Các hướng dẫn từ tăng huyết áp JNC 7 rất thực tế và dễ dàng áp dụng cho bệnh nhân tăng huyết áp. Việc tuân thủ các hướng dẫn chắc chắn sẽ giúp cải thiện kết quả của bệnh nhân. Hãy cùng tìm hiểu JNC 7 là gì và có điểm gì khác so với các phiên bản trước đó nhé.
1. Hướng dẫn JNC 7 là gì?
1.1 Sự ra đời của Ủy ban Điều phối Chương trình Giáo dục Cao huyết áp Quốc gia
Tăng huyết áp là một căn bệnh rối loạn, ảnh hưởng đến khoảng 1 tỷ người trên thế giới mỗi năm. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong thứ 03 trên toàn thế giới. Căn bệnh này góp phần tăng nguy cơ bệnh nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ, sa sút trí tuệ, bệnh thận và xơ vữa động mạch…
Ủy ban Điều phối Chương trình Giáo dục Cao huyết áp Quốc gia (NHBPEP) được khởi xướng dưới sự chỉ đạo của Viện Tim, Phổi và Máu thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ vào năm 1972, đặc biệt nhằm nâng cao nhận thức về cả nguy cơ tăng huyết áp và lợi ích của việc điều trị.
NHBPEP đại diện cho 39 tổ chức chuyên nghiệp, cộng đồng, tình nguyện quốc gia và 7 cơ quan liên bang. Mục tiêu của các nhóm này là giảm tử vong và tàn tật liên quan đến tăng huyết áp thông qua các chương trình giáo dục cho cả chuyên gia và công chúng.
1.2 Mục đích của báo cáo lần thứ 7 (JNC 7)
Vào tháng 5 năm 2003, Ủy ban Điều phối Chương trình Giáo dục Cao huyết áp Quốc gia (NHBPEP) đã xuất bản Báo cáo lần thứ 07 của Ủy ban Hỗn hợp Quốc gia về Phòng ngừa, Phát hiện, Đánh giá và Điều trị Huyết áp cao (viết tắt là JNC 7). Mục đích của JNC 7 là cập nhật các hướng dẫn đã xuất bản trước đây (JNC 6) và để cung cấp một cách tiếp cận dựa trên bằng chứng để đánh giá và quản lý huyết áp cao.
Trước đó, báo cáo JNC đầu tiên được NHBPEP công bố vào năm 1977, khi nhận thức ngành y tế và công chúng về tầm quan trọng của việc hạ huyết áp để giảm tỷ lệ tử vong do đột quỵ và bệnh tim mạch còn thấp. Nhưng điều này đã được cải thiện đáng kể từ khi NHBPEP ra đời. Bằng chứng là sự sụt giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do đột quỵ và bệnh tim mạch vành (lần lượt là 60% và 53%) trong 25 năm qua.
Mục đích của JNC 7 là cập nhật các hướng dẫn đã xuất bản trước đây (JNC 6) và để cung cấp một cách tiếp cận dựa trên bằng chứng để đánh giá và quản lý huyết áp cao.
2. Những thay đổi trong hệ thống phân loại tăng huyết áp JNC 7 so với JNC 6
Theo hướng dẫn của JNC 7, huyết áp bình thường của người lớn từ 18 tuổi trở lên là huyết áp tâm thu <120 mmHg và huyết áp tâm trương <80 mm Hg.
Danh mục huyết áp “Bình thường” và “Bình thường cao” đã bị xóa và thay thế bằng một danh mục mới “Tiền tăng huyết áp”.
Ngoài ra, JNC 7 đã đơn giản hóa hệ thống phân loại bằng cách loại bỏ “Tăng huyết áp giai đoạn 3” và kết hợp nó với “Tăng huyết áp giai đoạn 2” vì sự tương đồng trong quản lý.
Nói chung, cách phân loại huyết áp mới và đơn giản này phản ánh sự công nhận giá trị của việc phát hiện sớm và sự cần thiết phải xử trí tích cực, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý đi kèm và những bệnh nhân đang trong giai đoạn tăng huyết áp giai đoạn 2.
Bảng phân loại huyết áp người lớn theo JNC 7 dưới đây sẽ cho người đọc có hình dung rõ hơn về thay đổi này.
STT | Phân loại | Huyết áp |
1 | Bình thường | < 120/80 mm Hg |
2 | Tăng huyết áp | 120–139 / 80–89 mm Hg |
3 | Giai đoạn 1 | 140–159 mm Hg (tâm thu) hoặc 90–99 mm Hg (tâm trương) |
4 | Giai đoạn 2 | ≥ 160 mm Hg (tâm thu) hoặc ≥ 100 mm Hg (tâm trương) |
3. Những thay đổi trong cách tiếp cận điều trị tăng huyết áp JNC 7 so với JNC 6
Phương pháp điều trị tăng huyết áp JNC 7 cần dựa vào phân loại đối tượng bệnh theo tiêu chí mới ở bảng nói trên, bệnh lý đi kèm, giai đoạn bệnh. Nói chung, cách tiếp cận điều trị tăng huyết áp JNC 7 được đánh giá là đơn giản hơn so với JNC 6.
Cụ thể: JNC 7 đặt ra một cách tiếp cận mới để quản lý bệnh tăng huyết áp với trọng tâm là những bệnh nhân trong giai đoạn tiền tăng huyết áp. Bởi đối tượng này có nhiều nguy cơ phát triển thành bệnh tăng huyết áp. Vì vậy, họ nên thực hiện các biện pháp tầm soát căn bệnh như điều chỉnh lối sống, thăm khám sức khỏe, theo dõi huyết áp thường xuyên….
Khi đối tượng tiền tăng huyết áp có những bệnh lý khác đi kèm (đã được bác sĩ khẳng định) như đái tháo đường, bệnh thận…họ nên bắt đầu dùng một số loại thuốc để kiểm soát bệnh nhứthuốc ức chế men chuyển (ACEI) hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB).
Bệnh nhân tăng huyết áp giai đoạn 1 ngoài thực hiện thay đổi lối sống thì nên được điều trị bằng thuốc, tốt nhất là dùng thuốc lợi tiểu loại thiazid.
Bệnh nhân tăng huyết áp giai đoạn 2 cần được áp dụng các biện pháp điều trị tích cực hơn. Họ có thể dùng những loại thuốc hạ huyết áp như thuốc lợi tiểu loại thiazid.
JNC 7 đặt ra một cách tiếp cận mới để quản lý bệnh tăng huyết áp với trọng tâm là những bệnh nhân được phân loại là tiền tăng huyết áp.
3.1 Mục tiêu điều trị theo hướng dẫn tăng huyết áp JNC 7
Các khuyến cáo dưới đây của JNC 7 đều đã trải qua nhiều thử nghiệm lâm sàng. Cụ thể:
– Trong phạm vi huyết áp từ 115/75 mm Hg đến 185/115 mm Hg, mỗi lần tăng 20/10 mm Hg sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ tim mạch.
– Giai đoạn tiền tăng huyết áp có thể kiểm soát bằng cách điều chỉnh lối sống (ví dụ: chế độ ăn ít muối, hoạt động thể chất thường xuyên).
– Đối với bệnh nhân tăng huyết áp, mục tiêu kiểm soát huyết áp cơ bản là <140/90 mm Hg, nhưng đối với bệnh nhân đái tháo đường hoặc bệnh thận mục tiêu là <130/80 mm Hg.
3.2. Không nên bỏ qua dấu hiệu tăng huyết áp tâm thu đơn độc
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc (ISH) ảnh hưởng đến khoảng một nửa số người trên 60 tuổi. Tuy có quan điểm cho rằng đây là là một phần của quá trình lão hóa, nhưng dữ liệu trong JNC 7 cho thấy rằng tăng huyết áp tâm thu đơn độc làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch đáng kể ở bệnh nhân trên 50 tuổi.
Hơn nữa, việc tăng huyết áp tâm thu đơn độc cũng là một yếu tố dự báo nguy cơ tim mạch tin cậy. Vì vậy, tăng huyết áp tâm thu đơn độc không phải là một tình trạng lành tính và không nên bỏ qua.
3.3. Thay đổi lối sống tác động tích cực đến điều trị giảm huyết áp
Như đã nói ở trên, huyết áp tăng làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vì vậy, việc thay đổi lối sống, nâng cao sức khỏe nên được khuyến nghị cho tất cả bệnh nhân, nhất là với nhóm người cao huyết áp.
Những thay đổi lối sống đã chứng minh có tác động tích cực trong việc điều trị giảm huyết áp. Cụ thể:
– Những người béo phì nên giảm cân để đạt chỉ số khối cơ thể BMI ở mức lý tưởng 18,5 đến 24,9
– Ăn nhạt, giảm lượng muối (natri) dùng trong các bữa ăn hàng ngày xuống mức lý tưởng 2,4 g
– Nên vận động, tập luyện thường xuyên như tập aerobic 30 phút mỗi ngày
– Không nên lạm dụng rượu bia, tốt nhất bên hạn chế tối đa
– Những bệnh nhân đang hút thuốc nên cai thuốc càng sớm càng tốt
– Ngoài ra, bệnh nhân cao huyết áp được khuyến khích nên áp dụng chế độ ăn kiêng phù hợp với bản thân để ngừng tăng huyết áp. Chế độ ăn uống như vậy có nhiều trái cây, rau quả và các sản phẩm từ sữa ít béo. Chế độ ăn này đã được chứng minh hỗ trợ hiệu quả quá trình giảm huyết áp tăng cao, đặc biệt là khi bệnh nhân ăn nhạt hơn.
Các hướng dẫn từ JNC 7 rất thực tế và dễ dàng áp dụng cho bệnh nhân tăng huyết áp.
3.4. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn điều trị tăng huyết áp JNC 7
Theo JNC 7, việc lựa chọn nhóm thuốc thích hợp nhất điều trị không chỉ phụ thuộc vào huyết áp mà còn phụ thuộc vào bệnh lý nền của bệnh nhân. Điều trị bằng thuốc nên được chỉ định tùy từng bệnh nhân và cần dựa trên kết quả các thử nghiệm lâm sàng.
JNC 7 cũng cung cấp kế hoạch chi tiết cho việc quản lý bệnh tăng huyết áp ở một số nhóm bệnh nhân điển hình như người cao tuổi, người có bệnh lý nên và những người có nguồn gốc chủng tộc nhất định.
Cụ thể:
– Khuyến cáo về việc sử dụng thuốc lợi tiểu
JNC 7 khuyến cáo rằng những bệnh nhân đã bắt đầu cần điều trị bằng thuốc nên sử dụng thuốc lợi tiểu loại thiazid đầu tiên. Thuốc thiazid có thể sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với một trong các nhóm thuốc khác: ACEI, ARB, chẹn beta (BB) hoặc chẹn kênh canxi.
– Điều trị bằng BBs và ACEIs cho bệnh nhân bị hội chứng mạch vành cấp
Bệnh nhân bị hội chứng mạch vành cấp tính (đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim) nên được bắt đầu điều trị bằng BBs và ACEIs. Sau nhồi máu cơ tim, có thể sử dụng BBs, ACEIs và thuốc đối kháng aldosterone.
– Thuốc điều trị cho bệnh nhân tăng huyết áp và suy tim
Bệnh nhân tăng huyết áp bị suy tim nên được chỉ định thuốc ACEIs và BBs. Dữ liệu cho thấy rằng những bệnh nhân bị rối loạn chức năng tim thất đã có triệu chứng hoặc bệnh tim giai đoạn cuối cũng sẽ có kết quả tốt với thuốc BB, ARB (thuốc chẹn thụ thể angiotensin) và thuốc đối kháng aldosterone.
Các bệnh nhân này có thể sử dụng CCB amlodipin (thuốc chẹn kênh canxi) trong trường hợp thực hiện các biện pháp kiểm soát huyết áp không đầy đủ.
– Sử dụng thuốc cho các bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường
JNC 7 đề xuất thuốc lợi tiểu loại thiazid, BBs, ACEI, ARB và CCB. Những thuốc này đã cho thấy hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ ở bệnh nhân đái tháo đường.
– Sử dụng thuốc cho các bệnh nhân tăng huyết áp và bệnh thận
JNC 7 khuyến cáo bệnh nhân tăng huyết áp và bệnh thận nên dùng thuốc ức chế men chuyển hoặc ARB.
– Sử dụng thuốc cho các bệnh nhân tăng huyết áp và bệnh mạch máu não
Bệnh nhân tăng huyết áp và bệnh mạch máu não: Sự kết hợp giữa ACEI và thuốc lợi tiểu loại thiazid có thể giảm tỷ lệ đột quỵ. Tuy nhiên, lợi ích của việc hạ huyết áp cấp tính trong đột quỵ vẫn chưa rõ ràng.
Hi vọng các thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về hướng dẫn Phòng ngừa, Phát hiện, Đánh giá và Điều trị tăng huyết áp JNC 7. Việc áp dụng các hướng dẫn này có thể giúp cải thiện bệnh hiệu quả nhưng chỉ có tác dụng tham khảo, cần sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa trong từng trường hợp cụ thể. Vì thế, hãy thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để có thể có một phác đồ hiệu quả nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.