Viêm âm đạo là bệnh lý rất thường gặp ở nữ giới, bệnh thường gây ngứa gây khó chịu và có ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Viêm âm đạo thường bắt nguồn từ nguyên nhân nào, cách điều trị viêm âm đạo là gì, cùng tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết này nhé!
1. Bệnh viêm nhiễm âm đạo có biểu hiện gì?
Âm đạo phụ nữ bình thường thường có dịch tiết màu trắng trong hoặc màu hơi đục, không có cảm giác đau, không gây cảm giác ngứa ngáy. Lượng dịch tiết tiết ra ở từng thời điểm cũng có sự khác nhau, có khi chỉ một lượng rất nhỏ về loãng, có khi lại tiết nhiều và đặc hơn.
Khi âm đạo bị viêm nhiễm, người bệnh sẽ xuất hiện một số biểu hiện chung như:
– Âm đạo bị ngứa ngáy hoặc kích ứng
– Âm đạo bị rát buốt mỗi lần đi tiểu tiện
– Âm đạo bị đau khi quan hệ
– Có thể có tình trạng âm đạo bị chảy máu nhẹ
– Dịch tiết âm đạo thay đổi màu sắc, thay đổi mùi hoặc thay đổi lượng tiết ra: dịch tiết có màu vàng hoặc màu trắng đục, có mùi hôi, ra rất nhiều,..
Khi âm đạo bị viêm bạn thường sẽ có những triệu chứng: ngứa ngáy, khó chịu, đau rát khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục
Khi bị viêm nhiễm âm đạo, bạn nên đến ngay cơ sở y tế uy tín để các bác sĩ chuyên khoa thăm khám nếu bạn đã từng bị nhiễm trùng âm đạo, vừa trải qua một liệu trình điều trị nhưng các triệu chứng không hết hẳn, quan hệ tình dục không an toàn hoặc có biểu hiện viêm âm đạo kèm với các triệu chứng đau vùng chậu sốt,..
2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm nhiễm âm đạo
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm nhiễm ở âm đạo. Nguyên nhân đó có thể do các tác nhân như nấm candida, vi khuẩn, ký sinh trùng, nhiễm trichomonas, do nồng độ estrogen thay đổi trong giai đoạn mãn kinh, vệ sinh không đúng cách hoặc gặp phản ứng dị ứng khi tiếp xúc với thành phần lạ,…
4 nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm âm đạo là do nấm, do vi khuẩn, do trichomonas và viêm teo âm đạo
– Viêm âm đạo do nấm candida: dịch tiết âm đạo đặc có màu trắng ngà, không có mùi, ngoài ra viêm âm đạo do nấm Candida còn khiến âm đạo có cảm giác ngứa, sưng đỏ…
– Viêm âm đạo do vi khuẩn: dịch âm đạo loãng, có màu trắng đục, mùi lạ (thường là mùi tanh), mùi này càng trở nên nồng hơn sau khi quan hệ tình dục. Các triệu chứng đỏ hoặc ngứa không phải là triệu chứng thường gặp của bệnh, trừ khi người bệnh bị viêm âm đạo đồng thời sau hai nguyên nhân là vi khuẩn và nấm candida.
– Viêm âm đạo do nhiễm trichomonas: dịch tiết âm đạo có màu vàng xanh, đôi khi có bọt và có mùi hôi, âm đạo bị đau và ngứa, đặc biệt là khi quan hệ tình dục, đau và nóng rát mỗi lần đi tiểu tiện.
– Viêm âm đạo do nồng độ estrogen thay đổi thời kỳ mãn kinh: âm đạo trở nên khô hoặc teo, cảm thấy đau (đặc biệt là khi quan hệ tình dục), ngứa, nóng rát, đôi lúc tiểu rắt và thường xuyên.
3. Cách điều trị viêm âm đạo như thế nào và cần lưu ý những gì?
Nguyên nhân dẫn đến viêm âm đạo sẽ quyết định cách điều trị viêm âm đạo như thế nào là cho hiệu quả và nhanh chóng nhất. Dưới đây là một số cách điều trị điển hình được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn cho bệnh nhân.
3.1. Điều trị viêm âm đạo do nấm candida và những lưu ý
Trong môi trường âm đạo bình thường, nấm candida được tìm thấy với một lượng tương đối ít. Tuy nhiên vì một lý do nào đó (sử dụng kháng sinh, mang thai, mắc bệnh tiểu đường, …) khiến môi trường âm đạo thay đổi, nấm men có điều kiện phát triển quá mức và gây lên những triệu chứng viêm nhiễm âm đạo do nấm men.
Thông thường để điều trị viêm nhiễm âm đạo do nấm, các bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn sử dụng các loại thuốc kháng nấm như: Clotriamazole 100mg, Econazole 150mg,Fluconazol 150mg, Gentian 0,5%.
Các bác sĩ thường chỉ định cách điều trị viêm âm đạo do nấm cho bệnh nhân là sử dụng các loại thuốc kháng nấm
– Với Clotriamazole 100mg: dùng 1 viên thuốc đặt vào âm đạo vào mỗi đêm, đặt liên tục trong 7 ngày, hoặc có thể đặt 1 viên duy nhất Clotriamazole
– Với Econazole 150mg: dùng 1 viên thuốc đặt vào âm đạo mỗi đêm, đặt liên tục trong 3 ngày
– Với Fluconazol 150mg: thuốc uống 1 liều duy nhất
– Với Itraconazol 100mg: thuốc uống 2 viên/ngày, uống trong 3 đến 5 ngày
– Có thể sử dụng Gentian 0,5% để bôi tại chỗ chữa viêm nhiễm âm đạp, rửa bằng dung dịch betadin.
Lưu ý khi sử dụng thuốc:
– Thuốc không sử dụng cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu
– Cần điều trị cho cả chồng và vợ để tránh tái nhiễm khi quan hệ tình dục
– Nên kết hợp với vệ sinh âm đạo đúng cách, mặc đồ lót thoải mái, thấm hút tốt, tránh các chất có thể gây kích ứng âm đạo như xà phòng, sữa tắm, chất khử mùi âm đạo,…
3.2. Điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn và những lưu ý
Các phương pháp điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn thường được bác sĩ chỉ định là:
– Dùng Metronidazole 500mg: uống 2 lần/ ngày, uống liên tục 7 ngày
– Dùng Metronidazole 0,75% gel: bôi 5g (một lần bôi đầy đủ)/ngày, bôi liên tục trong 7 ngày
– Dùng kem clindamycin 2%: bôi 1 lần trên ngày, bôi liên tục trong 7 ngày
Lưu ý khi sử dụng thuốc:
– Metronidazole 500mg không sử dụng cho phụ nữ có thai
– Kem clindamycin có thể làm hỏng sản phẩm làm bằng cao su, vì vậy chị em nên chú ý không thể sử dụng bao cao su hoặc màng ngăn để tránh thai khi sử dụng thuốc này
– Kết hợp điều trị với bạn tình là không cần thiết trong trường hợp này
3.3. Điều trị viêm âm đạo do nhiễm trichomonas và những lưu ý
Phương pháp điều trị được các bác sĩ khuyến nghị cho bệnh nhân viêm nhiễm âm đạo do trichomonas là sử dụng metronidazole đường uống hoặc tinidazole
– Với Metronidazole: Metronidazole 2g – uống một liều duy nhất, Metronidazole 500mg – uống 2 lần/ngày, uống liên tục trong 7 ngày.
– Với Tinidazole 2g: uống trong một liều duy nhất.
Lưu ý khi sử dụng thuốc:
– Không uống rượu trong thời gian điều trị viêm âm đạo do nhiễm trichomonas vì có thể gây buồn nôn, chuột rút, đau đầu. Cụ thể sau khi uống metronidazole nên tiếp tục cai rượu ít nhất 24h, sau khi uống tinidazole nên tiếp tục kiêng rượu ít nhất 72 giờ.
Không uống rượu trong thời gian điều trị viêm âm đạo do nhiễm trichomonas vì có thể gây buồn nôn, chuột rút, đau đầu
– Cần điều trị cho cả chồng và vợ để tránh tái nhiễm khi quan hệ tình dục.
3.4. Điều trị viêm âm đạo do nồng độ estrogen thay đổi
Trong trường hợp này sử dụng Estrogen (dạng kem), Estrogen dạng viên hoặc sử dụng vòng đặt âm đạo có thể sẽ giúp bạn điều trị hiệu quả.
Trên đây là những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị viêm nhiễm âm đạo phổ biến thường được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Để tìm hiểu kỹ hơn về cách điều trị viêm âm đạo, bạn nên đến cơ sở y tế, bệnh viện uy tín để khám và được tư vấn phương pháp phù hợp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.