HPV (Human Papillomavirus) là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất. HPV được coi là thủ phạm chính gây bệnh ung thư cổ tử cung và tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư khác mặc dù không phải tất cả các loại HPV đều gây ung thư.
HPV lây nhiễm chủ yếu qua đường tình dục, kể cả tiếp xúc tay với bộ phận sinh dục hoặc quan hệ tình dục bằng miệng, hậu môn, âm đạo. Trong số trên 100 loại HPV được tìm thấy thì có tới 40 loại có khả năng gây mụn cóc vùng hậu môn sinh dục và 15 loại có khả năng gây ung thư. Một số loại vi rút HPV nguy cơ cao bao gồm: HPV 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45…
HPV – thủ phạm những bệnh ung thư nào?
1. Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phụ khoa phổ biến nhất ở nữ giới. Thống kê về tỷ lệ ca mắc bệnh lý ác tính này cho thấy bệnh vẫn không ngừng gia tăng. Với đà tăng như hiện tại, ước tính đến năm 2020, nước ta sẽ có khoảng 16 nghìn nữ giới mắc căn bệnh ác tính này, gấp khoảng 3,2 lần so với thời điểm năm 2000.
HPV 16, HPV 18 có ở trên 70% ca mắc ung thư cổ tử cung
HPV được xác định là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung khi có tới trên 90% ca mắc bệnh có sự hiện diện của loại vi rút này, đặc biệt là loại vi rút HPV 16 và HPV 18.
Ngoài HPV, còn có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh khác như sinh con khi độ tuổi còn quá trẻ, lạm dụng thuốc tránh thai, quan hệ tình dục không an toàn…
Hãy cảnh giác với một số triệu chứng bệnh ung thư cổ tử cung như chảy máu âm đạo bất thường, đau vùng chậu, dịch âm đạo bất thường…
Bạn nên biết: Vi khuẩn HP lây qua đường nào
2. Ung thư âm hộ
Ung thư âm hộ bắt đầu ở trong âm môn sau đó ảnh hưởng đến môi âm hộ, các nếp gấp da bên ngoài âm đạo. Bệnh có thể gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau, chủ yếu là ở nữ giới lớn tuổi, trên 65 tuổi.
HPV là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư âm hộ. Ngoài ra, suy giảm hệ miễn dịch, hút thuốc lá… cũng tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư này.
Một số triệu chứng cảnh báo bệnh ung thư âm hộ là:
- Ngứa rát âm đạo
- Chảy máu ngoài kì kinh
- Vùng da quanh âm môn dày lên, xuất hiện nhiều vệt có màu lạ như xám, trắng…
- Đau khi quan hệ hay khi đi tiểu
- Dịch có mùi bất thường…
3. Ung thư âm đạo
Ung thư âm đạo xảy ra khi có sự phát triển bất thường ở âm đạo, ống cơ nối tử cung với bộ phận sinh dục ngoài. Bệnh có cơ hội điều trị tốt ở giai đoạn sớm.
Một số triệu chứng cảnh báo ung thư âm đạo gồm:
hãy cảnh giác với triệu chứng đau vùng chậu kéo dài
- Đau vùng chậu
- Chảy máu âm đạo bất thường
- Đau khi đi tiểu
- Táo bón…
4. Ung thư dương vật
Ung thư dương vật phổ biến ở nam giới, thường gặp ở độ tuổi trên 60 tuổi. Bệnh thường xảy ra ở nam giới không cắt bao quy đầu, có bựa sinh dục, hút thuốc lá, quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ với nhiều bạn tình…
Bệnh có 4 giai đoạn phát triển, phát hiện và điều trị bệnh càng sớm, cơ hội điều trị thành công cho bệnh nhân ung thư càng cao. Theo đó, cơ hội sống tốt nhất cho người bệnh có thể lên tới 85%.
5. Ung thư miệng
Ung thư miệng có thể xảy ra ở bất kì bộ phận nào tạo nên miệng như môi, lợi, lưỡi, bên trong lót của má, vòm miệng, sàn miệng.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, có khoảng 25% ca mắc ung thư khoang miệng có liên quan đến vi rút HPV. Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh là thuốc lá, rượu bia, hệ miễn dịch suy yếu, chế độ dinh dưỡng nghèo nàn…
Một số triệu chứng cảnh báo bệnh ung thư miệng:
- Đau lưỡi
- Vết loét lâu lành trên miệng
- Nuốt khó, đau khi nuốt thức ăn
- Răng yếu…
6. Ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng phổ biến ở nam giới hơn nữ giới, thường gặp ở những người độ tuổi 40 – 60 tuổi.
Nhiễm vi rút HPV, EBV, chế độ ăn thiếu rau xanh, hoa quả tươi, sử dụng nhiều thực phẩm lên men như dưa chua… có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Tiêm phòng vắc xin HPV giảm khả năng lây nhiễm HPV
Một điều đáng lo ngại là HPV có thể không gây ra bất kì triệu chứng nào ở người mắc. Vì vậy, khám sức khỏe và sàng lọc ung thư định kì là việc làm cần thiết, đặc biệt với những người thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao. Nữ giới có thể phòng ngừa loại vi rút này bằng cách tiêm phòng vắc xin, vắc xin phòng HPV được đánh giá là an toàn và hiệu quả, khuyến khích cho nữ giới độ tuổi 9 – 26 tuổi.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.