Theo thống kê, hiện có khoảng 2-3% trẻ em sinh ra mắc phải các dị tật bẩm sinh và rất nhiều căn bệnh có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống, quá trình phát triển bình thường của trẻ: Hội chứng Down, hội chứng Edward, Patau,… Do đó, khám sàng lọc trước sinh giúp mẹ nhận định được sớm sức khỏe của bản thân và thai nhi, từ đó có sự lựa chọn cách thức sinh nở, can thiệp, khắc phục bệnh lý, những bất thường ở thai nhi ngay từ sớm.
1. Đối tượng nào cần khám sàng lọc thai kỳ trước sinh?
Phụ nữ mang thai đều cần được khám sàng lọc. Tuy nhiên, những đối tượng sau cần đặc biệt chú ý tới thời gian khám cũng như tìm hiểu kỹ về các giai đoạn:
– Mẹ bầu có sức khỏe kém, cơ địa nhạy cảm.
– Mẹ bầu thường xuyên sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn hay làm việc trong môi trường độc hại, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe.
– Mẹ bầu thường xuyên bị áp lực tâm lý, căng thẳng kéo dài, stress.
– Mẹ bầu từng bị sảy thai không rõ nguyên nhân.
– Mẹ bầu có tiền sử mắc các bệnh lý mãn tính hoặc các bệnh có yếu tố dị tật do di truyền.
Vì vậy, khám thai định kỳ sẽ giúp cho mẹ bầu nắm được tình trạng sức khỏe của thai nhi, nhận thấy được những biến chứng thai kỳ cũng như nhận biết được những một số dị tật có thể xảy ra. Điều này rất có ý nghĩa bởi sẽ giúp cho mẹ lựa chọn được phương pháp sinh nở, giải pháp khắc phục tốt nhất.
Đối với nhóm đối tượng trên, trong quá trình khám sàng lọc trước khi sinh, các bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm bên ngoài quy trình nếu thấy có điểm bất thường. Việc này là rất cần thiết vì có thể các mẹ sẽ được phát hiện sớm những nguy cơ tiềm ẩn trong thai kỳ, có hướng xử lý, khắc phục sớm để đảm bảo an toàn cho thai nhi. Ngoài ra, việc thực hiện các xét nghiệm này cũng giúp các bác sĩ tiên lượng được tình trạng của thai phụ, thai nhi khi bước vào phòng sinh, có sự chuẩn bị tốt nhất cho mọi tình huống có thể xảy ra.
Khám sàng lọc trước sinh giúp mẹ bầu kiểm soát tình trạng sức khỏe của bản thân và thai nhi
2. Những thời điểm cần khám sàng lọc
Việc khám sàng lọc trước sinh cần được thực hiện vào những thời điểm thích hợp. Cụ thể, mẹ bầu hãy tham khảo một số mốc thời điểm sau.
2.1. Trong 3 tháng đầu của thai kỳ
Một số xét nghiệm sàng lọc trong quá trình khám thai sẽ được thực hiện trong 3 tháng đầu của thai kỳ (từ tuần thứ 9 đến tuần thứ 13). Xét nghiệm sàng lọc này sẽ được thực hiện như sau:
– Lấy máu làm NIPT nếu mẹ bầu từng gặp các vấn đề như thai lưu, sảy thai,… trước đó.
– Siêu âm để đo độ mờ da gáy.
– Double test.
– Nhiễm sắc thể bất thường 13, 18.
– Phát hiện đa thai thông qua quy trình khám thai.
Các mẹ bầu lưu ý có thể thực hiện khám sàng lọc từ 3 tháng đầu
2.2. Khám sàng lọc trước sinh 3 tháng giữa thai kỳ
Nếu mẹ bầu bỏ lỡ những xét nghiệm sàng lọc 3 tháng đầu thai kỳ, có thể yên tâm thực hiện khám sàng lọc tại 3 tháng giữa thai kỳ tiếp theo (tuần 14 đến tuần 18). Trong giai đoạn này, các mẹ bầu sẽ thực hiện phương pháp xét nghiệm sàng lọc huyết thanh mẹ (MSS) hoặc thực hiện xét nghiệm bộ ba (Triple test).
Các bước khám thai trong 3 tháng giữa thai kỳ sẽ bao gồm:
– Xét nghiệm máu: Phân tích máu sẽ cho kết quả chính xác nhất về tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi. Đồng thời, khám sàng lọc cũng phát hiện được những bất thường nhiễm sắc thể, tỉ lệ dị tật bẩm sinh ở thai nhi, phát hiện sớm nguy cơ hội chứng Down, Edward,…
– Siêu âm kiểm tra thai: Hình thái học thai nhi rõ nét nhất từ tuần 18 đến 22 tuần của thai kỳ. Việc siêu âm trong giai đoạn này có thể cho thấy rõ sự phát triển của thai, phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh.
– Chọc ối: Bác sĩ thực hiện chọc hút dịch ối để làm nhiễm sắc đồ, phân tích yếu tố di truyền của thai nhi. Từ tuần thứ 15 đến tuần thứ 20 của thai kỳ, mẹ bầu có thể thực hiện chọc ối. Phương pháp này thường được khuyên dùng với các mẹ bầu trên 35 tuổi, có tiền sử bệnh di truyền hoặc trong ba tháng đầu sàng lọc phát hiện thai có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh.
– Nghiệm pháp dung nạp đường huyết: Để tránh nguy cơ tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu nên thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường huyết từ tuần 24 đến 28. Đối với một số trường hợp, nghiệm pháp này có thể được chỉ định sớm hơn qua các mốc khám thai.
2.3. Khám sàng lọc trước sinh 3 tháng cuối thai kỳ
Từ tuần 28 đến 40, mẹ bầu sẽ được siêu âm để phát hiện một số dị tật muộn ở thai nhi như các dị tật tại đường tiêu hóa, não,… Ngoài ra, mẹ bầu sẽ được xét nghiệm vi khuẩn liên cầu nhóm B (GBS), một loại vi khuẩn được truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh.
3. Khám sàng lọc thai kỳ trước sinh gồm phương pháp nào?
Hiện nay, các gói khám thai rất phổ biến và có thể mang lại hiệu quả cao trong việc phát hiện dị tật bất thường ở thai nhi. Thông thường, các bác sĩ khuyến nghị mẹ bầu nên thực hiện các gói sàng lọc sau:
3.1. Double test
Sàng lọc double test (sàng lọc huyết thanh) là một phần trong bước khám sàng lọc trước sinh toàn diện trong 3 tháng đầu thai kỳ. Xét nghiệm này cho thấy sự bất thường của nhiễm sắc thể, đưa ra các chỉ số về nồng độ trong máu như gonadotrophin, beta-hCG và protein huyết tương A (PAPP-A).
3.2. Triple test
Trong 3 tháng giữa thai kỳ, thời gian đầu, mẹ bầu sẽ được thực hiện sàng lọc triple test. Nếu nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể cao, mẹ bầu sẽ được hướng dẫn những xét nghiệm cần thiết để biết được thai nhi có dị bội hay không.
3.3. Sàng lọc trước sinh NIPT
Việc thực hiện xét nghiệm hoặc sàng lọc không xâm lấn trước khi sinh (NIPT) được tiến hành trong 3 tháng đầu của thai kỳ, thường sau tuần thai thứ 9. Sàng lọc này được thực hiện trên kết quả của việc giải trình gen nhằm phân tích các ADN tự do của thai nhi trong tế bào máu của mẹ. Qua đó, bác sĩ có thể đánh giá được những bất thường liên quan và các bất thường của nhiễm sắc thể trong các giai đoạn khám thai.
Các phương pháp khám sàng lọc trước sinh sẽ được thực hiện dựa trên thời gian, tình trạng của mẹ và thai nhi
4. Quá trình sàng lọc quan trọng thế nào?
Việc khám thai, kiểm tra sức khỏe thai kỳ trước sinh có thể giúp các mẹ nắm rõ tình trạng sức khỏe của bản thân. Đồng thời, thông qua đây, các mẹ có thể biết được:
– Nhóm máu.
– Nguy cơ tiểu đường thai kỳ, tình trạng thiếu máu hoặc một số vấn đề khác.
– Khả năng kháng lại một số bệnh của hệ miễn dịch.
– Phát hiện các bệnh về đường tình dục, nguy cơ ung thư cổ tử cung.
– Tình trạng hiện tại của thai nhi: Kích thước, giới tính, xác định tuổi thai và vị trí của thai trong tử cung.
– Thai nhi có nguy cơ dị tật, khiếm khuyết bất thường hoặc bất cứ vấn đề bệnh lý nào khác hay không sẽ được phát hiện sớm qua các giai đoạn khám sàng lọc.
Do vậy, có thể nhận thấy tầm quan trọng của việc khám sàng lọc, kiểm tra tình trạng sức khỏe trước sinh hay còn gọi là khám thai định kỳ. Giai đoạn chuẩn bị cho quá trình sinh nở không thể xem thường. Vì vậy, các mẹ bầu cần nghiêm túc đi khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, kiểm tra theo từng mốc thai kỳ và thực hiện đúng lời dặn, những chỉ định mà bác sĩ đã đưa ra.
Việc khám sàng lọc sẽ thuận tiện hơn khi chị em sử dụng các gói thai sản tại một số đơn vị y tế chất lượng, uy tín, có khoa Sản phục vụ cho quá trình mang thai, sinh con của bạn. Gói thai sản sẽ giúp các mẹ bầu theo dõi liền mạch, sát sao tình trạng sức khỏe của bản thân cũng như thai nhi trong bụng suốt quá trình mang thai, được hỗ trợ tư vấn phương pháp sinh phù hợp và được chăm sóc sau khi sinh để tránh những bệnh lý hậu sản ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI là địa chỉ hàng đầu được chị em lựa chọn trong việc chăm sóc sức khỏe trước, trong và sau quá trình sinh nở. Quy tụ những bác sĩ chuyên khoa hàng đầu từ các bệnh viện lớn, sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ cao, hình ảnh rõ nét, kết quả chính xác, đem đến cho mẹ bầu trải nghiệm hài lòng và giúp chị em yên tâm hơn trong suốt thai kỳ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.