Xơ vữa động mạch tim (hay động mạch vành) là tình trạng thành mạch máu nuôi cơ tim bị dày lên khiến lòng mạch bị thu hẹp. Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc điều trị theo phác đồ và chỉ định của bác sĩ, chế độ dinh dưỡng cũng là yếu tố quan trọng giúp cải thiện tình trạng xơ vữa. Cùng tìm hiểu các các loại thực phẩm người mắc bệnh mạch vành nên và không nên ăn trong bài viết sau đây.
1. Chế độ ăn cho người bệnh mạch vành cần đảm bảo nguyên tắc gì?
Những người bệnh mạch vành cần ăn đầy đủ cả 4 nhóm chất dinh dưỡng gồm tinh bột, chất đạm, chất xơ và chất béo, tuy nhiên cần chọn lựa thực phẩm theo nguyên tắc dưới đây:
– Ăn ít chất béo xấu nhất
Chất béo xấu gồm nhiều loại bao như cholesterol, chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa. Đây là tác nhân khiến cho mỡ máu tăng, khiến các mảng xơ vữa hình thành hoặc gia tăng kích thước.
– Hạn chế Natri
Natri thường có trong muối và các loại thực phẩm đóng hộp tuy không trục tiếp gây hình thành các mảng xơ vữa nhưng nạp quá nhiều natri có thể làm tăng huyết áp, từ đó tăng gánh nặng cho tim.
– Bổ sung nhiều chất xơ
Chất xơ, đặc biệt là các chất xơ hòa tan giúp cơ thể giảm hấp thu cholesterol. Đồng thời tăng đào thải chất béo xấu ra khỏi cơ thể, nhờ đó cải thiện tình trạng xơ vữa động mạch tim.
– Bổ sung chất chống oxy hóa, kháng viêm
Các chất này có thể ngăn ngừa phản ứng viêm, giúp bảo vệ được mạch vành, tránh nguy cơ hình thành xơ vữa.
Dựa vào những nguyên tắc trên, người bi xơ vữa động mạch vành sẽ biết nên ăn gì và không nên ăn gì để bệnh ngăn chặn hoặc cải thiện tình trạng tắc hẹp do xơ vữa.
Người bị xơ vữa động mạch tim cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung các thực phẩm có lợi và hạn chế các chất gây xơ vữa mạch vành.
2. Bị xơ vữa động mạch tim nên ăn gì?
Những thực phẩm tốt cho mạch vành có thể kể đến như:
2.1 Các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Bổ sung các thực phẩm có chứa nhiều chất chống oxy hóa có tác dụng bảo vệ mạch máu, tăng cường chức năng của hệ thống miễn dịch. Các thực phẩm này bao gồm:
– Các loại rau củ quả: Trong đó tốt nhất là rau cải, bông cải xanh, súp lơ, cải xoăn, rau lá xanh, củ cải đường, cà rốt, hành tây, đậu hà lan, rau xà lách, nấm, rau biển, các cây họ bí…
– Trái cây: Cam, quýt, bưởi là những ưu tiên hàng đầu. Đối với người mắc kèm bệnh tiểu đường thì nên hạn chế những loại hoa quả như mít, sầu riêng, vải, nhãn,…vì chúng chứa nhiều đường.
– Các loại ngũ cốc nguyên hạt, quả hạt: Tiêu biểu là bột yến mạch, gạo lứt, hạnh nhân, hạt điều…
– Trà xanh: Phổ biến nhất là trà ô long, trà đen…
– Các sản phẩm sữa tươi: Nên chọn các sản phẩn đã tách béo, sữa chua không đường
– Rượu vang đỏ: Loại rượu này có tác dụng nhất định nếu uống ở mức vừa phải
Theo các khuyến cáo của chuyên gia, người bệnh xơ vữa mạch vành nên ăn ít nhất năm phần trái cây và rau quả hàng ngày để giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành.
2.2 Nhóm thực phẩm giúp giảm cholesterol máu
Cholesterol xấu trong máu là một trong những tác nhân chính gây ra xơ vữa mạch vành. Để giảm lượng cholesterol, trong chế độ ăn hàng ngày, người bệnh nên bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ hòa tan như:
– Các loại hoa quả: Táo, lê, cam, bơ,… là những lựa chọn hàng đầu
– Các loại đậu: Có thể sử dụng đậu đỏ, đậu hà lan, đậu xanh,…
– Các loại ngũ cốc nguyên hạt: lúa mạch, yến mạch, các loại đậu…
– Các loại rau xanh có độ nhớt: Tiêu biểu là mồng tơi, rau đay,…
Ngoài ra, Hiệp hội tim mạch Mỹ khuyến cáo trong khẩu phần ăn của những người mắc bệnh này, chất béo chỉ nên chiếm khoảng 30% calo (tính theo số cân nặng của cơ thể cần). Tuy nhiên, không nên giảm hàm lượng chất béo xuống quá 10%. Thay vào đó, mỗi ngày nên bổ sung khoảng 25 – 30 gram chất xơ.
2.3 Nhóm thực phẩm giúp tăng khả năng lưu thông máu
Việc lưu thông máu có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện các triệu chứng cũng như giảm các biến chứng của bệnh mạch vành.
Theo các chuyên gia, các loại gia vị, trái cây có chứa nhiều salicylate sẽ giúp ngăn ngừa được quá trình tạo các huyết khối, thúc đẩy máu lưu thông tốt hơn.
Các thực phẩm giúp cải thiện tuần hoàn máu bao gồm:
– Trái cây: Nho, dâu tây, việt quất…
– Thảo mộc và gia vị: Húng quế, ớt, bột cà ri, gừng, hương thảo, cỏ xạ hương, bột quế, củ nghệ…
Các loại quả như nho, việt quất,… rất tốt cho việc cải thiện tuần hoàn máu.
2.4 Nhóm chất béo có lợi cho bệnh mạch vành
Chất béo có lợi là các loại chất béo không bão hòa. Vì loại chất béo này giúp làm giảm LDL-cholesterol máu, giảm huyết áp, hạn chế xơ vữa mạch và mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh mạch vành.
Các chất béo có lợi có thể được bổ sung qua các loại thực phẩm như:
– Các loại hạt: Hạnh nhân, điều, hồ đào, mè, hướng dương…
– Các loại đậu: Đậu phộng, đậu khô, đậu Hà Lan…
– Các loại dầu thực vật: Dầu giấm, dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu đậu phộng, dầu hạt nho…
– Các loại bơ: Bơ dừa, bơ hạnh nhân, bơ đậu phộng, bơ tươi….
– Các loại quả: Chất béo không bão hòa thường tìm thấy trong quả hạch, quả bơ…
– Các loại ngũ cốc: Phổ biến là ngô, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành…
– Các loại cá: Tiểu biểu cho nhóm này là cá hồi, cá trích, cá mòi, cá ngừ, cá thu…
3. Người bị xơ vữa động mạch tim không nên ăn gì?
3.1 Các chất béo xấu làm tăng nguy cơ xơ vữa
Chất béo xấu bao gồm chất béo chuyển hóa, cholesterol và chất béo bão hòa làm tăng mức cholesterol xấu, tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Chúng có nhiều trong mỡ, da, phủ tạng động vật, các loại thịt đỏ, lòng đỏ trứng, tôm…; thực phẩm đóng gói, đồ ăn nhanh và các thức ăn chế biến sẵn…
Vì vậy, bạn nên hạn chế các loại thực phẩm này trong thực đơn hàng ngày. Ưu tiên chế biến món ăn bằng phương pháp luộc, hấp thay vì nướng, chiên, xào. Nên dùng bơ thực vật lỏng hoặc dầu thực vật thay thế mỡ động vật. Hạn chế các loại nước hầm thịt, xương chúng có nhiều chất béo và purine có thể dẫn đến mỡ máu cao, acid uric cao.
3.2 Thực phẩm làm giảm tác dụng thuốc chống đông
Nếu đang sử dụng thuốc chống đông, người bệnh nên thận trọng khi sử dụng các thực phẩm giàu vitamin K. Bởi chúng có thể làm giảm tác dụng của thuốc, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong lòng mạch.
Các thực phẩm có chứa nhiều vitamin K thường là các loại rau có lá màu xanh thẫm. Tiêu biểu nhất là cải bắp, rau mùi tây, rau chân vịt, hành, củ cải tươi, rau cải xoong…. Bên cạnh đó măng tây, lê, rau thìa là, gan động vật, bơ, thịt bò, dầu đậu tương, đậu nành…cũng là những thực phẩm chứa nhiều vitamin K nên tránh.
Nếu đang sử dụng thuốc chống đông, cần tránh các thực phẩm giàu vitamin K, đặc biệt là các loại rau xanh thẫm.
3.3 Muối và các thực phẩm chứa nhiều muối
Natri trong muối làm tăng huyết áp, gây tổn thương thành mạch và làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch tim. Các nghiên cứu cho thấy nếu giảm lượng muối ăn 6g/ngày, bệnh nhân có thể làm giảm 24% nguy cơ đột quỵ và 18% nguy cơ biến cố mạch vành nặng.
Để cắt giảm lượng muối ra khỏi chế độ ăn hàng ngày, bạn nên:
– Hạn chế các thực phẩm đóng hộp hoặc chế biến sẵn, các món muối chua…
– Sử dụng các loại gia vị như húng quế, húng tây, hẹ, quế chi… để thay thế cho muối
– Kiểm tra nhãn và lựa chọn thực phẩm không hoặc chứa ít natri
– Hạn chế sử dụng nước chấm trong các bữa ăn
– Hạn chế sử dụng mì chính
Trên đây là một số lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho các bệnh nhân bị xơ vữa động mạch tim. Những thực phẩm này chỉ là gợi ý và không có giá trị tuyệt đối. Để biết mình nên ăn gì và không nên ăn gì, tốt nhất bạn nên đi khám chuyên khoa tim mạch. Sau quá trình thăm khám và kết luận tình trạng bệnh, cách bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn phác đồ điều trị bao gồm chế độ dinh dưỡng, tập luyện phù hợp để cải thiện bệnh một cách hiệu quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.