Cuộc sống hiện đại cuốn đi rất nhiều thời gian, đôi khi chị em chỉ vì chủ quan mà bỏ qua các triệu chứng bất thường của cơ thể, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc. Bài viết này xin giới thiệu tới độc giả những dấu hiệu ung thư cổ tử cung mà nữ giới tuyệt đối không nên coi thường.
7 dấu hiệu ung thư cổ tử cung phụ nữ nhất thiết phải biết
Trên toàn cầu ước tính cứ 2 phút có một phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung. Tại Mỹ, có khoảng 12.340 trường hợp ung thư cổ tử cung ở Mỹ mỗi năm. Đáng buồn là khoảng 4.000 phụ nữ chết bởi căn bệnh này vì không kịp thời phát hiện những triệu chứng bệnh ở giai đoạn đầu và điều trị kịp thời. Tại Việt Nam, có khoảng 5000 ca mắc mới mỗi năm. Và đa số cũng phát hiện ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị trở nên khó khăn, tiên lượng thấp.
Đa số các trường hợp ung thư cổ tử cung phát hiện ở giai đoạn muộn
Để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, nâng cao cơ hội chữa khỏi bệnh và hạn chế tối đa các biến chứng, cách tốt nhất là tầm soát ung thư cổ tử cung. Bên cạnh đó, chị em cần theo dõi cơ thể mỗi ngày, nếu thấy các dấu hiệu nghi ngờ ung thư cổ tử cung dưới đây, cần thăm khám ngay:
Chảy máu bất thường
Một trong những dấu hiệu cảnh báo phổ biến nhất của ung thư cổ tử cung là chảy máu âm đạo bất thường (chảy máu âm đạo ở những ngày không phải chu kì kinh nguyệt). Tuy nhiên, mức độ chảy máu có thể khác nhau với mỗi người phụ nữ, có người chảy máu nhiều nhưng cũng có người chảy máu ít. Chảy máu âm đạo thường xảy ra sau quan hệ tình dục, giữa chu kỳ kinh nguyệt, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn hoặc ra máu nhiều hơn, chảy máu ở thời kì mãn kinh, chảy máu sau khi thụt rửa hoặc khám phụ khoa là dấu hiệu hay gặp ở ung thư cổ tử cung.
Đau vùng chậu, lưng hoặc chân
Đau khi quan hệ tình dục, đau vùng chậu hoặc đau lưng, đặc biệt là ở khu vực lưng dưới cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung. Một số trường hợp người bệnh còn thấy hai chân sưng phù và đau nhức do tử cung bị căng phồng chèn ép máu không đến được tứ chi. Tuy nhiên ít người nghĩ biểu hiện này liên quan đến ung thư cổ tử cung nên khó để chẩn đoán và phát hiện kịp thời.
Xem ngay: Cách đơn giản giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung
Dịch âm đạo tiết bất thường
Nếu bạn nhận thấy dịch âm đạo của mình bỗng nhiên tiết ra nhiều, có thể lẫn máu, có màu vàng… cần thăm khám ngay
Bình thường dịch tiết âm đạo có màu trong suốt, hơi đặc hoặc trong, dính, số lượng ít và không chảy ra ngoài. Màu sắc dịch âm đạo có thể từ trắng trong tới trắng sữa, tùy thuộc vào thời gian chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy dịch âm đạo của mình bỗng nhiên tiết ra nhiều, có thể lẫn máu, có màu vàng, xuất hiện giữa kỳ kinh hoặc sau mãn kinh… thì có thể đó là dấu hiệu của bệnh ung thư cổ tử cung.
Chu kỳ kinh nguyệt thay đổi
Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt không rõ nguyên nhân là kết quả của sự thay đổi cân bằng hoócmon trong cơ thể. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc cổ tử cung bị kích thích do các tế bào ung thư khiến cho quá trình phát triển và rụng trứng bị thay đổi bất thường. Khi bị trễ kinh hoặc kinh nguyệt kéo dài, có kèm máu đen sẫm… chị em hãy đi khám ngay.
Thay đổi thói quen tiểu tiện
Khi tế bào ung thư cổ tử cung phát triển mạnh và bắt đầu lan rộng ra các bộ phận khác thì thói quen tiểu tiện cũng có thể bị thay đổi một cách bất thường. Một số thay đổi thường thấy như: Có máu khi tiểu tiện, đau khi tiểu, rò rỉ nước tiểu khi hắt hơi/ho…
Giảm cân không rõ nguyên nhân
Giảm cân đột ngột mà không phải do tập luyện hay ăn kiêng có thể cảnh báo ung thư cổ tử cung
Nếu mất đến 5 hoặc 10% cân nặng trong vòng sáu tháng trong khi bạn không cố giảm cân, thì hãy đi khám bác sĩ. Đây có thể là dấu hiệu ung thư cổ tử cung hoặc nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
Mệt mỏi kéo dài
Bệnh nhân ung thư cổ tử cung thường xuyên cảm thấy mệt mỏi. Lý do bởi dấu hiệu ra máu âm đạo bất thường có thể làm giảm lượng hồng cầu và oxy trong cơ thể, khiến bạn luôn cảm thấy kiệt sức. Nếu bạn đang bị suy nhược cơ thể, bác sĩ sẽ kiểm tra lượng sắt và hồng cầu. Tình trạng sưng cổ tử cung cũng nén dạ dày, làm bệnh nhân không còn muốn ăn uống dẫn đến cơ thể mệt mỏi, suy nhược.
Để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, chị em cần tiêm phòng virus HPV; có chế độ ăn uống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu; quan hệ tình dục an toàn… Ngoài ra, cần tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ nhằm phát hiện sớm các bất thường, tổn thương tiền ung thư từ đó điều trị kịp thời, ngăn ngừa tiến triển thành ung thư.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.