Trong số các bệnh ung thư phổ biến hiện nay thì ung thư gan là căn bệnh nguy hiểm hàng đầu bởi số ca mắc mới ngày một tăng cao mỗi năm. Không chỉ vậy, ung thư gan thường chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn nên tỉ lệ tử vong rất đáng báo động. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin cũng như hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư gan hiệu quả nhất.
1. Ung thư gan là gì?
Ung thư gan là bệnh lý hình thành khi các tế bào ung thư ác tính phát triển trong các mô ở gan. Ung thư gan bao gồm ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát, trong đó:
– Ung thư gan nguyên phát: tế bào ung thư chính xuất phát ở gan, được chia nhỏ thành các loại khác nhau, thường được đặt tên theo nguồn gốc khởi phát ung thư là loại tế bào gì.
– Ung thư gan thứ phát (ung thư gan di căn): tế bào ung thư chính bắt nguồn từ một vị trí khác trên cơ thể rồi xâm lấn và lắng đọng thứ phát hình thành tại gan.
2. Hướng dẫn chẩn đoán ung thư gan
Để xác định bệnh nhân có mắc ung thư gan hay không, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp chẩn đoán sau:
2.1. Khám lâm sàng
Trước hết, cần nắm được các yếu tố nguy cơ của ung thư gan như:
– Người bệnh từng nhiễm hoặc đã/đang điều trị nhiễm HBV và/hoặc HCV.
– Trong gia đình có người được chẩn đoán ung thư gan, từng nhiễm hoặc đã/đang điều trị nhiễm HBV và/hoặc HCV.
– Người bệnh từng được truyền máu hoặc sử dụng chung kim tiêm với người khác.
– Có tiền sử thường xuyên sử dụng thức uống có cồn.
– Từng tiếp xúc với các loại hóa chất hoặc độc tố.
Sau đó người bệnh sẽ được hỏi về các triệu chứng trên cơ thể:
– Đánh giá dấu hiệu sinh tồn và tình trạng vàng da niêm mạc.
– Khám tổng thể, khám bụng,đặc biệt là có sờ thấy gan to hay không.
2.2. Xét nghiệm dấu ấn ung thư gan
– Xét nghiệm miễn dịch: xét nghiệm Alpha – Fetoprotein (AFP) và xét nghiệm PIVKA II.
– Xét nghiệm sinh hóa và huyết học: xác định mức độ bất thường của các chỉ số trong công thức máu như (hồng cầu, huyết sắc tố , bạch cầu, công thức bạch cầu, bilirubin máu, transaminase, glucose máu, men arginase, men LDH).
Các chỉ số phân tích được từ mẫu máu của người bệnh có thể cảnh báo nguy cơ ung thư
2.3. Chẩn đoán hình ảnh
Siêu âm
– Là kỹ thuật được áp dụng rộng rãi vì chi phí thực hiện khá thấp, thủ thuật đơn giản, không gây ra tác dụng phụ và cho tỉ lệ chính xác cao.
– Phương pháp này có thể phát hiện khối u kích thước lớn hơn 1cm và tìm ra vị trí của khối u đó.
– Siêu âm còn có thể giúp phát hiện một số bệnh lý đi kèm như xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
– Siêu âm không thể cho biết bản chất khối u.
Chụp cắt lớp vi tính CT
Có giá trị chẩn đoán cao, độ chính xác có thể lên đến 90% với các khối u kích thước dưới 3cm.
Chụp cộng hưởng từ MRI
Độ chính xác rất cao, lên tới 97,5% với các khối u có đường kính trên 2cm. Chụp MRI có thể phát hiện được các tổn thương do xâm lấn tĩnh mạch trong gan.
2.4. Sinh thiết gan
Sinh thiết gan được thực hiện hằm xét nghiệm mô bệnh học, nhất là trong trường hợp nghi ngờ ung thư với các thương tổn khác.
– Chọc sinh thiết gan dưới hướng dẫn của siêu âm có ưu điểm là thuận tiện, ít tai biến và có tỉ lệ chính xác cao.
– Cũng có thể chọc sinh thiết gan qua nội soi ổ bụng hoặc dưới hướng dẫn của chụp CT. Tỉ lệ chẩn đoán chính xác của kỹ thuật này là trên 90%.
Ngoài ra, bác sĩ có thể cân nhắc một số phương pháp chẩn đoán khác như chụp X quang lồng ngực, chụp tĩnh mạch cửa, nội soi ổ bụng,…
Thực hiện sinh thiết gan dưới hỗ trợ của siêu âm là phương pháp chẩn đoán cần thiết và cho kết quả chính xác
3. Các phương pháp điều trị ung thư gan hiệu quả
Hiện nay, có khá nhiều phương pháp có thể mang đến hiệu quả cao trong điều trị ung thư gan. Tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của từng giai đoạn phát triển cũng như tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Dưới đây là những phương pháp điều trị ung thư gan phổ biến thường được các bác sĩ lựa chọn:
3.1. Phẫu thuật cắt bỏ một phần gan
Thường áp dụng với những người mắc ung thư gan giai đoạn sớm. Lúc này các tế bào ung thư chỉ mới khu trú ở một vị trí trong gan. Phương pháp này có thể mang đến 50-60% cơ hội sống cho người bệnh.
Tuy nhiên, phẫu thuật cắt bỏ một phần gan chỉ phù hợp với những bệnh nhân không có tiền sử xơ gan. Với đối tượng từng bị xơ gan, bác sĩ sẽ cân nhắc tình trạng bệnh lý rồi mới đưa ra quyết định có nên phẫu thuật hay không.
3.2. Cấy ghép gan
Phương pháp này mang lại hiệu quả điều trị cao nhất cho bệnh nhân ung thư gan. Lá gan của người bệnh sẽ được thay thế bằng một nửa lá gan khỏe mạnh từ người hiến tặng.
Cấy ghép gan được áp dụng khi khối u xuất hiện ở cả hai thùy gan hoặc một bên thùy gan nhưng thùy còn lại cũng bị suy yếu.
Sau khi được ghép gan, người bệnh có thể sống trên 4 năm hoặc lâu hơn mà không lo lắng về vấn đề tái phát ung thư. Tuy nhiên, việc tìm được lá gan tương thích với cơ thể người bệnh là rất khó, quá trình phẫu thuật cấy ghép gan cũng còn tồn tại một số rủi ro nhất định.
3.3. Xạ trị
Xạ trị ung thư gan có thể sử dụng kết hợp cùng hóa trị và phẫu thuật. Trong trường hợp khối u cư trú bên trong gan, không thể phẫu thuật thì bác sĩ có thể áp dụng xạ trị để giảm kích thước khối u. Đồng thời, xạ trị còn giúp tiêu diệt các tế bào ung thư bị sót lại sau phẫu thuật.
3.4. Hóa trị
Bằng cách đưa các loại thuốc hóa chất vào động mạch gan, các tế bào ung thư sẽ bị tiêu diệt từ từ. Bác sĩ có thể áp dụng hóa trị trước hay sau khi phẫu thuật hoặc xạ trị.
Một số loại thuốc thường được dùng trong điều trị ung thư gan là: thuốc chống phân bào, thuốc chống chuyển hóa 5 – Fluorouracil, Vincristin,…
Hóa trị có thể gây ra một số tác dụng phụ nên người bệnh cần chuẩn bị tâm lý để tránh hoang mang
3.5. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch hoạt động trên cơ chế kích thích hệ miễn
dịch tự gia tăng số lượng các tế bào có khả năng định vị và tiêu diệt tế bào ung thư, hạn chế tối đa sự phát triển và di căn của khối u. Phương pháp này có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho người bệnh, đồng thời cũng hạn chế các tác dụng phụ của những phương pháp điều trị khác.
Trên đây là một số hướng dẫn trong chẩn đoán và điều trị ung thư gan. Để nhận được kết quả chính xác nhất cũng như được xây dựng phác đồ điều trị ung thư gan phù hợp với mình, hãy đi khám ở các bệnh viện uy tín và trao đổi trực tiếp với các bác sĩ chuyên khoa bạn nhé.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.