Ung thư amidan sống được bao lâu cùng mối quan tâm về cách điều trị bệnh là những vấn đề được nhiều người tìm hiểu. Ung thư amidan tiến triển rất nhanh, gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày, bệnh càng để lâu càng nguy hiểm nên tuyệt đối không thể chủ quan với bệnh.
1. Tìm hiểu về ung thư amidan
1.1. Ung thư amidan là gì?
Amidan là một phần của hệ thống miễn dịch của cơ thể có vai trò tiêu diệt vi sinh vật. Amidan có 6 khối nằm vây quanh cửa hầu và xếp thành một vòng kín được gọi là vòng bạch huyết quanh hầu (vòng Waldayer) bao gồm 1 amidan vòm (VA), 2 amidan vòi, 2 amidan khẩu cái (amidan), amidan lưỡi.
Ung thư amidan là loại ung thư khởi phát từ các tế bào trong amidan. Bệnh thường xảy ra nhiều nhất ở 2 amidan khẩu cái. Bệnh cũng có thể xuất hiện ở amidan vòm, amidan vòi và amidan lưỡi nhưng tỷ lệ sẽ thấp hơn.
Ung thư amidan không phải loại ung thư phổ biến nhưng bệnh đang có tỷ lệ mắc tăng dần hiện nay.
1.2. Các giai đoạn phát triển
Ung thư amidan phát triển theo 4 giai đoạn. Việc phân chia bệnh thành các giai đoạn cụ thể sẽ giúp bác sĩ nắm được mức độ nguy hiểm của bệnh cũng như tìm ra phương pháp điều trị tương ứng phù hợp. Dưới đây là chi tiết 4 giai đoạn:
– Giai đoạn I: Khối u kích thước nhỏ (dưới 2cm) bị giới hạn tại khu vực amidan và chưa di căn tới các hạch bạch huyết xung quanh;
– Giai đoạn II: Khối u lớn hơn từ 2-4cm nhưng chưa di căn;
– Giai đoạn III: Khối u kích thước lớn (lớn hơn 4cm) và ung thư amidan đã di căn tới một hạch cổ cùng bên với khối u;
– Giai đoạn IV: Đây là giai đoạn phức tạp nhất của bệnh, việc tiên lượng và điều trị bệnh rất khó khăn.
1.3. Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh
Một số nguyên nhân chính gây ung thư amidan:
– Hút thuốc lá: Các chất độc hại có trong thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh ung thư ở vùng miệng, vùng cổ và phổi.
– Uống rượu bia nhiều.
– Do nhiễm virus HPV loại 16 và 18.
– Thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại hoặc tia bức xạ.
– Không giữ gìn vệ sinh sạch sẽ tại vùng miệng: Khi vùng miệng không được vệ sinh sạch sẽ sẽ tạo điều kiện cho các loại virus, vi khuẩn phát triển và gây ra nhiều bệnh tại khu vực này. Điều này là tăng nguy cơ ung thư amidan.
1.4. Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc ung thư amidan
Ung thư amidan có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở nam giới trong độ tuổi từ 30 đến 40 tuổi. Tỉ lệ mắc bệnh sẽ tăng cao ở những người nghiện bia rượu và hút thuốc nhiều.
Bệnh có thể gặp ở cả nam và nữ nhưng đàn ông độ tuổi 30-40 là đối tượng thường gặp hơn cả.
2. Giải đáp: Ung thư amidan sống được bao lâu?
2.1. Ung thư amidan nguy hiểm như thế nào?
Ung thư nói chung được coi là một căn bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao hơn hẳn trong số tất cả các loại bệnh lý. Và với ung thư amidan cũng không phải là ngoại lệ. Ung thư amidan sẽ có mức độ nguy hiểm khác nhau trong từng giai đoạn bệnh. Cụ thể, ở giai đoạn đầu, bệnh gây ra những triệu chứng như đau họng, khó nuốt, khó nói, chảy máu,.. và tình trạng này tăng dần mức độ nghiêm trọng khi bệnh phát triển càng về những giai đoạn sau.
Người bệnh ung thư amidan khi được phát hiện sớm, kiểm soát được sức khỏe tốt và chủ động tiến hành điều trị đúng cách thì bệnh hoàn toàn có thể chữa được và kiểm soát được.
2.2. Người bệnh bị ung thư amidan sống được bao lâu?
Tỉ lệ sống sót sau điều trị bệnh ung thư sẽ giúp người bệnh biết được bản thân có thể duy trì sự sống trong một khoảng thời gian cụ thể là bao lâu và con số thường được sử dụng là 5 năm.
Tức là, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là tỷ lệ phần trăm người mắc bệnh ung thư còn sống sau 5 năm hoặc cũng có thể là lâu hơn sau khi được chẩn đoán. Tỷ lệ sống chung 5 năm đối với các bệnh ung thư hầu họng là 65%. Đồng nghĩa với việc khoảng 65 trong số 100 người ung thư hầu họng còn sống sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán bệnh.
Các nhà nghiên cứu cũng đã phát triển rộng hơn về tỷ lệ sống sót sau 5 năm cụ thể cho bệnh ung thư vùng hầu họng dựa trên giai đoạn phát triển của ung thư:
– Ung thư giai đoạn đầu khi chưa di căn: 84%;
– Ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết, mô hoặc các cơ quan lân cận: 66%;
– Ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể: 39%;
Tuy nhiên, tất cả các con số nêu trên đều xuất phát từ các nghiên cứu chỉ mang tính chất tham khảo. Việc trả lời ung thư amidan sống được bao lâu chưa thể khẳng định chính xác được vì còn phụ thuộc vào từng tình trạng cụ thể, phương pháp điều trị được áp dụng cũng như mức tiên lượng của từng người.
Ung thư amidan khi được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ có tỷ lệ chữa khỏi bệnh là cao nhất.
3. Phương pháp điều trị ung thư amidan được áp dụng
Như phần lớn các loại ung thư khác, ung thư amidan được điều trị chủ yếu bằng 3 phương pháp là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Trong đó, phẫu thuật và xạ trị thường được chỉ định áp dụng ở giai đoạn đầu và giai đoạn bệnh phát triển còn hóa trị thường được chỉ định điều trị ở giai đoạn cuối.
3.1. Phẫu thuật
Đây là phương pháp giúp điều trị tận gốc các khối u ác tính. Tùy vào kích thước và mức độ xâm lấn của khối u mà sẽ có phương pháp phẫu thuật phù hợp được chỉ định.
Ngoài việc phẫu thuật để loại bỏ khối u ung thư thì trong các trường hợp nghi ngờ ung thư nhưng tiến hành sinh thiết vẫn âm tính thì vẫn có thể tiến hành phẫu thuật nhằm 2 mục đích: cắt rộng tổ chức ung thư và gửi toàn bộ bệnh phẩm này để làm sinh thiết tìm tổ chức ung thư.
Lưu ý, sau phẫu thuật có thể gặp một số tác dụng phụ điển hình là việc thay đổi giọng nói.
3.2. Xạ trị
Các loại ung thư amidan đều nhạy cảm với tia xạ nên phương pháp này có thể sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp cả với phẫu thuật (trong trường hợp đã xạ trị nhưng vẫn còn sót lại u hoặc hạch). Sử dụng đồng thời cả 2 phương pháp giúp tăng hiệu quả điều trị và tiêu diệt triệt để các tế bào ung thư.
3.3. Hóa trị
Phương pháp này sẽ sử dụng thuốc chống ung thư nhằm tiêu diệt các tế bào
ung thư. Như đã nói ở trên, hóa trị thường được chỉ định thực hiện vào giai đoạn cuối của bệnh.
Trên thực tế, chúng ta không nên quá lo lắng và đặt nặng vấn đề ung thư amidan sống được bao lâu. Điều quan trọng nhất cần thực hiện là kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe bản thân bằng việc thăm khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh nếu có. Việc phát hiện sớm, chữa bệnh ngay từ giai đoạn đầu sẽ cho hiệu quả điều trị tốt cũng như tỷ lệ khỏi bệnh là cao nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.