Mức độ nguy hiểm của bệnh hẹp van tim khác nhau tùy vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ tiến triển và tình hình sức khỏe của từng bệnh nhân. Trong từng trường hợp, các bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định điều trị hẹp van tim phù hợp. Vậy bệnh hẹp van tim khi nào cần điều trị và điều trị như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết ngay sau đây.
1. Bệnh hẹp van tim là gì? Khi nào cần điều trị?
Bệnh hẹp van tim là tình trạng van tim bị xơ cứng, dày hoặc dính các mép van, khiến van tim không thể mở hoàn toàn trong thì tâm thu. Điều này làm giảm khả năng tống máu giữa các buồng tim, khiến lượng máu nuôi dưỡng tim và nuôi cơ thể bị thiếu hụt.
Bệnh hẹp van tim có nhiều mức độ khác nhau dựa vào diện tích mở van. Cụ thể:
– Mức độ nhẹ: diện tích mở van > 1,5 cm2
– Mức độ vừa: diện tích mở van 1,0 – 1,5 cm2
– Mức độ khít: diện tích mở van < 1,0 cm2
Nguyên nhân gây bệnh có thể do:
– Viêm nội tâm mạc, thấp khớp
– Bẩm sinh
– Lão hóa, vôi hóa canxi
– Khối u trong tim
Ở mức độ nhẹ, bệnh thường ít biểu hiện thành triệu chứng thì thường không phải điều trị. Người bệnh chỉ cần theo dõi để dự phòng nguy cơ bệnh diễn tiến nặng hơn hoặc gây ra các biến chứng. Nếu tình trạng hep van tim nặng hoặc xuất hiện các triệu chứng gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người bệnh thì cần điều trị tích cực. Tùy nguyên nhân gây hẹp van và khả năng đóng mở van và tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân mà sẽ có các phương pháp điều trị tương ứng.
Tùy nguyên nhân, mức độ hẹp van mà sẽ có phương pháp điều trị khác nhau
2. Các phương pháp điều trị hẹp van tim chủ yếu
2.1 Thay đổi lối sống – Mấu chốt trong điều trị hẹp van tim
Lối sống bao gồm chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và luyện tập là yếu tố vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của bệnh hẹp van tim nói riêng và các bệnh lý tim mạch nói chung.
Xây dựng lối sống lành mạnh là biện pháp chủ yếu trong những trường hợp hẹp van tim nhẹ. Đồng thời cũng là biện pháp duy trì cải thiện tuần hoàn máu, cung cấp các dưỡng chất giúp xây dựng hệ tim mạch và cơ thể khỏe mạnh, hỗ trợ đắc lực trong những trường hợp cần điều trị.
Các biện pháp thay đổi lối sống được các chuyên gia tim mạch khuyến cáo:
Chế độ ăn:
– Giảm muối trong khẩu phần ăn
– Giảm chất béo, đặc biệt là các chất béo xấu bằng cách hạn chế ăn đồ chiên rán, các loại da, nội tạng động vật,…
– Tăng rau xanh và các thực phẩm giàu chất xơ hòa tan tốt cho người bệnh van tim.
– Từ bỏ chất kích thích vì dễ gây rối loạn nhịp tim ở người bệnh hẹp van tim.
Chế độ sinh hoạt:
– Không thức quá khuya
– Cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi giúp giảm áp lực lên tim và các van tim
– Giải tỏa căng thẳng, stress bằng các biện pháp thư giãn phù hợp lý
Chế độ luyện tập:
Tập luyện thường xuyên giúp nâng cao sức khỏe của toàn cơ thể. Đối với người mắc bệnh van tim, các bài tập nhẹ nhàng giúp cho máu lưu thông qua van dễ dàng hơn và tránh nguy cơ đông máu do máu bị ứ đọng trong các buồng tim.
Khám sức khỏe định kỳ:
Khám sức khỏe định kỳ là việc làm cần thiết để đánh giá hoạt động của van tim, phát hiện sớm các bệnh van tim ngay cả khi chưa có dấu hiệu, nhằm điều trị kịp thời trước khi bệnh tiến triển xấu đi.
Thay đổi lối sống là cách điều trị bệnh hẹp van tim lành mạnh và tiết kiệm nhất
2.2 Sử dụng thuốc điều trị hẹp van tim giúp giảm nhẹ các triệu chứng
Khi bạn đã xuất hiện các triệu chứng, một số thuốc có thể được sử dụng giúp làm giảm nhanh các triệu chứng của bệnh. Về lâu dài, các loại thuốc giúp bạn giảm tình trạng hoạt động quá tải cho tim, kiểm soát nhịp tim. Nhờ đó, làm chậm quá trình suy tim và các biến chứng nguy hiểm khác.
Một số loại thuốc thường được bác sĩ kê cho bệnh nhân hẹp van tim bao gồm:
– Thuốc lợi tiểu: giúp giảm bớt lượng muối và nước dư thừa qua đường tiêu tiểu, giảm bớt gánh nặng cho hệ tuần hoàn.
– Thuốc chống đông máu: ngăn chặn sự hình thành các huyết khối, phòng tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ não.
– Thuốc chẹn beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi: Giúp hạ huyết áp, giảm áp lực lên tim.
– Thuốc chống loạn nhịp tim: giữ cho nhịp tim ổn định, giảm áp lực lên van tim.
– Kháng sinh: thường được sử dụng trong trường hợp bệnh hẹp van do nhiễm trùng tim.
Lưu ý, các loại thuốc này chỉ mang tính tham khảo. Bạn không nên tự ý sử dụng vì sử dụng không đúng cách không những không cải thiện được bệnh mà còn có thể gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe.
Trong những trường hợp đã sử dụng thuốc mà bệnh vẫn tăng nặng, gây ra các biến chứng hoặc van tim hẹp quá nhiều, một số biện pháp khác điều trị khác có thể được tiến hành theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Thăm khám sớm với các chuyên gia tim mạch giúp bạn điều trị bệnh hẹp van tim một cách hiệu quả.
3. Những lưu ý khi điều trị hẹp van tim
– Các biện pháp thay đổi lối sống luôn được khuyến khích với các bệnh nhân bị hẹp van tim dù có đang trong quá trình điều trị hay không.
– Việc điều trị bằng thuốc phải tuân theo đúng phác đồ của bác sĩ, không tự ý dùng quá liệu, bỏ liều, ngưng sử dụng để tránh làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Nếu có tiền sử mắc các bệnh lý khác thì cần xin ý kiến tư vấn kỹ lưỡng của các bác sĩ.
– Một số loại thuốc vẫn có thể được sử dụng ngay cả sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh. Các loại thuốc này có tác dụng duy trì các chỉ số ổn định và dự phòng tái phát. Bệnh nhân cần tuân thủ đơn thuốc theo chỉ định của bác sĩ kết hợp với duy trì lối sống lành mạnh để có thể sống khỏe mạnh.
– Trong quá trinh điều trị, bệnh nhân cần đi khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi, kiểm soát tình trạng bệnh và điều chỉnh phác đồ nếu cần.
Qua những thông tin trên đây, hi vọng bạn đã có thêm những kiến thức bổ ích về điều trị hẹp van tim cũng như những lưu ý trong quá trình chữa bệnh. Hãy nhớ rằng, dù đang điều trị hay không và điều trị bằng phương pháp nào thì việc chủ động thăm khám định kỳ và khám ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo từ cơ thể là điều vô cùng quan trọng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.