Tắc động mạch vành là một tình trạng nguy hiểm nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Ở mức độ nhẹ, bệnh có thể không gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của tim và sức khỏe của người bệnh. Nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến cố như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tàn phế, tử vong. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây tắc mạch vành là gì, mức độ nguy hiểm của bệnh để điều trị và phòng ngừa hiệu quả.
1. Nguyên nhân gây tắc động mạch vành
1.1 Do sự phát triển của xơ vữa động mạch
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hẹp tắc mạch vành là do sự hình thành và phát triển của các mảng xơ vữa động mạch. Các mảng xơ vữa là kết quả của sự tích tụ cholesterol, canxi và các chất dễ lắng đọng khác trong máu. Theo thời gian, các mảng xơ vữa lớn dần lên gây hẹp lòng mạch tại một hay nhiều nhánh động mạch vành, làm giảm lưu lượng máu đến nuôi cơ tim.
Mức độ hẹp càng lớn thì nguy cơ tắc mạch vành càng cao.
Xơ vữa động mạch và huyết khối là những nguyên nhân hàng đầu gây tắc động mạch vành.
1.2 Do sự hình thành cục máu đông
Bên cạnh việc tắc hẹp do sự xâm lấn và xơ cứng của các mảng xơ vữa, động mạch vành có thể bị tắc nghẽn do sự hình thành các cục máu đông (huyết khối).
Huyết khối là hiện tượng các tế bào máu tập trung đến các mạch máu bị tổn thương. Phản ứng dây chuyền này diễn ra nhanh chóng, dẫn đến hình thành các sợi fibrin giữ các tiểu cầu với nhau. Khi đó, các tiểu cầu cùng phóng thích các chất hóa học để thu hút các tiểu cầu khác, tạo thành một cục máu đông như một nút chặn ban đầu ngăn chảy máu.
Huyết khối hay cục máu đông ở góc độ bệnh lý là sự phát động và lan rộng bất hợp lý của các phản ứng đông cầm máu trong cơ thể dẫn đến nghẽn, bán tắc hoặc tắc mạch hoàn toàn.
Huyết khối ở động mạch vành thường là huyết khối trắng, được hình thành khi tế bào nội mạc mạch máu bị tổn thương, đặc biệt là do sự hình thành và vỡ ra của các mảng xơ vữa. Khi đó, tiểu cầu kết dính và ngưng tập tạo thành các cục máu đông.
Ngoài ra, tốc độ dịch chuyển của dòng chảy quá chậm, độ nhớt của máu tăng cũng gây kích hoạt tiểu cầu. Điều này dẫn đến hình thành huyết khối gây tắc mạch.
2. Tắc động mạch vành nguy hiểm như thế nào?
Các trường hợp tắc mạch xảy ra ở các nhánh động mạch nhỏ thường không gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của cơ tim và khả năng co bóp của tim. Nhưng nếu tắc các mạch máu lớn hoặc tắc mạch trên phạm vi rộng, ở nhiều vị trí thì có thể gây ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim, thậm chí là ngừng tim.
Những đoạn mạch có xơ vữa chưa gây hẹp lòng mạch nhiều nhưng cũng rất dễ xảy ra tắc nghẽn nếu có cục máu đông đủ lớn di chuyển vào. Lúc này bệnh nhân sẽ bị nhồi máu cơ tim – một tình trạng cấp tình nguy hiểm gây tỉ lệ tử vong và tàn phế rất cao.
Điều này cũng có thể xảy ra ở những đoạn mạch bình thường nếu kích thước cục máu đông quá lớn so với kích thước lòng mạch. Nguy hiểm hơn, các cục máu đông này có thể di chuyển lên não gây đột quỵ não.
Bên cạnh đó, việc động mạch vành bị nghẽn hẹp trong một thời gian dài có thể làm tim suy yếu, giảm khả năng hoạt động hoặc rối loạn nhịp tim. Khi lượng máu cung cấp cho não không đủ, người bệnh có thể gặp những cơn tai biến mạch máu não. Khi hệ thống điện tim xảy ra bất thường, người bệnh dễ đối mặt với nguy cơ đột tử.
Tắc mạch vành gây nhồi máu cơ tim, gây tử vong hoặc những tổn thương không thể phục hồi cho người bệnh.
3. Những ai dễ bị tắc động mạch vành?
Tắc mạch vành có thể xảy ra ở bất cứ ai và nhiều trường hợp không có bất cứ một dấu hiệu báo trước nào. Nhưng vẫn có những đối tượng dễ gặp phải hiện tượng này, cần đặc biệt lưu ý gồm:
– Người lớn tuổi: nam giới sau tuổi 45 và phụ nữ sau tuổi 55.
– Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch
– Người có lối sống thiếu lành mạnh như hút thuốc lá, lười vận động, dùng nhiều thức ăn nhanh…
– Những người bị tổn thương thành mạch do xơ vữa hoặc chấn thương
– Người có những bất thường về tiểu cầu, yếu tố đông máu, các chất ức chế đông máu…
– Những người mắc bệnh tăng huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường…
4. Cách điều trị và phòng ngừa tái phát tắc mạch vành
4.1 Điều trị tắc động mạch vành
Phương pháp điều trị đối với các trường hợp tắc mạch vành còn phải dựa vào nguyên nhân gây tắc mạch, mức độ tắc mạch, thể trạng và bệnh cảnh của từng bệnh nhân.
Thông thường, đối với những trường hợp tắc mạch do xơ vữa động mạch, một số loại thuốc sẽ có tác dụng làm giảm triệu chứng đau ngực và giảm tắc nghẽn như:
– Thuốc giãn mạch
– Thuốc lợi tiểu
– Thuốc chẹn beta, canxi
– Thuốc ức chế men chuyển
Đối với các bệnh nhân bị tắc động mạch do huyết khối, thông thường các bác sĩ thường sử dụng chất tiêu sợi huyết, giúp hoạt hóa plasminogen thành plasmin, nhờ đó làm tiêu fibrin và các yếu tố đông máu, làm tan cục máu đông.
Các loại thuốc này chỉ mang tính tham khảo và không phải trường hợp nào mắc bệnh mạch vành cũng có thể sử dụng. Muốn biết cách dùng các loại thuốc phù hợp với tình trạng bệnh của mình, bạn nên chủ động thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và kê đơn chính xác.
Trong những trường hợp bệnh nặng, khi mức độ hẹp trên 70%, bệnh nhân không đáp ứng điều trị nội khoa thì sẽ cần đến các biện pháp tái thông dòng chảy của máu, đảm bảo oxy và dinh dưỡng nuôi dưỡng cơ tim.
Một số loại thuốc có thể giải quyết tình trạng tắc mạch cấp tính và phòng ngừa tái phát.
4.2 Phòng ngừa tái hẹp tắc động mạch vành
Sau những biện pháp xử lý cấp tính, bệnh nhân vẫn có nguy cơ rất cao bị tái tắc mạch nếu không duy trì việc dùng thuốc theo chỉ định kết hợp với lối sống lành mạnh như:
– Hạn chế ăn đồ dầu mỡ, tăng cường chất xơ có trong rau của quả, trái cây
– Hạn chế ăn mặn, ăn ngọt
– Không hút thuốc lá, uống rượu bia
– Tập luyện đều đặn và thường xuyên các bài tập nhẹ nhàng, vừa sức, có tính thư giãn như đi bộ, đạp xe, thiền, yoga,…
Trên đây là một số kiến thức về hiện tượng tắc động mạch vành và những nguy cơ “rình rập” mà bạn nên cảnh giác. Các thông tin chỉ có tính tham khảo, không thay thế được việc thăm khám và điều trị chuyên khoa. Vì vậy,nếu thấy những triệu chứng bất thường như đau ngực kéo dài, khó thở, vã mồ hôi, yếu liệt, choáng ngất,… bạn nên đến bệnh viện hoặc nhờ người trợ giúp ngay để được xử lý kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.