Sau sinh, nội tiết tố trong cơ thể người mẹ tiếp tục thay đổi và dần trở lại trạng thái ổn định như trước khi mang thai. Từ đây, chị em có thể gặp phải rất nhiều vấn đề, xuất hiện những tình trạng bất thường, điển hình nhất là bị rong kinh sau sinh. Vậy tình trạng rong kinh sau sinh diễn ra như thế nào? Có ảnh hưởng gì tới sức khỏe của các mẹ hay không?
1. Những điều cần lưu ý về tình trạng rong kinh sau sinh
Rong kinh sau sinh là tình trạng mà đa số sản phụ đều gặp phải, kể cả sinh nở theo phương pháp đẻ mổ hay đẻ thường.
Trong quá trình mang thai, trứng đã được thụ tinh với tinh trùng, tạo thành phôi thai và tiếp tục tới buồng tử cung để làm tổ và phát triển. Vì vậy, quá trình rụng trứng sẽ không tiếp tục diễn ra, kích thích tố được tiết ra sẽ giảm xuống, từ đó khiến niêm mạc tử cung dày lên, không bị bong ra và không tạo thành kinh nguyệt.
1.1. Sau sinh, tình trạng kinh nguyệt như thế nào?
Sau sinh, nội tiết tố dần trở lại trạng thái cân bằng, các hormone nội tiết tiếp tục làm việc, buồng trứng hoạt động ổn định trở lại, quá trình rụng trứng tiếp diễn. Thời gian để người mẹ bắt đầu hành kinh trở lại là sau 6 tháng kể từ khi sinh.
Tuy nhiên, do các hormone này mới dần ổn định, cơ thể dần phục hồi nên không tránh khỏi bị rối loạn. Vì vậy, lượng máu kinh ở những lần hành kinh đầu tiên của các mẹ sau quá trình sinh nở thường nhiều hơn 80ml/kỳ kinh. Số ngày hành kinh cũng kéo dài hơn 7 ngày. Bên cạnh đó, vòng kinh, chu kỳ kinh ban đầu chưa điều tiết ổn định trở lại và có thể khiến mẹ bị chậm kinh hoặc kinh thưa, kinh mau, rong kinh,…
Sau sinh, rất nhiều phụ nữ gặp phải tình trạng rong kinh, rối loạn kinh nguyệt kéo dài
Kèm theo đó, một vài triệu chứng bất thường cũng có thể xuất hiện trong thời gian hành kinh. Mẹ có thể bị đau bụng kinh, máu kinh vón cục, có màu sẫm, kinh ra nhiều hơn vào ban đêm,… Chính những điều này khiến tình trạng rong kinh sau sinh trở thành nỗi ám ảnh với các mẹ bỉm sữa, đem đến nhiều điều khó chịu và phiền toái trong cuộc sống hàng ngày.
1.2. Những nguyên nhân nào dẫn đến mẹ bị rong kinh sau sinh
Trong thời gian mang thai, sinh nở, cơ thể người phụ nữ trải qua rất nhiều thay đổi, trong đó có thay đổi cả về thể chất, hoạt động, chức năng của các cơ quan sinh sản lẫn các hormone nội tiết, sinh lý nữ.
Vì vậy, đa số phụ nữ bị rong kinh sau sinh nở là do nội tiết tố chưa ổn định. Ngoài ra, chị em còn có thể bị rong kinh do một số nguyên nhân khác:
– Hệ nội tiết sau sinh chưa ổn định
Nội tiết tố là yếu tố thay đổi nhiều nhất cả trước và sau khi mang thai, sinh con. Estrogen và Progesterone là 2 hormone quyết định phần lớn chu kỳ kinh nguyệt, hoạt động đẩy máu kinh ra khỏi tử cung. Hai hormone này tác động đến độ dày, mỏng của niêm mạc tử cung, từ đó dẫn đến việc niêm mạc có dễ bong không, máu kinh có thể thoát ra ngoài hay không.
Sau sinh, hai hormone này dần được sản sinh và cân bằng trở lại. Cùng với sự phục hồi của cơ thể người mẹ, quá trình này mất mội thời gian. Chính vì vậy, chu kỳ kinh, thời gian hành kinh và lượng máu kinh của mẹ sau khi có kinh nguyệt trở lại chưa thể đều và ổn định, dẫn đến rong kinh sau sinh.
– Hoạt động của buồng trứng dần phục hồi
Thời gian mẹ mang thai cũng là thời gian mà buồng trứng được “nghỉ ngơi”. Chính vì vậy, quá trình rụng trứng không diễn ra, niêm mạc tử cung không bong tróc và từ đó cũng không hình thành kinh nguyệt.
Sau khi em bé chào đời, cùng với sự phục hồi của cơ thể, của tử cung, buồng trứng cũng dần hoạt động trở lại, kéo theo chức năng sản sinh, điều tiết nội tiết tố và điều khiển quá trình rụng trứng. Tuy nhiên, sự “trở lại” của buồng trứng cũng sẽ không ổn định ngay mà cần một thời gian. Chính vì vậy, sau sinh, thời gian hành kinh, lượng máu kinh của sản phụ sẽ chưa thể ổn định ngay.
Hoạt động của buồng trứng dần ổn định trở lại, vì vậy chu kỳ kinh cũng chưa thể diễn ra bình thường
– Dùng thuốc tránh thai
Để tránh mang thai ngoài ý muốn sau khi sinh nở, nhiều sản phụ lựa chọn phương pháp sử dụng thuốc tránh thai. Thuốc tránh thai chứa nhiều thành phần gây ức chế hoạt động của các hormone nội tiết, ngăn không cho quá trình thụ tinh xảy ra.
Bởi vậy, tác dụng phụ đi kèm khi sử dụng thuốc tránh thai thường gặp nhất chính là rối loạn kinh nguyệt.
– Buồng trứng, tử cung bị tổn thương sau sinh nở
Sau sinh nở, buồng trứng và tử cung của người bệnh cũng bị tổn thương. Bởi vậy mà các bệnh phụ khoa có liên quan tới những cơ quan này rất phổ biến ở phụ nữ. Một số bệnh lý điển hình mà sản phụ có thể gặp phải: đa nang buồng trứng, u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung,…
Các loại bệnh này có những ảnh hưởng nhất định đến một vài cơ quan như tử cung hay buồng trứng,…
2. Dấu hiệu nào cho thấy chị em bị rong kinh sau sinh
Rong kinh sau sinh thường khó nhận biết vì đa số chị em đều nhầm tưởng vấn đề này sẽ xảy ra sau một thời gian kể từ khi sinh nở. Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo chị em nên đi kiểm tra sức khỏe khi có các dấu hiệu sau:
– Chu kỳ kinh nguyệt thường ít hơn 23 ngày, thời gian ra máu kinh kéo dài từ 7 ngày trở lên.
– Mỗi lần hành kinh, chị em có thể bị mất rất nhiều máu, nhiều hơn 80ml/lần hành kinh.
– Thường xuyên bị xây xẩm mặt mày, da xanh xao, kém tập trung, tinh thần mệt mỏi, uể oải.
– Hay chóng mặt, nhức đầu, thậm chí có thể bị ngất xỉu.
– Kinh nguyệt thường xuyên bị vón cục.
Khi có các dấu hiệu rong kinh kéo dài sau sinh, sản phụ cần tới khám và nhận chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa
Từ những dấu hiệu trên, chị em có thể xác định bản thân bị rong kinh sau sinh. Nếu như tình trạng này kéo dài, viêm nhiễm, ngứa ngáy cũng có thể xảy ra, khiến các bạn tự ti trong cuộc sống, công việc, sinh hoạt đều bị ảnh hưởng.
3. Rong kinh sau sinh ảnh hưởng tới sức khỏe thế nào?
Tuy không phải là vấn đề có thể gây nguy hiểm tới tính mạng, nhưng rong kinh sau sinh lại là vấn đề có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe của người phụ nữ.
– Thiếu máu: Rong kinh đồng nghĩa với thiếu máu, thiếu sắt và suy giảm hồng cầu. Máu không được cung cấp đủ cho các hoạt động của cơ thể, đặc biệt với thể trạng đang suy yếu của phụ nữ sau sinh, vì vậy rất dễ khiến sản phụ gặp các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, kém tập trung,…
– Đau bụng kinh dữ dội: Rong kinh nhiều, quá trình co bóp của tử cung liên tục dẫn đến những cơn đau bụng kinh dữ dội. Những cơn đau này thường là những cơn đau kéo dài không dứt, làm ảnh hưởng tới mọi hoạt động của các mẹ.
– Viêm nhiễm phụ khoa: Máu kinh ra nhiều trong kỳ kinh khiến môi trường âm đạo bị thay đổi. Âm đạo luôn trong trạng thái ẩm ướt, dễ khiến vi khuẩn tăng sinh. Độ pH tự nhiên không ổn định khiến nấm, vi khuẩn dễ tiến sâu vào trong, gây viêm nhiễm nghiêm trọng như viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm cổ tử cung, viêm tắc vòi trứng,…
Bị rong kinh sau sinh có thể khiến cho môi trường âm đạo mất cân bằng, dẫn đến viêm nhiễm phụ khoa nghiêm trọng
– Làm những căn bệnh phụ khoa khác trở nên nghiêm trọng hơn: Một số căn bệnh phụ khoa khác có thể là tiền đề của tình trạng rong kinh sau sinh như u xơ tử cung, u nang buồng trứng,… Nếu rong kinh kéo dài, đồng nghĩa với việc các bệnh lý này tiếp tục phát triển trong cơ thể người mẹ, sẽ ngày càng khó điều trị và khắc phục hơn.
4. Hạn chế và điều trị rong kinh sau sinh như thế nào?
Đối với phụ nữ sau sinh, bị rong kinh có ảnh hưởng rất nguy hại tới cơ thể, sức khỏe. Bởi vậy, việc hạn chế và điều trị là rất cần thiết.
4.1. Làm thế nào để sản phụ hạn chế bị rong kinh sau sinh?
Ngay từ đầu, các mẹ có thể hạn chế, phòng ngừa tình trạng rong kinh sau sinh bằng cách:
– Chú ý chế độ ăn uống hàng ngày, ăn đầy đủ chất, đủ dinh dưỡng, cân bằng các nhóm chất cần thiết cho việc tăng sức đề kháng và tốt cho quá trình tái tạo máu.
– Vệ sinh vùng kín thường xuyên, đặc biệt là khi có kinh nguyệt trở lại.
– Có kế hoạch theo dõi, kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.
– Chú ý sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, ít gây ảnh hưởng tới quá trình ổn định của nội tiết tố sau sinh.
4.2. Điều trị vấn đề rong kinh kéo dài sau sinh
Ngoài những biện pháp tự cải thiện chu kỳ kinh nguyệt như cân bằng lại dinh dưỡng, sinh hoạt điều độ, thường xuyên thả lỏng và thư giãn hơn, các mẹ sau sinh cũng có thể áp dụng điều trị rong kinh như sau:
– Sử dụng thuốc uống nội tiết có progesterone hoặc dụng cụ đưa vào cơ thể, giải phóng hormone levonorgestrel progestin được tổng hợp bên trong tử cung.
– Dùng thuốc chống viêm không steroid, có thể làm giảm quá trình ra máu kinh nhiều và dài ngày.
– Thực hiện phẫu thuật nếu nguyên nhân gây rong kinh sau sinh đến từ các bệnh lý phụ khoa như u xơ tử cung, nang buồng trứng,…
Tóm lại, để kiểm soát việc bị rong kinh sau sinh, chị em cần thường xuyên tới khám phụ khoa định kỳ. Tốt nhất, bạn nên tham khảo kỹ ý kiến bác sĩ chuyên khoa, kết hợp với việc xây dựng thói quen sống, sinh hoạt lành mạnh để tránh việc vòng kinh bị rối loạn sau sinh, gây suy nhược cơ thể, ảnh hưởng lâu dài.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.