫn đến tăng áp lực gây phì đại thất trái. Động mạch chủ bị hẹp cũng làm cản trở quá trình máu đến các cơ quan trọng trong cơ thể và gây tăng huyết áp trực tiếp tại chỗ hẹp. Bệnh này chiếm khoảng 7% các trường hợp tim bẩm sinh, tỷ lệ nam/nữ khoảng 1,7/1.
Hẹp eo động mạch chủ thường không có triệu chứng ngay lúc mới sinh. Những biểu hiện sớm nhất thường xuất hiện vào tuần đầu tiên sau sinh. Bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên một số ít trường hợp bệnh chỉ phát hiện được ở tuổi trưởng thành.
5. Thông liên nhĩ
Đây là hiện tượng xuất hiện lỗ thông ở vách ngăn giữa nhĩ trái và nhĩ phải, làm máu lưu thông giữa hai tâm nhĩ thay vì chỉ đi từ tâm nhĩ xuống tâm thất như bình thường. Thông liên nhĩ ở trẻ em thường không có triệu chứng và một số lỗ thông (thường là thông liên nhĩ lỗ thứ hai, đường kính < 8mm) có thể tự đóng sau 2-5 năm. Những lỗ thông còn lại không thể tự đóng và cần điều trị nội khoa lâu dài hoặc can thiệp bằng các biện pháp do bác sĩ chỉ định.
Thông liên nhĩ là một bệnh tim ở trẻ sơ sinh thường gặp khiến cho dòng máu chảy từ tâm nhĩ này qua tâm nhĩ kia thay vì được bơm xuống tâm thất.
6. Thông liên thất
Lỗ thông hình thành ở vách ngăn thất do những khiếm khuyết trong quá trình hình thành bào thai khiến dòng máu lưu thông từ thất trái qua thất phải. Tình trạng này làm tăng lưu lượng máu từ thất phải lên phổi, làm tăng áp động mạch phổi nếu kéo dài. Tương tự thông liên nhĩ, một số lỗ thông liên thất có thể tự đóng nhưng nhiều trường hợp khác cần can thiệp để đóng lỗ thông. Đa phần bệnh nhân có thể “chung sống” nhiều năm mà không có bất cứ triệu chứng gì.
7. Tứ chứng Fallot
Tứ chứng Fallot là điển hình của dị tật tim bẩm sinh có tím ở trẻ lớn trên 2 tuổi, đặc trưng bởi 4 dị tật, bao gồm: thông liên thất, hẹp tại van hoặc ngay dưới van động mạch phổi, dày thất phải, động mạch chủ nằm trên lỗ thông vách liên thất.
8. Teo van ba lá
Đây là bệnh tim ở trẻ sơ sinh không có van ba lá, đặc trưng bởi: tâm thất phải nhỏ, thất trái lớn do không có máu chảy từ nhĩ phải xuống thất phải. Teo van ba lá gây suy giảm tuần hoàn phổi, tím tái ở trẻ.
9. Chuyển vị đại động mạch
Là hiện tượng đảo ngược vị trí của động mạch chủ và động mạch phổi. Cụ thể, động mạch chủ bắt nguồn từ tâm thất phải khiến cho hầu hết máu trở về tim từ cơ thể được bơm trở lại ra ngoài mà không đi đến phổi. Trong khi đó, động mạch phổi bắt nguồn từ tâm thất trái, làm máu trở về tim từ phổi sẽ được bơm ngược trở lại lên phổi. Bệnh này cần được điều trị ngay, nếu không sẽ làm đảo lộn hoạt động của tim phổi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hệ tuần hoàn.
10. Còn ống động mạch
Ống động mạch là một cấu trúc bẩm sinh nối giữa động mạch chủ – phổi, giữ chức năng đưa máu vào động mạch chủ trong thời kì bào thai. Do ở thời kỳ này, phổi chưa hoạt động, sức cản phổi cao, máu từ thất phải vào hệ tuần hoàn phổi rất ít. Ống này sẽ đóng chức năng trong khoảng 10-15 giờ sau khi sinh và đóng hoàn toàn khi trẻ được 2-3 tuần tuổi. Nếu ống động mạch không đóng lại, trẻ sẽ bị dị tật còn ống động mạch.
Dị tật bẩm sinh còn ống động mạch có thể làm tăng áp phổi rất nguy hiểm.
Dị tật này cho phép máu pha trộn giữa động mạch phổi và động mạch chủ, làm tăng áp phổi rất nguy hiểm.
Ngoài 10 dị tật trên, trẻ sơ sinh còn có thể gặp các dị tật bẩm sinh liên quan đến tim như hội chứng giảm sản tim trái, Ebstein,…
Bệnh tim ở trẻ sơ sinh là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ, cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để có thể bảo vệ an toàn cho tính mạng và sự phát triển trong tương lai của trẻ. Các dị tật này có thể được sàng lọc và phát hiện sớm nhờ thăm khám với chuyên gia tim mạch.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.