Lịch khám thai định kỳ là điều mà các mẹ bầu cần ghi nhớ nhất trong khoảng thời gian mang thai. Theo dõi, đi khám thai ở các mốc thời gian quan trọng là cách đơn giản nhất để các mẹ có thể nắm được tình trạng sức khỏe của bản thân và thai nhi. Đồng thời, việc này cũng giúp cho mẹ biết được bản thân nên làm gì, cần tuân thủ những gì để giúp con có thể phát triển khỏe mạnh suốt thai kỳ.
1. Thăm khám theo đúng lịch khám thai định kỳ quan trọng thế nào?
Mục tiêu chính của việc tuân thủ đúng lịch khám thai định kỳ chính là để kiểm soát tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi. Trong thời gian này, bác sĩ sẽ dựa vào những xét nghiệm sàng lọc, thông qua các chỉ số để nhận định về sự phát triển tự nhiên của thai nhi, từ đó ngăn chặn hoặc loại bỏ vấn đề nguy hiểm có thể xảy ra trong thai kỳ.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, việc khám thai đầy đủ theo từng mốc thời gian sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, các bất thường diễn ra ở thai nhi tới 5 lần. Cân nặng, hình thái của thai nhi ở các trường hợp khám thai định kỳ cũng ổn định hơn thai nhi ở các trường hợp không thường xuyên theo dõi cột mốc khám thai.
Sau khi đã thực hiện lần khám thai đầu tiên, mẹ bầu sẽ được bác sĩ hướng dẫn và hẹn lịch khám thai ở lần tiếp theo. Thông thường, một người mẹ sẽ phải thực hiện từ 10 đến 15 lần khám thai. Trong thời gian đó, có những mốc thời gian quan trọng mà các mẹ cần đặc biệt lưu ý. Vì vậy, theo dõi các mốc khám thai là rất quan trọng.
Mẹ bầu cần theo dõi sát lịch khám thai định kỳ để đảm bảo đi khám đầy đủ, đúng mốc thời gian
2. Lịch khám thai định kỳ được phân chia như thế nào?
Việc thăm khám thai định kỳ cần được triển khai theo các mốc thời gian, tiện cho việc theo dõi sức khỏe của mẹ và sự phát triển theo từng giai đoạn của bé.
2.1. Lịch khám trong tam cá nguyệt đầu tiên
Trong vòng từ 5-8 tuần đầu của thai kỳ, mẹ bầu cần sắp xếp một buổi khám thai. Không chỉ giúp các mẹ chắc chắn hơn về việc mang thai của bản thân mà còn giúp xác định được vị trí phôi thai làm tổ.
Buổi khám thai này sẽ gồm đánh giá lâm sàng và thực hiện siêu âm thai. Mẹ bầu sẽ được:
– Kiểm tra các chỉ số về cân nặng, chiều cao để xác định BMI của cơ thể, đánh giá tổng quát trạng thái của cơ thể như thừa, thiếu cân ra sao. Cân nặng có liên quan trực tiếp đến các biến chứng thai kỳ. Vì vậy, thông qua việc đánh giá trạng thái cơ thể, bác sĩ sẽ hướng dẫn chị em làm sao để ổn định lại cân nặng sao cho phù hợp.
– Kiểm tra huyết áp để đánh giá xem mẹ bầu có nguy cơ tiền sản giật không.
– Thực hiện phân tích nước tiểu nhằm đánh giá nồng độ hormone thai kỳ (hCG) để chắc chắn về việc mang thai và phôi thai phát triển bình thường.
– Siêu âm để đánh giá vị trí phôi thai, xác định tuổi thai cũng như sớm phát hiện các các bất thường như thai ngoài tử cung.
– Tính ngày dự sinh.
– Thực hiện một số xét nghiệm máu để sàng lọc bệnh: Sởi – Quai bị – Rubella, bệnh thủy đậu, viêm gan B, giang mai, HIV/AIDS, nồng độ hemoglobin, nhóm máu,bệnh đậu mùa,… và lượng kháng thể có sẵn trong cơ thể.
Trong buổi khám này, bác sĩ sẽ đưa ra cho mẹ bầu một số chỉ định sau:
– Bổ sung axit folic hạn chế tình trạng nứt đốt sống ở thai nhi.
– Tư vấn về chế độ dinh dưỡng, thời gian nghỉ ngơi phù hợp.
– Cảnh báo thói quen, yếu tố, môi trường sống không phù hợp, có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi.
– Hướng dẫn các xét nghiệm sàng lọc mà mẹ bầu cần lưu ý thực hiện trước sinh.
Sau khi thai được khoảng 8 tuần tuổi, các mẹ sẽ phải thực hiện buổi khám thai tiếp theo. Trong buổi khám thai này, bác sĩ có thể xác định được tim thai cũng như một số vấn đề của phôi thai. Những vấn đề chưa thể xác định được trong lần khám thai đầu tiên sẽ được giải đáp ở lần khám thai này. Các bước thực hiện vẫn lặp lại giống như lần 1.
Từ tuần thứ 10 đến 14, thai nhi được kiểm tra các dị tật thông qua một số xét nghiệm sàng lọc như Double test, Thalassemia, siêu âm kiểm tra độ mờ da gáy, kiểm tra dị dạng các chi, thoát vị cơ hoành.
Mẹ bầu cần thực hiện đầy đủ các bước khám thai để có thể nắm rõ tình trạng sức khỏe của bản thân và quá trình phát triển của thai nhi
2.2. Lịch khám thai định kỳ giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ
Trong thời gian thai đạt từ 14 – 16 tuần tuổi, mẹ cần chú ý tham gia khám thai định kỳ để kiểm tra quá trình phát triển của thai nhi cũng như phát hiện các nguy cơ về dị tật bẩm sinh. Trong lần khám này, người bệnh được thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, phân tích nước tiểu, siêu âm thai, ổ bụng,…
Khi thai đạt 16-20 tuần tuổi, các dị tật bẩm sinh sẽ được phát hiện sớm và chính xác hơn nhờ một số xét nghiệm đặc biệt khác như: Phân tích nước tiểu, chọc ối, Triple test bên cạnh việc kiểm tra các chỉ số và siêu âm như thông thường.
Khi thai được từ 20-24 tuần tuổi, các bác sĩ có thể kiểm tra và cho các mẹ biết rõ về hình thái thai nhi, tầm soát một số vấn đề bất thường, xác định vị trí bám của nhau thai và lượng nước ối. Các xét nghiệm gồm có:
– Kiểm tra cân nặng để xác định chỉ số BMI.
– Kiểm tra huyết áp, phòng tránh nguy cơ tiền sản giật.
– Xác định tuổi thai và đánh giá sức khỏe qua nhịp tim thai.
– Xét nghiệm, đánh giá các chỉ số thông qua phân tích nước tiểu.
– Siêu âm đánh giá quá trình phát triển của thai nhi và kiểm tra lượng nước ối.
Từ tuần 24 đến tuần 27, thai nhi sẽ được đánh giá kỹ hơn thông qua việc kiểm tra bất đồng nhóm máu, đánh giá bất thường trên cơ thể người mẹ. Ngoài những xét nghiệm được thực hiện như trên, các mẹ còn được thực hiện xét nghiệm máu, đánh giá nguy cơ đái tháo đường thai kỳ, kiểm tra kháng thể chống lại Rh dương của bé xuất hiện trong cơ thể mẹ.
2.3. Lịch khám thai định kỳ trong 3 tháng cuối thai kỳ
Thai từ 28 – 36 tuần sẽ được kiểm tra ngôi thai, đánh giá quá trình phát triển và tiêm phòng cuống rốn. Trong giai đoạn này, mẹ bầu sẽ được thực hiện:
– Xét nghiệm máu, nước tiểu.
– Siêu âm kiểm tra hình thái thai, xác định dị tật thai kỳ nếu có.
– Tiêm phòng uốn ván cuống rốn, 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 1 tháng.
– Xét nghiệm Non – stress (NST), kiểm tra tình trạng thai nhi, việc tiếp nhận oxy của thai nhi.
Từ tuần 30, mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý về tình trạng sức khỏe của bản thân. Khi có bất cứ sự bất thường nào về sức khỏe, mẹ bầu cần tái khám ngay để được hướng dẫn và có biện pháp khắc phục kịp thời.
Khi thai đạt từ 36 – 40 tuần tuổi, theo lịch khám thai định kỳ, mẹ bầu có thể thăm khám để kiểm tra tình trạng cổ tử cung, tử cung, các dấu hiệu của việc sắp sinh.
Từ tuần 40 – 42, các mẹ cần theo dõi sát sao các dấu hiệu khác thường. Đồng thời, lúc này các mẹ cũng có thể thực hiện siêu âm, kiểm tra nước ối để xem xét việc lựa chọn sinh thường hay sinh mổ dựa vào sự tư vấn của bác sĩ.
Ở những tuần cuối, bác sĩ sẽ xem xét tình trạng của thai nhi và sản phụ, hướng dẫn lựa chọn phương pháp sinh phù hợp
Với mong muốn đồng hành chăm sóc sức khỏe mẹ bầu trong thai kỳ, giúp các mẹ vượt cạn an toàn, không lo sinh khó, hệ thống Y tế Thu Cúc TCI đã triển khai dịch vụ thai sản trọn gói với toàn bộ các phương pháp khám, xét nghiệm cần thiết. Sở hữu phòng khám hiện đại với hệ thống thiết bị tân tiến, đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, Thu Cúc TCI đã trở thành điểm đến, lựa chọn hàng đầu của hàng ngàn mẹ bầu.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.