Diễn biến ung thư cổ tử cung giai đoạn 3 và điều trị

Ung thư cổ tử cung giai đoạn 3 là cấp độ bệnh đã tiến triển tương đối muộn, và sẽ rất nhanh phát triển thành giai đoạn 4 nếu không điều trị kịp thời. Vậy giai đoạn 3 của ung thư cổ tử cung sẽ tiến triển như thế nào? Cách điều trị bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn này đạt hiệu quả ra sao hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây. 

1. Các thông tin chung về giai đoạn 3 của ung thư cổ tử cung

1.1 Mức độ phát triển của ung thư cổ tử cung – giai đoạn 3

Ung thư cổ tử cung được phân chia thành 4 giai đoạn đánh số từ 1 đến 4 theo mức độ phát triển mạnh dần của bệnh được xác định dựa trên phân loại của Liên Đoàn Phụ khoa và Sản Khoa Quốc tế (FIGO), . Trong đó, ung thư cổ tử cung giai đoạn 3 là thời điểm khối u phát triển và vượt ra khỏi giới hạn cổ tử cung, di chuyển đến các cấu trúc khác ở khu vực xương chậu. Khối u ác tính lúc này có thể chưa hoặc đã di chuyển đến các hạch bạch huyết. Và thậm chí cũng có thể đã phát triển đi xuống phần dưới của âm đạo, thành chậu và gây chèn ép lên niệu quản của người bệnh.

Ở giai đoạn 3, ung thư cổ tử cung được chia thành 3 giai đoạn nhỏ hơn, ở đó sẽ thể hiện chính xác mức độ xâm lấn của tế bào ung thư:

– Giai đoạn 3A là khi khối u đã lan xuống ⅓ dưới của âm đạo, nhưng chưa xâm lấn thành chậu.

– Giai đoạn 3B là lúc khối u đã xâm lấn đến phần thành chậu hoặc đang gây chèn ép một hoặc cả hai niệu quản của người bệnh, khiến thận ứ nước, phình to…

– Giai đoạn 3C là khi ung thu đã xâm lấn đến bất kỳ bộ phận nào trong khung chậu, bao gồm cả hạch bạch huyết, nhưng chưa di căn tới các cơ quan xa trong cơ thể.

Thăm khám sức khỏe định kỳ, kịp thời khám bệnh khi có những dấu hiệu bất thường sẽ giúp phát hiện sớm bệnh, giúp tăng cơ hội thoát bệnh ung thư. 

1.2 Triệu chứng điển hình của giai đoạn 3 ung thư cổ tử cung

Khi đã phát triển đến giai đoạn 3, người bệnh có thể nhận thấy rõ ràng những dấu hiệu điển hình đó là:

– Các triệu chứng gợi ý bệnh tại khu vực vùng chậu:

Đau vùng bụng dưới, đau tức vùng chậu – những cơn đau này xuất hiện bất thường.

Đau khi quan hệ tình dục – cơn đau kéo dài liên tục khi quan hệ tình dục.

Xuất huyết khi quan hệ tình dục, xuất huyết âm đạo, khí hư có lẫn máu

– Các triệu chứng toàn thân: Đau lưng, đau chân và phù chân; Cơ thể mệt mỏi, người giảm cân nhanh không có chủ đích; một số triệu chứng khác phụ thuộc vào cơ quan bị ảnh hưởng như thận ứ nước, chèn ép bàng quang, trực tràng dẫn đến tiểu khó, táo bón…

Đau bụng dưới, xuất huyết bất thường là những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư cổ tử cung

1.3 Tiên lượng sống cho người bệnh giai đoạn 3 của ung thư cổ tử cung

Khi được chẩn đoán mắc bệnh ở giai đoạn 3, nhiều bệnh nhân lo lắng bản thân sẽ không qua khỏi, tuy nhiên trên thực tế đã có rất nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh và sống khỏe mạnh sau nhiều năm. Đó là bởi giai đoạn tiến triển của ung thư không phải là yếu tố duy nhất quyết định tỷ lệ sống của bệnh nhân mà bên cạnh đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác:

– Thời điểm điều trị: Thời điểm điều trị là mấu chốt quan trọng trong việc gia tăng cơ hội sống cho người bệnh. Phát hiện và điều trị càng sớm thì khả năng chữa trị cũng sẽ thành công cao hơn so với việc để bệnh tiếp tục tiến triển mà không có cách để ngăn chặn chính xác, hoặc chính người bệnh phân vân, chần chừ lựa chọn điều trị bằng các bài thuốc lá, hoặc không đủ sức khỏe bỏ lỡ mất thời điểm vàng.

– Sức khỏe của người bệnh: Là một yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị ung thư cổ tử cung. Trong trường hợp chị em phụ nữ có sức khỏe, sức đề kháng tốt, không có các bệnh lý nền… thì khả năng đáp ứng với điều trị, theo đúng tiến trình phác đồ, khả năng phục hồi cũng sẽ được nâng cao hơn.

– Cơ sở điều trị bệnh ung thư: Việc lựa chọn một cơ sở y tế uy tín với trang thiết bị hiện đại, bác sĩ chuyên môn cao, sẽ giúp người bệnh được tiếp cận với phác đồ tân tiến, từ đó tăng cơ hội sống cho người bệnh.

2. Phương hướng điều trị ung thư cổ tử cung – giai đoạn 3

Với sự phát triển của nền y học hiện nay, điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 3 có nhiều khả năng thành công hơn so với trước đây, mang đến nhiều hy vọng hơn cho bệnh nhân. Và thông qua tình trạng riêng của mỗi người, bác sĩ có thể sẽ chỉ định bệnh nhân điều trị theo các phương pháp sau đây:

– Hóa xạ trị kết hợp: Là phương pháp thực hiện đồng thời cả hóa trị và xạ trị trong một liệu trình tiêu chuẩn. Bằng cách kết hợp này sẽ giúp tăng khả năng bệnh tại chỗ, ngăn chặn khả năng di căn xa, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân so với chỉ điều trị xạ trị đơn thuần. Đây cũng là phương pháp điều trị tối ưu cho chị em phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung trong thời điểm bệnh tiến triển này.

– Xạ trị áp sát: Là phương pháp điều trị tại chỗ quan trọng với người bệnh mắc ung thư cổ tử cung được chuẩn đoán ở giai đoạn 3 vì lúc này khối u phát triển mạnh, xâm lấn đến các khu vực quanh vùng chậu. Xạ trị áp sát sử dụng hạt hoặc sóng năng lượng cao vừa giúp nâng cao liều xạ để tiêu diệt những tế bào ung, trong khi đó vừa giảm bớt tác hại ảnh hưởng đến những cơ quan bình thường xung quanh tử cung.

– Hóa trị liệu: Thuốc hóa trị có thể được chỉ định sử dụng đơn lẻ hoặc phối kết hợp với các loại hóa chất khác nhau để ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ác tính đang nhân rộng trong cơ thể chị em phụ nữ.

3. Cách ngăn ngừa ung thư cổ tử cung tiến triển đến giai đoạn cuối

Để ngăn ngừa sự phát triển của ung thư cổ tử cung ở giai đoạn 3 tiến triển sang giai đoạn cuối, điều đầu tiên người bệnh cần làm là tuân thủ chỉ định điều trị, bám sát theo phác đồ đúng hướng của bác sĩ. Từ đó bạn sẽ được kiểm soát toàn diện ngăn cho tế bào ác tính lan rộng hơn nữa.

Bệnh nhân điều trị ung thư theo phác đồ chuẩn Singapore với chuyên gia chuyên điều trị ung thư phụ khoa hàng đầu Singapore tại Thu Cúc TCI

Ngoài tuân thủ chỉ định của bác sĩ thì duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần cũng là một vũ khí hết sức cần thiết. Cách để có một sức khỏe tốt, phục hồi nhanh chóng sau liệu trình hóa xạ trị
có thể gây những tác dụng phụ, thì chị em phụ nữ cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể ngay cả khi chán ăn, ăn không ngon.

Bên cạnh đó hãy duy trì một lối sống lành mạnh bằng cách hoạt động thể chất, vận động nhẹ nhàng mỗi ngày để kích thích sự thèm ăn, sự linh hoạt của cơ thể, tinh thần người bệnh… Và đặc biệt luôn cần nghỉ ngơi đầy đủ đảm bảo ngủ đủ giấc, duy trì tinh thần lạc quan, tích cực, vui vẻ…

Điều quan trọng cuối cùng là chị em phụ nữ nên tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để được theo dõi sức khỏe, kiểm soát tác dụng phụ của thuốc, theo dõi khả năng tái phát và di căn của tế bào ác tính.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *