U nang buồng trứng phải có nguy hiểm không? Làm sao để khắc phục?

U nang buồng trứng là căn bệnh mà ngày càng có nhiều phụ nữ mắc phải. Độ tuổi mắc bệnh cũng ngày càng trẻ hóa. Trong đó, loại u thường gặp nhất là u nang buồng trứng phải. Vậy u nang buồng trứng vị trí này có nguy hiểm không? Cần làm gì để khắc phục?

1. U nang buồng trứng phải là gì?

Buồng trứng thường được phân chia thành hai bên, gọi là buồng trứng trái và buồng trứng phải.

Khối u có thể xuất hiện ở buồng trứng trái và buồng trứng phải, thậm chí ở cả hai bên buồng trứng. U nang buồng trứng phải là bệnh lý có thể gặp phải ở phụ nữ từ độ tuổi sinh sản đến khi mãn kinh. Khối u thường có cấu tạo gồm phần vỏ ngoài và nhân bên trong, thường là dịch lỏng.

Khối u có thể xuất hiện ở buồng trứng trái và buồng trứng phải, thậm chí ở cả hai bên buồng trứng

Khối u nang buồng trứng phải được phân loại thành u nang cơ năng và u nang thực thể.

– U nang cơ năng: Thường là những khối u xuất hiện do sự rối loạn nội tiết từ hoạt động của buồng trứng. Những khối u này có kích thước nhỏ, lành tính, hình thành từ các nang hoàng thể, nang hoàng tuyến, nang noãn. Những khối u này còn có thể tự biến mất sau một thời gian, tùy thuộc vào thể trạng, cơ địa của người phụ nữ.

– U nang thực thể: Những khối u thực thể, phần nhân có thể tồn tại dưới dạng dịch nhầy, dịch nước hay bì. Chúng phát triển từ những tổn thương tại buồng trứng, có thể là u lành hoặc ác tính. Tùy vào tính chất của khối u, người bệnh có thể gặp phải một vài biến chứng nguy hiểm, cần điều trị, phẫu thuật loại bỏ u kịp thời.

2. Một số nguyên nhân và triệu chứng của u nang buồng trứng phải

U nang buồng trứng phải sẽ dễ kiểm soát hơn khi chị em hiểu rõ về nguyên nhân cũng như những triệu chứng điển hình của bệnh. Ngoài ra, hiểu rõ về tình trạng của bản thân cũng giúp chị em có thể yên tâm hơn trong quá trình điều trị.

2.1. Nguyên nhân nào dẫn đến u nang buồng trứng phải?

Trên thực tế, một số thay đổi trong hoạt động sản sinh, điều tiết hormone của buồng trứng có thể dẫn đến tình trạng u nang buồng trứng nói chung, u nang buồng trứng phải nói riêng.

– Mang thai: Trong thai kỳ, hoạt động của buồng trứng có thay đổi, từ đó dẫn đến sự rối loạn hormone nội tiết tố. Lúc này, những khối u nang lành tính thường xuất hiện và có thể tự tiêu biến sau khi kết thúc thai kỳ.

– Do bệnh lạc nội mạc tử cung: Các tế bào lạc nội mạc tử cung phát triển trên bề mặt buồng trứng, phá hủy những mô lành và dính vào các tổ chức lân cận, tạo thành khối u, gây đau.

– Vùng chậu bị nhiễm trùng: Tình trạng nhiễm trùng có thể nhanh chóng lan đến buồng trứng, gây tổn thương tại buồng trứng, tạo tiền đề xuất hiện u nang.

2.2. Những triệu chứng thường gặp khi bị u nang buồng trứng phải

U nang buồng trứng bên phải có thể biểu hiện qua rất nhiều triệu chứng khác nhau. Những triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của một số bệnh lý khác như rối loạn kinh nguyệt, viêm phụ khoa. Vì vậy, chị em không nên chủ quan mà cần thăm khám khi phát hiện:

– Bụng dưới đau tức, chướng, có cảm giác căng lên.

– Đau, khó chịu tại vùng thắt lưng, vùng chậu.

– Đau, cảm thấy bất tiện khi quan hệ tình dục.

– Kỳ kinh trở nên khó khăn hơn, đau đớn nhiều hơn.

– Âm đạo ra máu bất thường, không rơi vào thời gian hành kinh.

– Tiểu khó, tiểu không tự chủ.

– Mệt mỏi, chán ăn, sụt cân bất thường.

Tình trạng u nang buồng trứng phải có thể tiến triển và gây ra những triệu chứng bất thường

Nắm rõ những triệu chứng trên, chị em có thể chủ động khám, kiểm tra để biết rõ tình trạng sức khỏe buồng trứng của mình có ổn hay không.

3. U nang buồng trứng phải có nguy hiểm không?

Đối với tình trạng u nang buồng trứng phải, thuộc u cơ năng, chị em không cần quá lo lắng. Khối u này thuộc dạng u lành tính, có thể biến mất nhờ can thiệp nội khoa hoặc thậm chí chỉ nhờ điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học.

Tuy nhiên, với những khối u thực thể, việc gây ra những biến chứng nguy hiểm là hoàn toàn có thể. Những biến chứng này cũng gây nguy hiểm cho sức khỏe của chị em, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày, khả năng làm mẹ trong tương lai,…

– U nang bị xoắn: Tình trạng xoắn u nang rất thường gặp, nhất là với những khối u nhỏ, có cuống dài, độc lập. Khối u bị xoắn có thể gây ra triệu chứng đau dữ dội vùng bụng, hạ vị, buồn nôn,…

– U nang bị vỡ: Đây là biến chứng cực kỳ nguy hiểm, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng, hoạt động, chức năng của những cơ quan lân cận. Khối u nang bị vỡ không những gây chảy máu, xuất huyết mà còn khiến cho phúc mạc, một số cơ quan bị nhiễm khuẩn, nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

– Chèn ép, khiến cho nội tạng bị ảnh hưởng: Những khối u phát triển lớn, kích thước to dần theo thời gian có thể chèn ép lên bàng quang, trực tràng, niệu quản, tĩnh mạch,… gây ảnh hưởng đến hoạt động tiểu tiện, đại tiện, làm suy chức năng thận, cổ trướng, phù nề hai chi dưới.

4. Chẩn đoán và điều trị u nang buồng trứng bên phải như thế nào?

Việc khám và theo dõi sát sao quá trình tiến triển của khối u sẽ giúp chị em có thể an tâm hơn, đưa ra những quyết định đúng đắn về hướng xử lý, điều trị u nang buồng trứng sao cho hiệu quả.

4.1. Chẩn đoán u nang buồng trứng phải

Bác sĩ có thể khai thác một số thông tin của người bệnh làm cơ sở chẩn đoán như:

– Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.

– Triệu chứng đau nhức, khó chịu ở vùng chậu.

– Đau khi quan hệ tình dục.

– Tiểu khó, bí tiểu, táo bón.

Bên cạnh đó, người bệnh cần thực hiện một số chẩn đoán cận lâm sàng. Các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng gồm:

– Siêu âm: Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, giá thành rẻ, cho biết được vị trí u, hình dạng, kích thước khối u, tính chất bên trong u. Hình ảnh trong siêu âm có thể gợi ý u lành hay u ác.

– Chụp CT scan hoặc MRI: Nếu u to nghi ngờ chụp MRI giúp thấy rõ hơn kết quả siêu âm, còn kết quả CT scan hỗ trợ chẩn đoán chính xác sự lan rộng hay di căn của khối u.

– Xét nghiệm tìm các dấu ấn bướu có thể gợi ý tính ác tính của u như: CA 125, AFP, beta HCG, HE4…

4.2. Điều trị u nang buồng trứng phải như thế nào?

– Đối với u nang cơ năng: Không cần điều trị, khối u thường biến mất sau vài chu kỳ kinh nguyệt. Người bệnh được theo dõi bằng cách siêu âm lặp lại sau hành kinh xong. Người bệnh có thể kết hợp dùng thuốc tránh thai và các biện pháp được hướng dẫn để điều trị u nang buồng trứng cơ năng. Tuy nhiên, một số trường hợp u nang cơ năng gây biến chứng nguy hiểm như xoắn nang, vỡ nang gây mất máu, cần phải cấp cứu và xử trí kịp thời.

– Đối với u thực thể: Cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm. Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau, tùy theo tuổi và kích thước khối u, nguyện vọng mang thai và sinh con của người phụ nữ, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp phù hợp, có thể phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u và buồng trứng, hoặc chỉ bóc tách khối u lành khỏi buồng trứng. Tuy nhiên, phương pháp bóc tách này vẫn có nguy cơ tái phát bệnh u nang buồng trứng trong tương lai, đặc biệt là nang lạc nội mạc.

Phẫu thuật là giải pháp hiệu quả để loại bỏ u nang buồng trứng và giải quyết nguy cơ biến chứng có thể gặp phải

U nang buồng trứng có thể đe dọa thiên chức làm mẹ, sức khỏe và tính mạng phụ nữ. Do đó, bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo chị em phụ nữ cần khám sức khỏe định kỳ và đến ngay cơ sở y tế uy tín khi có dấu hiệu bất thường để được xử trí kịp thời!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *