Ung thư vòm họng di căn phổi là tình trạng bệnh đã tiến triển sang giai đoạn cuối. Đây là giai đoạn nặng và có tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên nếu điều trị tích cực, đúng phương pháp ở giai đoạn này, cơ hội sống của người bệnh sẽ được tăng cao.
Biểu hiện của ung thư vòm họng di căn phổi
Thông thường ở giai đoạn đầu, các tế bào ung thư vòm họng không có biểu hiện đặc biệt, mơ hồ và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác. Vì thế mà nhiều người chủ quan không phát hiện sớm mình mắc bệnh.
Ung thư vòm họng di căn phổi sẽ gây ra các triệu chứng như đau tức ngực, khó thở, ho ra máu…
Khi các tế bào ung thư đã tiến triển sang giai đoạn cuối, chúng phát triển rất nhanh và xâm lấn, di căn sang nhiều cơ quan khác trong cơ thể như não, tai, mắt, xương, phổi…
Với ung thư vòm họng di căn phổi, dấu hiệu thường thấy là người bệnh thường ho có đờm và lẫn máu, thường xuyên đau tức ngực, khó thở. Lúc này các tế bào ung thư đã xâm lấn ra phổi và ngoài phổi khiến hệ hô hấp của người bệnh gặp khó khăn.
Ngoài ung thư vòm họng di căn sang phổi, người bệnh còn có thể thấy:
- Xuất hiện hạch bạch huyết: khi ung thư vòm họng di căn vào các hạch bạch huyết sẽ khiến các tế bào này sưng phồng tạo thành hạch. Hạch cứng và không đau nhưng có thể bị vỡ, chảy máu và gây đau
- Di căn vào khoang mũi: ung thư vòm họng di căn sang mũi có thể khiến người bệnh tắc nghẽn hai bên mũi, thường xuyên chảy máu cam.
- Di căn lên tai: khối u xâm lấn lên vòi nhĩ khiến người bệnh bị ù tai kéo dài và điếc vĩnh viễn.
- Di căn lên não: khối u di căn lên não gây triệu chứng tê bì mặt, sệ mí mắt, lác mắt, đau nhức đầu.
Khi các tế bào ung thư vòm họng di căn, chúng sẽ ảnh hưởng tới hạch bạch huyết, xương, não và các cơ quan khác
- Di căn xương: người bệnh thường xuyên đau nhức xương khớp, xương giòn và dễ nứt gãy.
Khi tế bào ung thư di căn sang nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể chứng tỏ bệnh đã tới giai đoạn nặng. Việc điều trị lúc này gặp khó khăn và phức tạp hơn, cần sự kiên trì của người bệnh. Tùy vào tình trạng sức khỏe, độ tuổi và mức độ di căn của bệnh trong cơ thể, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp chữa trị phù hợp.
Cách điều trị ung thư vòm họng di căn phổi
Ở giai đoạn ung thư vòm họng di căn, phương pháp điều trị chủ yếu thường được áp dụng là xạ trị, hóa trị và phẫu thuật.
Phương pháp phẫu thuật hầu như không được áp dụng, hoặc chỉ được sử dụng để nạo vét hạch cổ. Lý do là ở giai đoạn này, các tế bào ung thư đã di căn xa sang nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể nên việc phẫu thuật cũng không đạt hiệu quả.
Hóa trị và xạ trị được ưu tiên sử dụng. Bác sĩ thường áp dụng phương pháp hóa trị đơn độc hoặc hóa trị kết hợp với xạ trị để giảm những đau đớn của bệnh nhân trong giai đoạn cuối. Ngoài ra, người bệnh được sử dụng các loại thuốc giảm đau để tăng chất lượng sống của bệnh nhân ung thư vòm họng di căn. Tuy vậy, tỷ lệ sống sau 5 năm cũng rất thấp.
Điều trị ung thư vòm họng di căn phổi cần phải kết hợp hóa trị và xạ trị nhằm tăng hiệu quả của quá trình điều trị bệnh
Cũng giống như các vị trí di căn khác, cách điều trị ung thư vòm họng di căn phổi cũng cần sử dụng kết hợp các phương pháp nêu trên. Đồng thời người bệnh cần được chăm sóc giảm nhẹ để giảm dần triệu chứng đau tức ngực, khó thở, khó nuốt khi bị ung thư vòm họng di căn phổi.
Bên cạnh đó, người bệnh cần chú ý tới chế độ ăn uống, sinh hoạt và nghỉ ngơi hàng ngày để cải thiện sức khỏe.
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ăn thực phẩm mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa, thực phẩm ít gia vị cay nóng, không chứa axit hoặc các chất có thể gây kích ứng vòm họng như rượu, bia…
- Tập luyện thể dục thể thao bằng những bài tập nhẹ nhàng, tốt cho sức khỏe, tập nói và nuốt để việc phát âm và ăn uống dễ dàng hơn.
- Bệnh nhân ung thư vòm họng cũng nên giữ cho mình một tinh thần thoải mái, lạc quan, bình tĩnh và tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.
- Tái khám và kiểm tra theo đúng lịch hẹn
Điều trị ung thư vòm họng di căn cần có sự kiên trì của người bệnh. Đồng thời người nhà nên quan tâm, động viên, chia sẻ gánh nặng tâm lý để người bệnh vượt qua bệnh tật, kéo dài sự sống.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.