Ung thư tuyến tiền liệt là căn bệnh nguy hiểm ở nam giới nhưng chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng. Đừng bỏ lỡ bài viết dưới đây nếu muốn tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này bạn nhé!
1. Ung thư tuyến tiền liệt là gì?
Tuyến tiền liệt là bộ phận nằm ngay bên dưới cổ bàng quang, đây cũng là vị trí bắt đầu của niệu đạo trên cơ thể nam giới. Với khối lượng khoảng 20g, tuyến tiền liệt có vai trò góp phần sản sinh ra tinh dịch. Khi tuổi tác tăng cao, tuyến tiền liệt nếu phát triển quá lớn sẽ làm bế tắc đường tiểu. Tình trạng này còn được biết đến với tên gọi phì đại tiền liệt tuyến, thậm chí có thể dẫn đến ung thư.
Ung thư tuyến tiền liệt hay ung thư tiền liệt tuyến có thể coi là một trong những bệnh lý ung thư phổ biến nhất ở nam giới. Các tế bào ung thư xuất hiện và phát triển trong tuyến tiền liệt rồi dần di căn đến các cơ quan khác trên cơ thể như xương và các hạch bạch huyết.
Hình ảnh khối u trong tuyến tiền liệt ở nam giới
2. Nguyên nhân gây ung thư
Cho đến hiện tại, nguyên nhân gây ra ung thư tiền liệt tuyến vẫn chưa được khẳng định chính xác. Tương tự như các loại ung thư khác, sự xuất hiện bất thường và liên tục của các tế bào bị đột biến gen được xem là nguyên nhân chính gây nên căn bệnh này.
Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ đã được chứng minh là có thể ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh, bao gồm:
Tuổi tác
Nam giới càng lớn tuổi sẽ càng dễ mắc bệnh hơn.
Đối tượng dễ có khối u trong tuyến tiền liệt nhất chính là nam giới cao tuổi
Tiền sử bệnh của gia đình
Nếu trong gia đình từng hoặc đang có người mắc ung thư thì khả năng nam giới cao tuổi trong gia đình mắc bệnh cũng cao hơn.
Điều kiện làm việc
Những người thường xuyên phải tiếp xúc với các chất phóng xạ khi làm việc cũng có nguy cơ cao mắc ung thư.
Thói quen ăn uống
Tế bào ung thư sẽ dễ sản sinh trong tuyến tiền liệt nếu nam giới ăn nhiều thịt, mỡ động vật hoặc các loại thực phẩm giàu năng lượng.
Tiền sử của bản thân
Người bị phì đại tiền liệt tuyến, người đã từng thắt ống dẫn tinh và người thiếu vitamin D cũng là những đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư tiền liệt tuyến.
3. Triệu chứng ung thư ở tuyến tiền liệt
Ung thư ở tuyến tiền liệt cũng không biểu hiện rõ ở giai đoạn đầu. Cho tới khi khối u phát triển và to lên thì người bệnh mới có một số triệu chứng nhận biết sau:
3.1. Tiểu khó, tiểu rắt, tiểu đêm, đau khi đi tiểu
Niệu đạo được bao quanh bởi tuyến tiền liệt, do đó khi tuyến tiền liệt gặp vấn đề thì chức năng tiểu tiện và xuất tinh cũng bị ảnh hưởng theo.
– Cảm thấy buồn tiểu nhưng không đi được, hoặc dừng đột ngột khi đang đi tiểu.
– Rò rỉ nước tiểu mà không thể tự kiểm soát được.
– Buồn tiểu và đi tiểu nhiều vào ban đêm.
– Có cảm giác đau trong lúc tiểu do khối u chèn ép lên niệu đạo.
3.2. Máu lẫn trong nước tiểu
Triệu chứng này không phổ biến nhưng vẫn có những người bệnh bị lẫn các vệt máu màu hồng nhạt trong nước tiểu.
Nếu thấy nước tiểu lẫn máu thì bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác
3.3. Máu lẫn trong tinh dịch
Tương tự như nước tiểu, tinh dịch cũng có thể bị lẫn những vệt máu hoặc chuyển sang màu hồng nhạt nếu tuyến tiền liệt có khối u.
3.4. Khó duy trì cương dương
Khối u trong tuyến tiền liệt to dần lên sẽ khiến lưu lượng máu truyền đến dương vật bị chặn lại. Lúc này dương vật sẽ khó cương cứng cũng như khó duy trì sự cương cứng trong suốt một khoảng thời gian.
3.5. Thường xuyên thấy đau lưng dưới, hông và đùi trên
Ung thư tiền liệt tuyến tiến triển sẽ gây đau ở vùng lưng dưới, hông, đùi trên và xương chậu.
4. Điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt như thế nào?
Ở giai đoạn đầu, ung thư tiền liệt tuyến vẫn có thể chữa khỏi được. Với giai đoạn tiến triển, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp dựa trên tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng của mỗi bệnh nhân. Các phương pháp thường thấy có thể kể đến như:
4.1. Phẫu thuật
Nếu phát hiện ung thư ngay từ giai đoạn đầu, người bệnh sẽ được làm phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt. Nhờ vậy, các tế bào ung thư sẽ được loại bỏ hoàn toàn. Ngoài ra, một số cơ quan như túi tinh, bóng của ống dẫn tinh và hạch chậu cũng có thể được cắt bỏ nếu cần thiết.
4.2. Xạ trị
Xạ trị cho phép can thiệp làm giảm kích thước khối u khi đã bước sang giai đoạn muộn. Tuy nhiên, phương pháp chỉ được sử dụng với đối tượng phù hợp khi thực sự cần thiết.
4.3. Điều trị nội tiết
Phương pháp này sẽ giúp điều chỉnh nội tiết tố nam về mức thấp hơn, từ đó giảm bớt tốc độ phát triển của tế bào ung thư. Điều trị nội tiết có thể được tiến hành thông qua phẫu thuật tinh hoàn hoặc sử dụng các loại thuốc nội tiết.
Trong trường hợp ung thư đã di căn, có thể kết hợp điều trị nội tiết với xạ trị để tối ưu hiệu quả điều trị nếu cơ thể người bệnh vẫn đáp ứng được cả hai phương pháp.
Hy vọng bài viết trên đây về căn bệnh ung thư ở tuyến tiền liệt đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Chúng ta cũng cần ghi nhớ rằng ung thư càng khó điều trị nếu để càng lâu. Vì vậy hãy chủ động kiểm tra sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ để bảo vệ chính bản thân mình.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.