Bệnh động mạch vành là bệnh lý nguy hiểm, nguyên nhân hàng đầu gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Nếu không được phát hiện sớm tỉ lệ tử vong ở người bệnh là rất cao. Do vậy, việc tầm soát và điều trị về bệnh mạch vành có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Dưới đây là những lưu ý quan trọng.
1. Hiểu bệnh động mạch vành là gì?
Bệnh động mạch vành là tình trạng động mạch bị thu hẹp, tắc nghẽn do các mảng xơ vỡ bên trong lòng mạch. Sự tích tụ các mảng bám này khiến cho các động mạch vốn mềm mại trở nên xơ cứng, dẫn đến cản trở dòng máu đi qua động mạch. Lượng máu cung cấp cho cơ tim không đủ gây thiếu tình trạng thiếu máu cơ tim hoặc hoại tử cơ tim.
Đây là bệnh lý tim mạch nguy hiểm, có xu hướng gia tăng mạnh ở Việt Nam, gây tử vong cao nếu không phát hiện sớm.
Bệnh mạch vành là hiện tượng lòng mạch bị thu hẹp gây tắc nghẽn, giảm lưu thông máu
2. Nhận biết bệnh mạch vành sớm qua các triệu chứng
Các triệu chứng thường gặp của bệnh mạch vành bao gồm:
– Đau thắt ngực
– Hồi hộp, hụt hơi
– Chóng mặt, hoảng hốt
– Mệt mỏi, đau ngực kèm theo buồn nôn
Trong đó, cơn đau thắt ngực là dấu hiệu điển hình của bệnh mạch vành. Đây là hậu quả của việc cơ tim không nhận được lượng máu và oxy cần thiết cho hoạt động co bóp của tim. Cơn đau có thể thoáng qua, gây khó thở nhẹ. Nhưng cũng có khi đau bó chặt, thắt nghẹt, đè ép trong lồng ngực khiến ngực trở nên nặng nề, đau rát, nóng ran. Người bệnh có thể xuất hiện cơn đau sau xương ức, tim, giữa ngực. Đôi khi đau có thể lan lên vai, cổ, cánh tay bên trái.
Thông thường, cơn đau ngực thường chỉ xuất hiện trong vài chục giây hoặc vài phút. Nếu cơn đau kéo dài trên 15 phút, nhiều khả năng người bệnh bị nhồi máu cơ tim, cần đi cấp cứu ngay để được chẩn đoán kịp thời.
Những việc cần làm ngay khi các cơn đau thắt ngực xuất hiện:
– Nghỉ ngơi ngay lập tức, dừng toàn bộ mọi hoạt động gắng sức, vận động mạnh
– Dùng thuốc Nitroglycerin dạng ngậm hoặc xịt dưới lưỡi
– Tới cơ sở y tế uy tín càng sớm càng tốt để chẩn đoán, điều trị.
3. Phòng tránh các nguyên nhân gây bệnh
Có 2 nhóm nguyên nhân chính gây bệnh mạch vành:
3.1. Nguyên nhân khách quan
Đó là những yếu tố gây bệnh mà người bệnh không thể thay đổi được, bao gồm:
– Tuổi tác: Bệnh thường xảy ra ở bệnh nhân nam trên 50 và nữ trên 55 tuổi. Càng lớn tuổi, động mạch càng dễ bị tổn thương và thu hẹp hơn.
– Giới tính: Thông thường nam giới thường có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn nữ giới. Tuy nhiên, sau tuổi mãn kinh, tỉ lệ nữ mắc bệnh này lại cao hơn.
– Di truyền: Những người có người thân từng mắc bệnh tim mạch, đột quỵ sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh này, thậm chí từ khi còn trẻ.
3.2. Nguyên nhân chủ quan gây bệnh động mạch vành
– Các bệnh lý: các bệnh cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, đái tháo đường…là những yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành.
– Các thói quen thiếu lành mạnh: Hút thuốc lá, nghiện rượu bia, ít vận động…là những thói quen khiến bạn dễ mắc bệnh mạch vành. Thường xuyên ngồi một chỗ, không luyện tập thể dục đều đặn làm tăng nguy cơ béo phì, dư thừa cholesterol, gây các bệnh về tim và mạch máu. Hút thuốc làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, ung thư phổi, ung thư vòm họng,… Uống quá nhiều rượu bia cũng gây thiếu máu cục bộ cơ tim.
4. Những nguy hiểm đến từ bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành không chỉ gây đau tức, mệt mỏi mà còn mang tới nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Các biến chứng thường gặp:
4.1. Nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim là hiện tượng động mạch vành xuất hiện cục máu đông (huyết khối), khiến động mạch vành bị tắc nghẽn. Khoảng 1/3 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim có nguy cơ tử vong trước khi được điều trị. Mặt khác, quá trình này thúc đẩy sự hình thành các mô sẹo, nguyên nhân chủ yếu gây rối loạn nhịp tim, ngừng tim. 90% người bệnh bị nhồi máu cơ tim sẽ bị rối loạn nhịp tim nhanh.
Các bệnh nhân đã bị nhồi máu cơ tim có tỉ lệ tái phát bệnh sau 1 năm ở mức cao.
4.2. Đột quỵ
Sư xuất hiện các cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu dẫn lên não là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ. Trong trường hợp bị nhẹ thì bị liệt nửa người, nếu bị nặng có thể dẫn tới tử vong.
Bệnh mạch vành là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ
4.3. Suy tim do bệnh động mạch vành
Không được cung cấp đủ máu khiến cho hoạt động của cơ tim ngày càng yếu dần đi và mệt mỏi. Đó là cơ chế gây suy tim
4.4. Phình mạch
Phình mạch là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của xơ vữa động mạch vành. Khi động mạch bị vỡ, bệnh tử vong ngay lập tức.
4.5. Rối loạn nhịp tim
Các cơn rung nhĩ khiến tim loạn nhịp, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.
5. Điều trị bệnh mạch vành
Hiện nay điều trị nội khoa vẫn là phương pháp điều trị bệnh mạch vành chủ yếu. Điều trị bằng thuốc được thực hiện với các mục tiêu:
– Giảm triệu chứng của bệnh
– Ngăn bệnh tiến triển phòng ngừa biến chứng
– Điều trị duy trị sau nhồi máu cơ tim, dự phòng tái phát
Sử dụng một hoặc kết hợp một vài loại thuốc điều trị đặc hiệu có thể cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp.
– Thuốc chống kết vón tiểu cầu
– Thuốc ức chế thụ thể beta
– Thuốc chẹn kênh calci
– Thuốc hạ Cholesterol máu
– Thuốc nhóm Fibrat
Các loại thuốc trên cần được dùng theo đơn và tuân thủ chỉ định của bác sĩ dựa trên các thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng. Người bệnh không tự dùng thuốc khi không có chỉ định, không tăng liều, bỏ liều, ngưng thuốc hay thay đổi loại thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
Trong những trường hợp nặng hơn, các phương pháp khác sẽ được sử dụng nhằm khai mở mạch vành.
6. Cách phòng ngừa bệnh mạch vành hiệu quả
– Xây dựng lối sống lành mạnh giúp ngăn ngừa hoặc cải thiện xơ vữa động mạch:
+ Bệnh nhân nên bỏ thuốc lá, hạn chế đến mức tối đa sử dụng rượu bia
+ Ăn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe và hệ tim mạch như rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt…
+ Cố gắng ăn nhạt, hạn chế các thực phẩm nhiều dầu mỡ
+ Tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày như đi bộ, yoga, ngồi thiền…
+ Giảm cân
+ Thư giãn, giải tỏa căng thẳng bằng nhiều biện pháp
– Theo dõi và điều trị triệt để các bệnh lý nguy cơ. Đặc biệt là tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu
– Tuân thủ các hướng dẫn điều trị, dự phòng tái phát bệnh.
– Khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường ở tim, những nguy cơ tiềm ẩn gây bệnh động mạch vành. Chẩn đoán sớm bệnh và chữa trị ngay từ đầu không chỉ tăng khả năng hồi phục, tránh bệnh tiến triển nặng, phòng ngừa biến chứng mà còn tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian điều trị. Vì vậy, người bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh mạch vành nên đi khám tim mạch 6 tháng/lần để kiểm soát tiến triển bệnh tốt hơn.
Thường xuyên thăm khám giúp chủ động kiểm soát hoặc phát hiện sớm bệnh mạch vành.
Có thể thấy, bệnh động mạch vành có khả năng gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Chủ động theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm bệnh bằng thăm khám hay qua các triệu chứng là những biện pháp giúp kiểm soát bệnh hiệu quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.