Ung thư tuyến giáp nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể tiến triển đến giai đoạn cuối nghĩa là di căn đến hạch bạch huyết vùng cổ hay thậm chí là những cơ quan xa. Vậy ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ là như thế nào, bệnh có nguy hiểm không, chẩn đoán và cách điều trị ra sao, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Bệnh lý ung thư tuyến giáp di căn hạch là gì?
Ung thư tuyến giáp di căn hạch là giai đoạn cuối của ung thư tuyến giáp, là thời điểm các khối u ác tính đã lan rộng tới các hạch bạch huyết và xâm lấn đến mô mềm ở cổ, tạo thành hạch ở vùng cổ. Có đến 30% bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp sẽ gặp tình trạng di căn hạch, và đa số di căn chỉ đi đến các hạch lympho ở cổ. Và chỉ có khoảng 4% di căn đến các cơ quan nội tạng trong cơ thể.
Khi di căn đến các hạch lympho, tiên lượng sống của bệnh nhân vẫn đảm bảo tốt. Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng cách và dứt điểm, các tế bào ung thư sẽ tiếp tục di chuyển vào máu di căn đến các cơ quan khác trên cơ thể như gan, xương, phổi,… Khi ung thư tuyến giáp di căn đến các cơ quan nội tạng xa trong cơ thể, bệnh sẽ nguy hiểm, thời gian sống của bệnh nhân cũng bị rút ngắn.
Ung thư tuyến giáp di căn hạch là giai đoạn cuối của ung thư tuyến giáp
2. Các dấu hiệu của ung thư tuyến giáp giai đoạn di căn hạch
Như đã nói ở phần đầu, ung thư tuyến giáp thường di căn nhiều nhất đến hạch bạch huyết vùng cổ trước tiên. Khi tế bào ung thư mới ở giai đoạn đầu của di căn hạch, lúc này hạch cổ có kích thước nhỏ, chủ yếu được phát hiện thông qua thăm khám lâm sàng với bác sĩ chuyên khoa hoặc thông qua những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.
Khi hạch cổ phát triển, bệnh nhân có thể dễ dàng sờ thấy hoặc nhìn thấy khối hạch xuất hiện ở cùng cổ ít di động, có thể gây đau hoặc không. Khi hạch ở cổ đạt kích thước lớn có thể gây chèn ép các cơ quan như dây thanh thực quản gây ra các triệu chứng khàn giọng, mất tiếng, khó nuốt, nuốt vướng…
Ung thư tuyến giáp nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng di căn hạch cổ, nếu càng để lâu sẽ càng xâm lấn nhanh và khó kiểm soát. Trong thời điểm khối u này mới ở giai đoạn đầu của di căn hạch việc điều trị sẽ dễ dàng hơn. Do đó khi nhận thấy những triệu chứng hoặc dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư tuyến giáp bạn hãy nhanh chóng đến bệnh viện đã khám và được chẩn đoán kịp thời.
Để nhận biết ung thư tuyến giáp bạn nên quan sát, tự khám cổ và kiểm tra tuyến giáp định kỳ
3. Chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư tuyến giáp giai đoạn di căn hạch
3.1 Phương pháp sử dụng trong chẩn đoán ung thư tuyến giáp giai đoạn di căn hạch cổ
Ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ là một giai đoạn nguy hiểm nên người bệnh cần thăm khám tại các bệnh viện uy tín ngay khi nhận thấy có những dấu hiệu bất thường ở vùng cổ nói chung và tuyến giáp nói riêng. Một số phương pháp được sử dụng để chẩn đoán bệnh lý ung thư tuyến giáp và giai đoạn bệnh là:
– Siêu âm: Xác định được số lượng, vị trí của khối u xuất hiện ở tuyến giáp.
– Chụp CT: Xác định ung thư tuyến giáp đã xâm lấn, di căn đến những cơ quan nào, xác định được chính xác vị trí, kích thước của khối u.
– Sinh thiết: Lấy mẫu từ khối u của tuyến giáp và các vùng lân cận để kiểm tra độ lành tính hoặc ác tính của khối u.
Siêu âm là một phương pháp được sử dụng trong chẩn đoán các bệnh lý ở tuyến giáp
3.2 Điều trị ung thư tuyến giáp di căn hạch vùng cổ thế nào?
Điều trị ung thư tuyến giáp ung thư hạch hiện nay chủ yếu sử dụng hai phương pháp phẫu thuật và xạ trị.
Phương pháp phẫu thuật:
Là phương pháp điều trị triệt căn loại bỏ khối u tuyến giáp cùng các hạch bạch huyết ung thư đã di căn đến. Tuy nhiên ở những trường hợp số lượng hạch của bệnh nhân nhiều và nằm ở nhiều vị trí khác nhau thì việc phẫu thuật sẽ trở nên khó khăn, dễ sót hạch và có thể gặp nguy hiểm trong quá trình phẫu thuật. Ngoài ra bệnh nhân không có đủ sức khỏe cũng không đảm bảo quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi. Vì vậy, phương pháp phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp di căn hạch sẽ không chỉ định cho bệnh nhân di căn nhiều hạch và người sức khỏe không tốt.
Phương pháp điều trị bằng xạ trị:
Phương pháp xạ trị I-ốt 131 là một cách được sử dụng để điều trị K tuyến giáp di căn hạch an toàn, tương đối ít tác dụng phụ được các bác sĩ khuyến khích sử dụng. Xạ trị I-ốt cũng là phương pháp thích hợp và là lựa chọn hàng đầu trong điều trị ung thư tuyến giáp di căn hạch ở cổ và các vùng lân cận. Cơ chế điều trị bệnh ung thư tuyến giáp di căn hạch bằng I-ốt 131 đó là dùng tia phóng xạ do I-ốt phát ra để tiêu diệt, làm suy yếu các tế bào ung thư nhờ đặc điểm háo i-ốt của các tế bào ung thư.
Với những khối u có kích thước lớn, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật trước sau đó tiến hành xạ trị để tiêu diệt tế bào ung thư còn lại, giảm nguy cơ tái phát bệnh. Ngoài ra trong quá trình điều trị bằng xạ trị i-ốt 131 người bệnh sẽ được cách ly để đảm bảo an toàn cho người xung quanh tránh tiếp xúc với lượng chất phóng xạ, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai.
4. Cần làm gì để tăng hiệu quả sau điều trị, tránh tái phát?
Để đảm bảo hiệu quả sau khi điều trị, và tránh bệnh tái phát, người bệnh cần chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt cụ thể như sau:
– Nên tránh ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nội tạng động vật, thực phẩm chế biến sẵn, các loại đồ uống có ga, rượu bia, thuốc lá, thực phẩm chứa nhiều đường…
– Sau điều trị bệnh nhân nên sử dụng lượng i-ốt cân bằng để việc sản sinh ra các hormon tuyến giáp diễn ra thuận lợi, giảm sự hình thành của u tuyến giáp.
– Bổ sung các loại rau xanh, củ quả trái cây tươi để cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể sau khi trải qua quá trình điều trị dài.
– Nên bổ sung vitamin B, A, E là các chất có khả năng chống oxy hóa hiệu quả, giúp tuyến giáp hoạt động khỏe mạnh và ổn định hơn.
Bên cạnh việc duy trì chế độ ăn lành mạnh, phù hợp cho bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp, thì bệnh nhân cũng nên chú ý tái khám đúng theo lịch hẹn
của bác sĩ để đảm bảo theo dõi được tình trạng tuyến giáp sau điều trị ung thư sát sao nhất, xử lý kịp thời nếu bệnh tái phát.
Tóm lại, ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ là một bệnh lý thường được phát hiện tình cờ khi người bệnh thực hiện xét nghiệm chẩn đoán vì một bệnh lý khác. Cách tốt nhất để phát hiện u giáp ở giai đoạn sớm là khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư. Đây là bệnh ung thư có diễn biến chậm, tiên lượng tương đối tốt so với nhiều loại ung thư khác, và có thể được chữa khỏi ngay cả khi đã di căn hạch.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.