Theo Báo điện tử Afamily [Theo báo cáo tại hội nghị khoa học quốc tế về phòng chống ung thư, đây là 5 dạng ung thư nguy hiểm nhất đối với Phụ nữ. Số ca tử vong do ung thư hằng năm tại Việt Nam lên đến 82.000 trường hợp… Xem thêm]
Số ca tử vong do ung thư hằng năm tại Việt Nam lên đến 82.000 trường hợp. Tỉ lệ tử vong/mắc bệnh lên đến 73,5% đứng hàng thứ hai trên thế giới vì bệnh thường thường được phát hiện muộn vào giai đoạn sau. Vậy triệu chứng của các bệnh ung thư này như thế nào? Làm thế nào để phát hiện sớm?
5 bệnh ung thư có tỷ lệ mắc và tử vong rất cao ở nữ.
Theo PGS.TS.BS Đoàn Hữu Nghị – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K- hiện là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc: “5 bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất ở nữ là: ung thư phổi, ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư cổ tử cung và ung thư buồng trứng do những loại ung thư này có thời gian ủ bệnh lâu, không có biểu hiện rõ ràng tại giai đoạn đầu nên rất khó phát hiện. Trong khi đó, người dân Việt Nam thường không có ý thức trong việc khám sức khỏe định kì, để tầm soát các nguy cơ, triệu chứng bệnh tiềm ẩn. Nên đến khi có biểu hiện bệnh rõ ràng mới đến khám, thì đã bước sang ung thư giai đoạn cuối, cơ hội sống là rất thấp. Ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Trong một số trường hợp như ung thư vú, ung cổ tử cung, ung thư buồng trứng thì cơ hội sống lên đến 93%”.
Ung thư phổi
Ung thư phổi đứng đầu về tỷ lệ tử vong do ung thư ở cả nam và nữ (chiếm khoảng 26% trong số các loại ung thư). Nguyên nhân là do bệnh thường khó phát hiện sớm (khi cơ hội chữa trị là tốt nhất), và điều trị khó khăn hơn. Mặc dù tỷ lệ sống đã tăng lên trong những năm qua nhờ phương pháp điều trị cải thiện, nhưng tỷ lệ sống vẫn còn thấp hơn các bệnh ung thư khác. Phát hiện sớm là chìa khóa của sự sống còn, bởi tỷ lệ sống sau 5 năm nếu chẩn đoán ở giai đoạn đầu là khoảng 50%, nhưng ở giai đoạn cuối chỉ còn 16%.
Hút thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn tới ung thư phổi ở nam giới. Tuy nhiên, ở nữ giới – những người thậm chí chưa bao giờ hút thuốc, nguyên nhân chủ yếu là tiếp xúc với khói thuốc lá gián tiếp. Triệu chứng cảnh báo ung thư phổi bao gồm: ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, đau ngực, vv… Mặc dù vậy, ung thư phổi rất ít khi gây ra triệu chứng sớm. Đa số người bệnh phát hiện muộn và không còn khả năng chữa trị. Hiện nay, có các chương trình tầm soát ung thư phổi được khuyến khích cho những người trên 40 tuổi, hoặc người ít tuổi hơn nhưng hút thuốc lá, hay tiếp xúc với khói thuốc nhằm giúp phát hiện sớm, tăng cơ hội điều trị thành công.
Ung thư vú
Ung thư vú chiếm tỷ lệ tử vong thứ 2 do ung thư ở phụ nữ.
Ung thư vú là bệnh ung thư ở phụ nữ thường gặp nhất và tỷ lệ tử vong cao nếu như phát hiện muộn. Triệu chứng cảnh báo ung thư vú bao gồm: Có khối u trong vú hoặc gần vú, vú sưng to, da lồi lõm, co rút, núm vú tụt vào trong, núm vú tiết dịch hoặc máu, vv…
90 – 100% bệnh nhân ung thư vú có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Hiện nay, tỷ lệ tử vong do ung thư vú đang giảm dần nhờ những tiến bộ trong điều trị ung thư cũng như các chương trình tầm soát ung thư vú, giúp phát hiện bệnh sớm. Tầm soát ung thư vú được khuyến khích cho những người từ 25 tuổi trở lên bằng các phương pháp như khám vú lâm sàng, siêu âm vú, chụp X-quang tuyến vú. Tuy nhiên tại Việt Nam, trên 70% người bệnh ung thư đến viện ở giai đoạn muộn nên tỷ lệ chữa khỏi bệnh thấp hơn so với các nước trên thế giới. Mỗi năm Việt Nam có thêm 12.000 cac mắc mới ung thư vú. Do vậy việc lắng nghe sự thay đổi của cơ thể mình, chủ động khám sức khỏe định kì để bảo vệ mình là cần thiết.
Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là loại hay gặp ở các nước phát triển, tỷ lệ mắc đứng hàng thứ hai sau ung thư phổi. Ung thư đại trực tràng cũng rất khó phát hiện sớm, do triệu chứng thường chỉ xảy ra ở giai đoạn muộn. Các triệu chứng thường liên quan đến sự thay đổi thói quen đại tiện như tiêu chảy, táo bón thường xuyên, hoặc đan xen, có máu trong phân, phân màu đen, vv…Việc chẩn đoán muộn có thể gây tử vong. Mặc dù vậy, ung thư đại trực tràng có tiên lượng khá tốt, là bệnh có khả năng phòng và phát hiện sớm cũng như điều trị thành công tới trên 90% nếu như tầm soát ung thư định kỳ bằng các phương pháp, chẳng hạn như nội soi đại tràng. Hiện nay, tầm soát ung thư đại trực tràng được khuyến khích cho những người trên 40 tuổi, hoặc sớm hơn nếu có nguy cơ mắc bệnh cao, chẳng hạn như gia đình có tiền sử ung thư đại trực tràng, hội chứng đa polyp tuyến có tính gia đình, bệnh viêm ruột, vv…
Ung thư cổ tử cung
Trung bình mỗi ngày tại Việt nam có 9 người chết vì ung thư cổ tử cung, trong khi bệnh ung thư này không thường gặp ở các nước phát triển. Nguyên nhân là do tại các nước phát triển, việc tiêm phòng HPV – nguyên nhân chủ yếu dẫn tới ung thư cổ tử cung và sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Papsmear rất được chú trọng. Sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ (từ 21 tuổi trở lên) có thể giúp phát hiện ung thư cổ tử cung từ giai đoạn rất sớm và điều trị thành công từ 90-100%.
Triệu chứng cảnh báo ung thư cổ tử cung thường bao gồm: chảy máu bất thường ở âm đạo (sau mãn kinh, sau quan hệ tình dục, sau thăm khám phụ khoa, vv…), đi tiểu bị đau hoặc khó tiểu, đau khi quan hệ tình dục, một bên chân bị sưng, vv… Tuy nhiên, bệnh thường không biểu hiện sớm nên tầm soát ung thư định kỳ là biện pháp tốt nhất giúp phòng và phát hiện sớm.
Ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng thường là một căn bệnh ngầm trong giai đoạn đầu, nghĩa là nhiều phụ nữ không có triệu chứng nào. Nếu các triệu chứng xuất hiện thường khó nhận thấy do lẫn với các bệnh cơ bản khác như đầy bụng, khó tiêu, đau vùng chậu…Do vậy, việc chủ động tầm soát ung thư buồng trứng định kì trong độ tuổi từ 20 trở lên để phát hiện ra các mầm bệnh tiềm ẩn sớm nhất đang trở thành cách sống mới của người phụ nữ hiện đại.
Gần đây, các chương trình sàng lọc đã được nhiều chuyên gia quan tâm và xây dựng giúp người dân phát hiện sớm ung thư. (Ảnh PGS.TS.Thầy thuốc nhân dân Đoàn Hữu Nghị)
Ung thư sẽ không còn là bản án tử hình nếu được phát hiện sớm và chữa trị đúng hướng, kịp thời. Để tìm hiểu cách phát hiện sớm ung thư, mời độc giả xem thêm Tại Đây
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.