Ung thư lưỡi thường dễ bị nhầm lẫn với bệnh nhiệt miệng. Vì vậy, chúng ta cần lưu ý những triệu chứng ung thư lưỡi giai đoạn đầu để có thể kịp thời đi khám và được chẩn đoán chính xác.
1. Tổng quan về bệnh ung thư lưỡi
1.1. Ung thư lưỡi là gì?
Ung thư lưỡi là một trong những căn bệnh ác tính ở vùng miệng và xung quanh miệng. Bệnh thường gặp nhất ở đối tượng nam giới trên 50 tuổi và đang ngày càng trẻ hóa. Ở giai đoạn đầu, ung thư lưỡi ít biểu hiện thành triệu chứng rõ ràng trên cơ thể nên rất dễ bị nhầm lẫn với nhiệt miệng.
Không nên chủ quan nếu thấy lưỡi và vùng miệng có dấu hiệu bất thường
1.2. Có thể xác định nguyên nhân của ung thư lưỡi không?
Cho tới nay, nguyên nhân gây ra ung thư lưỡi vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên cao hơn mức bình thường. Cụ thể có thể kể đến như sau:
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá có thể gây ra hàng loạt căn bệnh nguy hiểm, nhất là các bệnh liên quan đến hệ hô hấp và vùng đầu – mặt – cổ như ung thư phổi và ung thư lưỡi.
Sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn, chất kích thích
Thống kê cho thấy có khoảng 70-80% bệnh nhân mắc ung thư lưỡi là những người có thói quen uống nhiều rượu bia và thường xuyên sử dụng chất kích thích.
Tiếp xúc trực tiếp với các loại tia bức xạ
Nếu bạn thường xuyên sống và làm việc trong môi trường phải tiếp xúc với các tia bức xạ năng lượng cao thì nguy cơ mắc ung thư lưỡi cũng cao hơn so với bình thường.
Tiền sử bệnh của gia đình
Việc hình thành nên bệnh ung thư lưỡi cũng có thể bị chi phối bởi yếu tố di truyền. Do đó, nếu trong gia đình bạn có bố mẹ hay anh chị em mắc phải căn bệnh này thì bạn cũng có nguy cơ cao hơn.
Nhiễm virus HPV
Một vài chủng virus HPV đã được chứng minh là có khả năng tác động và gây ra ung thư lưỡi.
Chế độ ăn uống kém khoa học
Dinh dưỡng có mối liên hệ mật thiết với ung thư. Nếu cơ thể bạn thiếu hụt chất xơ hay các loại vitamin như D, E,… thì lâu dần cũng có thể dẫn đến ung thư lưỡi.
2. Triệu chứng ung thư lưỡi giai đoạn đầu
Như đã đề cập ở trên, triệu chứng của ung thư lưỡi rất dễ bị nhầm lẫn với nhiệt miệng. Để có thể phát hiện sớm và không chủ quan trước căn bệnh này, bạn nên lưu ý những dấu hiệu dưới đây và đi khám chữa kịp thời:
– Đau lưỡi: Cảm giác đau ở lưỡi là dấu hiệu mà cơ thể chúng ta có thể nhận ra sớm nhất. Người bệnh sẽ thấy đau hơn khi nhai nuốt thức ăn.
– Bề mặt lưỡi xuất hiện mảng trắng: Theo thời gian, các mảng trắng ngày càng bám chắc vào da rồi lan rộng ra và gây chảy máu.
– Đau họng: Họng bị đau cũng là một trong những biểu hiện của bệnh ung thư lưỡi.
– Tê cứng lưỡi, đau tai, giọng nói thay đổi, thậm chí hôi miệng cũng có thể cảnh báo rằng bạn đã mắc ung thư lưỡi.
Các mảng trắng xuất hiện dày đặc ở lưỡi có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư
4. Các phương pháp thường dùng để điều trị ung thư lưỡi
Sau khi chẩn đoán chính xác tình trạng ung thư lưỡi, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh thực hiện một hoặc kết hợp các phương pháp điều trị sau:
4.1. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp thường được cân nhắc sử dụng đầu tiên khi điều trị cho bệnh nhân ung thư. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân ung thư lưỡi có thể được phẫu thuật triệt căn để có thể loại bỏ triệt để tế bào ung thư. Với phương pháp này, tùy theo vị trí và kích thước khối u mà bác sĩ sẽ quyết định cắt bỏ một phần lưỡi hoặc toàn bộ lưỡi.
Trong trường hợp bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn hơn, phẫu thuật thường được sử dụng kết hợp với xạ trị và hóa trị.
Phẫu thuật triệt căn là một trong những cách điều trị ung thư lưỡi hiệu quả nhất
4.2. Xạ trị
Xạ trị ung thư lưỡi thường được sử dụng khi ung thư đã lan rộng và không thể thực hiện phẫu thuật triệt căn hay xạ trị triệt căn như ở giai đoạn sớm. Xạ trị cũng có thể sử dụng bổ trợ sau phẫu thuật nhằm loại bỏ nốt những tế bào ung thư còn sót lại.
Có ba loại tổn thương ung thư lưỡi giai đoạn sớm có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật hoặc xạ trị, bao gồm ung thư thể nhú sùi, ung thư thể nhân và ung thư thể loét.
Xạ trị có thể được thực hiện áp sát, tác động trực tiếp lên vùng tổn thương thông qua các máy phát bức xạ năng lượng cao ở ngưỡng an toàn cho cơ thể. Thông thường, mỗi đợt xạ trị sẽ kéo dài liên tục trong vòng vài tuần và thực hiện hàng ngày.
4.3. Hóa trị
Ngoài phẫu thuật và xạ trị, một phương pháp khác cũng thường được sử dụng để điều trị ung thư lưỡi là hóa trị. Các loại thuốc hóa trị có thể được đưa vào cơ thể người bệnh qua đường toàn thân hoặc qua động mạch lưỡi.
Để tối ưu hiệu quả điều trị, bác sĩ sẽ cân nhắc thực hiện đơn hóa trị hoặc đa hóa trị tùy thuộc vào tình trạng cụ thể và khả năng đáp ứng của mỗi bệnh nhân.
Ung thư lưỡi có thể di căn và ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn bộ cơ thể nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Chính vì vậy, bạn cần nhận biết rõ những triệu chứng ung thư lưỡi ngay từ giai đoạn đầu để có phương án xử lý hiệu quả nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.