Khác với hở van tim 2 lá, 3 lá, hở van động mạch chủ mức 1/4 vẫn có thể gây nguy hiểm cho người bệnh có triệu chứng đau thắt ngực, khó thở hoặc thất trái bị giãn. Cùng tìm hiểu về bệnh hở van động mạch chủ 1/4 để hiểu những nguy hiểm “rình rập” do căn bệnh này gây ra.
1. Hở van động mạch chủ 1/4 là gì?
Hở van động mạch chủ là tình trạng van động mạch chủ (van tim nằm giữa thất trái và động mạch chủ, có nhiệm vụ kiểm soát lượng máu đi nuôi cơ thể) không thể đóng chặt ngay sau khi máu được bơm ra khỏi tim, khiến cho một lượng máu chảy ngược về tim và có thể gây ứ đọng.
Tương tự như hở van tim 2 lá, 3 lá hay hở van động mạch phổi, hở van động mạch chủ cũng được chia làm 4 mức độ là hở van 1/4, 2/4, 3/4 và 4/4. Trong đó, 1/4 là mức độ hở van động mạch chủ nhẹ nhất.
Không giống các loại hở van tim khác, hở van động mạch chủ mức độ 1/4 có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng
2. Hở van động mạch chủ có nguy hiểm hay không?
So với những bệnh lý hở van tim khác, hở van động mạch chủ có phần nguy hiểm hơn. Để có thể đánh giá mức độ nguy hiểm, các bác sĩ sẽ căn cứ vào 2 chỉ số chính, đó là phân suất tống máu của tâm thất trái và kích thước tâm thất trái.
– Hở van động mạch chủ mức 1/4 không nguy hiểm: Là khi phân suất tống máu đạt mức bình thường (trên 50%), tâm thất trái không bị giãn hoặc giãn rất ít, người bệnh chưa có triệu chứng khác đi kèm.
– Hở van động mạch chủ mức độ nhẹ nhưng vẫn gây nguy hiểm khi: Chỉ số phân suất tống máu giảm dưới 50%, buồng tim giãn nhiều. Người bệnh xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, khó thở khi nằm, nhất là vào ban đêm, cảm giác đau thắt ngực, đánh trống ngực, rối loạn nhịp tim…Lúc này, bệnh sẽ tiến triển rất nhanh và gây ra biến chứng suy tim.
Ngoài ra, hở van động mạch chủ mức độ nhẹ nhất cũng sẽ gây nguy hiểm nếu nguyên nhân gây hở van xuất phát từ các bệnh lý phức tạp khác. Điển hình như hội chứng Marfan, giãn động mạch chủ hoặc khuyết tật van động mạch chủ bẩm sinh.
Người bệnh hở van động mạch chủ dù ở mức độ nhẹ nhất nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể gặp biến chứng nguy hiểm đến tính mạng
2.1 Tại sao hở van động mạch chủ 1/4 dù nhẹ nhưng vẫn nguy hiểm
Trong số 4 van tim, van động mạch chủ là quan trọng nhất. Van này kiểm soát toàn bộ lưu lượng máu được bơm từ tim (cụ thể là buồng thất trái) đi ra động mạch chủ và đi nuôi cơ thể. Do vậy, dù van động mạch chủ có hở nhẹ cũng sẽ dễ gây suy tim và nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn so với các van khác bị hở.
Trong giai đoạn đầu, người bệnh bị hở van động mạch chủ có thể chưa cảm nhận được bất kỳ dấu hiệu nào do tim vẫn có thể bù trừ sự thiếu hụt máu, đảm bảo lượng máu đi nuôi cơ thể bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng theo thời gian, chức năng tim ngày càng suy giảm, sự điều chỉnh này sẽ dần dần không còn. Các triệu chứng cũng bắt đầu có biểu hiện rõ ràng hơn và đây cũng là lúc bệnh đã vào giai đoạn nặng, rất khó để điều trị.
2.2 Người bệnh hở van động mạch chủ 1/4 sống được bao lâu?
Theo một số nghiên cứu, tiên lượng sự sống ở người bệnh hở van động mạch chủ là khoảng 10 năm kể từ khi phát hiện bệnh. Tuy nhiên, rất khó để có thể dự đoán chính xác bởi tiên lượng sự sống còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như mức độ suy giảm chức năng tim hay các triệu chứng, biến chứng kèm theo. Nhưng thông thường khả năng sống của người bệnh phụ thuộc vào mức độ bệnh, tức là biểu hiện của các triệu chứng và khả năng thực hiện chứng năng. Cụ thể:
– Đối với người chưa xuất hiện triệu chứng nhưng đã bị rối loạn chức năng thất trái: Triệu chứng sẽ xuất hiện sau khoảng 2 – 3 năm. Thời gian sống tùy thuộc vào thời điểm phát hiện và điều trị.
– Đối với những người bệnh đã có những triệu chứng như khó thở, đau ngực, suy tim: Tiên lượng sự sống kém, bệnh tiến triển rất nhanh. Theo như số liệu được công bố trên Tạp chí Tim mạch học Việt Nam: Tỷ lệ tử vong ở nhóm có triệu chứng đau thắt ngực là từ 10 – 20% mỗi năm ở bệnh nhân suy tim. Nếu điều trị bằng thuốc thì có thể kéo dài sự sống thêm khoảng 3 – 5 năm. Nhiều trường hợp bệnh nhân được thực hiện các can thiệp cần thiết để năng cao khả năng sống.
Ngoài ra, còn một số yếu tố khác gây ảnh hưởng đến tuổi thọ của người bệnh, bao gồm:
– Nguyên nhân gây ra bệnh hở van tim
– Khả năng đáp ứng điều trị
– Các bệnh lý liên quan
– Tuổi của bệnh nhân
3. Phòng ngừa hở van động mạch chủ tiến triển nặng
Khi van động mạch chủ bị hở, tim phải làm việc nhiều hơn để bù lại lượng máu bị thiếu hụt và đáp ứng đủ lượng oxy cho cơ thể. Chính vì vậy, ngoài việc thăm khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần giảm tải áp lực cho tim bằng các biện pháp khác nhau như:
– Áp dụng chế độ ăn nhiều rau xanh, ít muối, hạn chế đồ dầu mỡ, chiên rán, thức ăn nhanh và chế biến sẵn.
– Không hút thuốc lá, hạn chế các thức uống chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê, nước tăng lực…
– Tập thể dục thường xuyên với các bài tập phù hợp với sức khỏe của bản thân.
– Giữ gìn vệ sinh răng miệng tránh để viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
– Thăm khám định kỳ và nhất là khi thấy xuất hiện các triệu chứng như đau tức ngực, khó thở, ngất xỉu.
Nên tạo lối sống tích cực, thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh và thường xuyên thăm khám để phòng ngừa bệnh hở van động mạch chủ một cách hiệu quả
Hở van động mạch chủ 1/4 tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho các bệnh nhân mắc phải. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể được kiểm soát nếu phát hiện sớm và có hướng điều trị phù hợp. Do vậy, ngay khi người bệnh thấy có những triệu chứng nghi ngờ là hở van tim thì cần đến ngay các chuyên khoa tim mạch để được thăm khám và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, nên đi khám tim mạch định kỳ để có thể phát hiện sớm căn bệnh này và điều trị hiệu quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.