Bệnh ung thư đại tràng gồm có 4 giai đoạn. Nếu được phát hiện ngay ở giai đoạn đầu, tỷ lệ sống của người bệnh sau 5 năm có thể lên đến 90%. Nếu phát hiện càng muộn (giai đoạn muộn) tiên lượng sống của người bệnh càng giảm. Nhận biết dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn đầu? Phương pháp điều trị là gì? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.
1. Thế nào là ung thư đại tràng giai đoạn đầu?
Ung thư đại tràng gồm có 4 giai đoạn (từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 4). Giai đoạn 1 còn gọi là giai đoạn đầu, đây là giai đoạn sớm nhất của ung thư đại tràng. Lúc này các tế bào ung thư vẫn chỉ giới hạn bên trong đại tràng và phát triển trong các lớp niêm mạc và cận niêm mạc đại tràng. Chính vì vậy ở giai đoạn này còn gọi là ung thư thư biểu mô tại chỗ.
Từ giai đoạn 2 trở đi các tế bào ung thư đã bắt đầu lan ra ngoài đại tràng, di căn tới các khu vực khác trong đại tràng, di căn đến các hạch bạch huyết lân cận (giai đoạn 3) và di căn tới các cơ quan khác của cơ thể (giai đoạn 4 – giai đoạn cuối).
Ung thư đại tràng gồm có 4 giai đoạn (từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 4), giai đoạn 1 còn gọi là giai đoạn đầu.
2. Ung thư đại tràng giai đoạn đầu sống được bao lâu?
Ung thư đại tràng giai đoạn đầu thường phát triển chậm hơn và có tiên lượng sống tốt hơn. Nếu được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời như: phẫu thuật dự phòng bệnh (cắt bỏ các thương tổn tiền ung thử để hệ thấp tỷ lệ mắc bệnh), phẫu thuật điều trị ung thư (phẫu thuật triệt căn và tạm thời), xạ trị, hóa trị tiên lượng sống trên 5 năm của người bệnh ung thư đại tràng giai đoạn đầu lên đến 90%. Tiên lượng sống căn cứ vào mức độ của ung thư, càng phát hiện ở các giai đoạn muộn tiên lượng sống của người bệnh càng giảm (giai đoạn 2 khoảng 80-83%, giai đoạn 3 khoảng 60%, giai đoạn 4 khoảng 11%).
3. Dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn đầu
Như đã nói ở trên, giai đoạn đầu bệnh ung thư đại tràng thường phát triển chậm, nên các dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn đầu thường khó nhận biết. Người bệnh dễ nhầm lẫn dấu hiệu ung thư đại tràng với các biểu hiện của bệnh lý đường ruột thông thường nên hay chủ quan, bỏ qua, dẫn đến việc phát hiện bệnh muộn và hiệu quả điều trị không cao.
Sau đây là một số dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn đầu bạn cần biết:
– Rối loạn tiêu hóa kéo dài: đau tức vùng bụng, táo bón, tiêu chảy
– Phân thay đổi bất thường
– Có máu trong phân
– Mệt mỏi, chán ăn
– Giảm cân
Nếu có các biểu hiện này bạn tuyệt đối không được chủ quan, hãy đi thăm khám với bác sĩ để được chẩn đoán đúng, loại trừ các bệnh lý có liên quan, có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời trước tránh biến chứng nguy hiểm.
Rối loạn tiêu hóa kéo dài là một dấu hiệu của bệnh ung thư đại tràng.
4. Tầm soát ung thư đại tràng bằng cách nào?
4.1 Xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT)
Một trong các dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn đầu có thể ở cả các giai đoạn sau đó là đi đại tiện có máu ở trong phân.
Hầu hết bệnh ung thư đại tràng bắt nguồn từ polyp đại tràng. Các mạch máu của polyp hoặc khối u đại trực tràng rất dễ bị tổn thương gây chảy máy, máu dính vào phân khi phân đi qua. Nếu chảy máu nhiều có thể người bệnh sẽ nhìn thấy phân có máu, nếu chảy ít thì bằng mắt thường người bệnh có thể không phát hiện ra, do đó cần làm xét nghiệm tìm máu trong phân.
Nếu xét nghiệm này dương tính (có máu trong phân) các bác sĩ cần chỉ định nội soi đại trực tràng ống mềm để kiểm tra. Thường áp dụng đối với trẻ nhỏ, người cao tuổi, người mắc các vấn đề khó nội soi đại tràng được ngay.
Với người bình thường, sức khỏe không có vấn đề, các bác sĩ có thể chỉ định nội soi đại tràng luôn để kiểm tra. Đây là cách kiểm tra có độ chính xác cao nhất, đánh giá tình trạng của trực tràng và phát hiện những tổn thương: viêm, loét, polyp, ung thư đại tràng (nếu có).
4.2 Nội soi đại tràng
Qua nội soi bác sĩ có thể quan sát toàn bộ khung đại tràng và trực tràng. Đánh giá tình trạng niêm mạc đại trực tràng, phát hiện polyp đồng thời cắt bỏ polyp, sinh thiết mẫu mô để tìm kiếm xem có tế bào ung thư hay không. Bên cạnh việc phát hiện polyp, cắt bỏ, nội soi đại tràng còn giúp phát hiện các bệnh lý khác ở đại tràng và trực tràng.
Nội soi đại tràng có thể quan sát toàn bộ khung đại tràng và trực tràng, phát hiện tổn thương ở đại tràng như viêm, loét, ung thư.
5. Những ai nên sàng lọc ung thư đại tràng?
Ung thư đại tràng là loại ung thư đường tiêu hóa thường gặp, có tỷ lệ người mắc và tử vong khá cao. Chính vì vậy, bạn không được chủ quan trước các biểu hiện bất thường của cơ thể. Các bác sĩ khuyến cáo đối tượng sau nên thực hiện sàng lọc ung thư đại trực tràng:
– Người trên 50 tuổi.
– Người có tiền sử bị ung thư đại trực tràng hoặc đa polyp.
– Người có tiền sử viêm ruột như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn.
– Người có tiền sử gia đình bị ung thư đại trực tràng, hội chứng đa polyp, hội chứng Lynch.
Bệnh ung thư đại tràng nếu được phát hiện sớm có thể điều trị thành công, vì vậy hãy đến chuyên khoa ung bướu hoặc chuyên khoa tiêu hóa để được kiểm tra, sàng lọc và phát hiện nguyên nhân, có phác đồ điều trị hiệu quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.