U nang buồng trứng thuộc nhóm bệnh lý có thể cải thiện bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, với những khối u thực thể và có khả năng phát triển, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh, việc điều trị bằng phương pháp phẫu thuật là cần thiết. Phẫu thuật giúp loại bỏ hoàn toàn khối u, hạn chế những tác động, biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, các vấn đề của u nang buồng trứng phẫu thuật, chỉ định và quy trình ra sao thì người bệnh có thể chưa nắm rõ.
1. Một số trường hợp u nang buồng trứng phẫu thuật
Những khối u nang buồng trứng được hiểu như những túi dịch, hoặc các mô đặc bất thường phát triển trên buồng trứng. Thông thường, những khối u này có thể xuất hiện và gây ảnh hưởng tới đối tượng phụ nữ độ tuổi sinh nở và tiền mãn kinh. Bởi vậy, theo các bác sĩ chuyên khoa, u nang buồng trứng có quan hệ mật thiết với sự rối loạn của hệ nội tiết, cụ thể là các hormone nội tiết estrogen và progesterone.
Những loại u nang buồng trứng có thể gặp thường gồm:
– Dạng u cơ năng: U nang buồng trứng cơ năng thường khá phổ biến. Chị em thường không nhận thấy triệu chứng bất thường, hoặc triệu chứng không quá rõ. U có thể tiêu biến tùy theo tình trạng cơ địa thực tế. Tuy nhiên, việc theo dõi thường xuyên vẫn cần được triển khai.
– U quái: U quái thường có cấu trúc đặc, gồm các mô, da, tóc. Những u này có khả năng phát triển liên tục trong cơ thể, nhất là khi phụ nữ ở trong độ tuổi sinh sản. U quái có thể đạt tới kích thước “khủng” và kèm theo đó là nhiều hệ quả nghiêm trọng.
– U nang tuyến: Những nang tuyến thường phát triển trên các vị trí bên mặt ngoài buồng trứng. Tuy kích thước của chúng khá lớn nhưng đa phần đều lành tính.
– U lạc nội mạc tử cung: Các mô tử cung lạc nội mạc có thể bám vào bất kỳ vị trí nào, kể cả buồng trứng. Vì vậy, u lạc nội mạc tử cung cũng có nguy cơ xuất hiện khá cao.
Những khối u nang buồng trứng được hiểu như những túi dịch, hoặc các mô đặc bất thường phát triển trên buồng trứng
Đa phần những trường hợp u nang buồng trứng đều lành tính. Tuy nhiên, khả năng tiến triển hay trở thành u ác tính là không thể coi thường. Do vậy, nhiều trường hợp u nang buồng trứng cần phải mổ, điển hình như:
– U có cuống dài, phát triển dẫn đến xoắn tại cuống nang hoặc xoắn tại buồng trứng.
– Nhiễm khuẩn do u nang bị vỡ. Một vài trường hợp khác, u nang có cuống xoắn và to nhanh, khiến chúng bị dính vào những cơ quan lân cận và gây viêm.
– U to lên nhanh chóng, chèn ép trực tràng, niệu quản, bàng quang, gây rối loạn hoạt động, chức năng của những bộ phận này.
– U phát triển và biến chứng, làm ảnh hưởng đến chức năng, hoạt động của buồng trứng, gây vô sinh hay hiếm muộn.
– Những khối u nang có vách, thành hoặc có chồi, nhú thường có nguy cơ phát triển thành u ác tính.
2. Bị u nang buồng trứng phẫu thuật khi nào? Có nguy hiểm không?
Có rất nhiều yếu tố cần xem xét để kết luận có cần phẫu thuật u nang buồng trứng không. Trước hết, khi phát hiện một số dấu hiệu, triệu chứng bất thường, chị em cần tới ngay các cơ sở y tế để thăm khám và nhận chỉ định từ bác sĩ. Cẩn thận hơn, chị em có thể thăm khám định kỳ 6 tháng/lần.
2.1. Phụ nữ bị u nang buồng trứng phẫu thuật khi nào?
Những khối u nang cơ năng, kích thước nhỏ thì việc phẫu thuật để điều trị là chưa cần thiết. Ngoài ra, chị em cũng có thể căn cứ vào những yếu tố sau để biết khối u của mình có cần loại bỏ bằng phương pháp phẫu thuật không.
Phụ nữ bị u nang buồng trứng phẫu thuật khi nào? Khi những khối u không ngừng phát triển và gây ảnh hưởng tới sức khỏe
– Theo dõi và chẩn đoán, phát hiện khối u phát triển lớn và có kèm theo biến chứng. Lúc này, việc phẫu thuật cần được thực hiện nhanh chóng.
– Kích thước u nang vượt quá 40mm.
– U nang liên tục chèn ép các bộ phận lân cận.
– U nang buồng trứng có hiện tượng xoắn hoặc vỡ.
– U nang vẫn tăng kích thước mặc dù người bệnh đã bước sang thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh.
– Khối u được xếp vào loại khả năng bị ung thư hóa.
2.2. Bị u nang buồng trứng phẫu thuật liệu có nguy hiểm?
Không có cuộc phẫu thuật nào không tồn tại những rủi ro nhất định. Mặc dù phẫu thuật u nang buồng trứng không quá phức tạp, tuy nhiên vẫn không loại trừ những vấn đề có thể xảy ra như: Nhiễm trùng, chảy máu, tổn thương ruột và bàng quang, dính, tắc ruột, sẹo cứng sau mổ, suy buồng trứng,…
Do đó, bệnh nhân càng không thể xem nhẹ việc khám và kiểm tra kỹ lưỡng trước phẫu thuật u nang buồng trứng. Ngoài ra, việc lựa chọn đơn vị thực hiện phẫu thuật, cân nhắc thời điểm và mục tiêu phẫu thuật cũng rất quan trọng. Chị em cũng nên việc tìm hiểu về giải pháp phẫu thuật phù hợp với bản thân bên cạnh việc nghe tư vấn từ bác sĩ.
2.3. Phẫu thuật u nang buồng trứng có ảnh hưởng sức khỏe người bệnh không?
Với câu hỏi này, chúng ta có thể nhận định mức độ ảnh hưởng trên các trường hợp cụ thể sau:
– Chỉ loại bỏ khối u buồng trứng: Trường hợp này phổ biến nhất, không làm ảnh hưởng tới buồng trứng nhưng có thể ít nhiều gây khó khăn cho quá trình thụ thai.
– Loại bỏ 1 bên buồng trứng: Trường hợp loại bỏ u cùng 1 bên buồng trứng, chu kỳ rụng trứng, chu kỳ kinh nguyệt vẫn diễn ra và người bệnh vẫn có thể thụ thai.
Theo từng trường hợp mà việc phẫu thuật u nang buồng trứng có thể ảnh hưởng ít hoặc nhiều tới người bệnh
– Cắt cả 2 bên buồng trứng: Lúc này, không còn buồng trứng, các hormone nội tiết cũng không được sản xuất, không còn nang noãn, từ đó cũng không còn khả năng sinh sản. Người bệnh lúc này rơi vào trạng thái mãn kinh, giảm ham muốn, quan hệ tình dục khó khăn.
3. Những điều cần chuẩn bị trước khi thực hiện mổ u nang buồng trứng
Thực hiện điều trị cắt bỏ u nang buồng trứng, người bệnh cần lưu ý chuẩn bị:
3.1 Trước phẫu thuật:
– Nắm rõ nguyên nhân cần thực hiện phẫu thuật, các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.
– Ngừng các loại thuốc chống đông máu.
– Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang thực hiện điều trị bệnh với một số loại thuốc nhất định.
– Nếu đang bị nhiễm trùng, bệnh tim mạch, tiểu đường, cường giáp, huyết khối tĩnh mạch, hen suyễn, suy nhược, thiếu máu,… thì cần điều trị trước khi tiến hành phẫu thuật.
– Thông báo tới bác sĩ nếu có các vấn đề ảnh hưởng tới quá trình phẫu thuật như tiền sử dị ứng, sốc phản vệ,…
– Tránh dùng các chất kích thích, thuốc lá, rượu bia trước khi phẫu thuật.
Trước phẫu thuật, người bệnh cần lưu ý chuẩn bị theo hướng dẫn mà bác sĩ đưa ra
3.2 Đến ngày phẫu thuật
– Nhịn ăn uống trước phẫu thuật tối thiểu 6 giờ.
– Tắm gội, vệ sinh sạch sẽ trước ngày phẫu thuật.
3.3 Sau thực hiện phẫu thuật
– Thực hiện theo dõi sau mổ tại bệnh viện, cơ sở y tế theo hướng dẫn.
– Điều trị với thuốc kháng sinh, giảm đau theo đúng chỉ định của bác sĩ.
– Đi lại nhẹ nhàng, thường xuyên để tránh dính ruột hay huyết khối tĩnh mạch.
– Tái khám theo lịch hẹn để nắm được quá trình phục hồi và các vấn đề sau phẫu thuật.
4. Các phương pháp phẫu thuật xử lý u nang buồng trứng
Để tiến hành phẫu thuật điều trị u nang buồng trứng, người bệnh cần được thăm khám và nhận chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Dưới đây là những phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng:
– Phẫu thuật mổ nội soi u nang buồng trứng: Mổ nội soi u nang buồng trứng là phương pháp điều trị tiên tiến được ứng dụng khá phổ biến hiện nay. Phương pháp này sử dụng một loại dao phẫu thuật chuyên dụng, đưa vào cơ thể qua một đường rạch nhỏ. Thông qua một camera, hình ảnh bên trong được chia sẻ trực tiếp, hỗ trợ quá trình phẫu thuật.
Phương pháp này có ưu điểm hiệu quả cao, an toàn, tránh các di chứng sau khi cơ thể phục hồi, tránh mất máu. Tuy nhiên, hạn chế của phẫu thuật nội soi là chỉ áp dụng được với những khối u kích thước trung bình hoặc nhỏ, những khối u không biến chứng, không có tế bào ung thư.
– Phương pháp phẫu thuật mở, loại bỏ u nang buồng trứng: Phẫu thuật mở được ứng dụng trong hầu hết các ca u nang buồng trứng, đặc biệt là u nang lớn hoặc biến chứng, xoắn, vỡ.
Ưu điểm của phương pháp này là có thể loại bỏ được những tình trạng u nang buồng trứng phức tạp, giúp bác sĩ xử lý được những vấn đề kèm theo phát sinh từ khối u. Tuy nhiên, hạn chế của mổ mở là bệnh nhân dễ bị di chứng, biến chứng, nhiễm trùng sau phẫu thuật. Bên cạnh đó, thời gian phục hồi vết mổ cũng lâu hơn so với mổ nội soi.
Trên đây là những vấn đề xoay quanh việc bị u nang buồng trứng phẫu thuật khi nào, có nguy hiểm không. Chị em nên tìm hiểu rõ về tình trạng của bản thân và phương án điều trị mà bác sĩ đưa ra để có được hiệu quả chữa bệnh tốt nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.