Vòi trứng bị tắc là một trong những nguyên nhân tăng tỷ lệ vô sinh ở nữ giới. Đây là một dạng bệnh lý tuy không hiếm nhưng còn khá mơ hồ đối với chị em. Nhìn chung, tắc vòi trứng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ nhưng có khả năng chữa khỏi nếu phát hiện kịp thời.
1. Vòi trứng bị tắc là gì?
Vòi trứng hay còn gọi là ống dẫn trứng là ống dẫn noãn từ buồng trứng tới tử cung. Tại đây có một đầu hở vào ổ bụng và đầu kia thông với buồng tử cung. Vòi trứng là nơi trứng và tinh trùng gặp nhau để thụ tinh. Quá trình thụ thai cũng diễn ra ở bên trong ống dẫn trứng.Vòi trứng tắc là trường hợp dính tắc, cản trở sự di chuyển của trứng về tử cung. Lúc này vòi trứng chỉ còn nhỏ bằng một chiếc đũa. Trong tình huống này, tinh trùng sẽ khó khăn khi di chuyển gặp trứng dẫn. Phụ nữ có thể bị mang thai ngoài tử cung hoặc vô sinh nếu để tình trạng kéo dài.
Quan hệ tình dục không an toàn dễ dẫn tới tình trạng viêm nhiễm, làm hẹp tắc ống dẫn trứng
2. Nguyên nhân gây tắc vòi trứng
– Sự viêm nhiễm của cổ tử cung và âm đạo dẫn đến tác động đến các bộ phận khác. Trong đó vòi trứng là một trong những thành phần dễ bị ảnh hưởng.
– Do quan hệ tình dục không an toàn: một số bệnh thường gặp như Chlamydia, bệnh lậu gây viêm nhiễm và làm hẹp tắc ống dẫn trứng.
– Người có tiền sử phẫu thuật, tiểu phẫu: nạo phá thai, các trường hợp phẫu thuật ổ bụng gây xơ dính làm vòi trứng không thông.
3. Triệu chứng phổ biến của bệnh tắc vòi trứng
Tắc vòi trứng có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Chị em phụ nữ có thể lưu tâm đến một trong những dấu hiệu sau để đi khám khi cần thiết:
– Dấu hiệu vô sinh: Thông thường phụ nữ trong thời gian dài không thể thụ thai có thể do vòi trứng tắc. Cách duy nhất xác định chính xác nguyên nhân vô sinh từ đâu, bắt buộc phải đến cơ sở y tế có chuyên môn để khám.
– Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt: Khi tắc vòi trứng, buồng trứng và việc rụng trứng bị ảnh hưởng làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Việc chu kỳ hành kinh không ổn định được xem như là một triệu chứng báo hiệu bất ổn từ vòi trứng.
– Đau bụng: Thường xuyên đau bụng không rõ nguyên nhân ở các vùng bụng phía dưới kèm theo các dấu hiệu trên. Cơn đau ngày càng kéo dài và tần suất cao ở những ngày hành kinh. Nếu rơi vào các trường hợp đó, hãy đi khám để xác định nguyên nhân do ống dẫn trứng hay do các nguyên nhân khác.
– Các triệu chứng khác: Đôi khi những người bệnh tắc vòi trứng còn có biểu hiện đi tiểu nhiều bất thường, đau khi quan hệ tình dục, tâm trạng uể oải dễ chán nản, rối loạn chức năng tiêu hóa,…
Đau bụng là một trong những triệu chứng cảnh báo bệnh lý vòi trứng bị tắc
4. Bị tắc vòi trứng có kinh nguyệt không?
Thực tế, hầu như phụ nữ bị tắc một hoặc hai bên vòi trứng vẫn có kinh nguyệt bình thường. Tuy không rơi vào trường hợp vô kinh, nhưng rối loạn kinh nguyệt hoàn toàn có thể xảy ra.Dù vòi trứng có bị tắc thì buồng trứng vẫn hoạt động theo đúng chức năng. Đặc biệt với cấu tạo của cơ quan sinh sản phụ nữ gồm 2 vòi trứng và 2 buồng trứng khác nhau. Nếu bị tắc 1 bên vòi trứng, bên kia hoạt động bình thường thì nữ giới vẫn có khả năng thụ thai. Tuy vậy, vòi trứng bị hẹp vẫn gây một số hiện tượng như đau bụng dưới, chu kỳ hành kinh không ổn định.
5. Điều trị vòi trứng bị tắc như thế nào?
Sau khi khám và xác định rằng bệnh lý liên quan đến vòi trứng, ngoài những chỉ định về chuyên môn, người bệnh cũng nên có hướng chăm sóc sức khỏe. Các chuyên gia khuyên rằng, để kết hợp chữa trị hoặc tránh tái phát đảm bảo sức khỏe ổn định nên lưu ý các vấn đề sau:
– Vệ sinh âm đạo đúng cách. Trong thời kỳ kinh nguyệt, sau sảy thai, sau khi thực hiện các thủ thuật liên quan đến bộ phận sinh dục cần đặc biệt cẩn trọng trong vấn đề vệ sinh.
– Tâm lý thoải mái, đừng quá lo lắng nếu gặp vấn đề về sức khỏe sinh sản. Tham vấn bác sĩ có chuyên môn, tránh tham khảo những nguồn tin không chính thống dễ gây hoang mang.
– Hình thành thói quen ăn uống khoa học và nhiều dưỡng chất có lợi. Hạn chế thức ăn nhanh, đồ có cồn, đồ cay nóng, các chất kích thích,…
– Rèn luyện sức khỏe, tăng cường thể trạng để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
– Sinh hoạt tình dục lành mạnh để hạn chế các bệnh lây lan gây viêm nhiễm. Đồng thời tránh tái phát bệnh sau khi điều trị hoặc tạo môi trường hình thành bệnh không đáng có.
– Khám sức khỏe sinh sản định kỳ, ít nhất 6 tháng/lần.
Chị em cần đến các cơ sở y tế có uy tín để thực hiện các phương pháp thông tắc vòi trứng
6. Vòi trứng bị tắc hiện nay có chữa trị được không?
Tin vui cho chị em bị tắc vòi trứng là căn bệnh này hoàn toàn có thể chữa khỏi được. Tuy nhiên vẫn phụ thuộc vào thể trạng mỗi người, diễn biến của bệnh. Phát hiện càng sớm, khả năng điều trị dứt điểm càng cao. Với từng người, sau khi đánh giá nguyên nhân và tình trạng bệnh lý sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.
– Phương pháp điều trị nội khoa: Với bệnh nhân được chỉ định viêm vòi trứng dạng nhẹ, chỉ cần sử dụng thuốc kháng viêm, tiêu viêm. Cách chữa này không gây đau đớn cho người bệnh mà vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên bắt buộc phải theo chỉ định của bác sĩ.
– Phương pháp điều trị ngoại khoa: Trường hợp ống dẫn trứng bị tắc nặng hơn thì phương pháp thông tắc vòi trứng thông thường sẽ được sử dụng. Một số điều trị thông dụng là phẫu thuật nội soi ống dẫn trứng, bơm hơi để thông tắc vòi trứng, phẫu thuật nối ống dẫn trứng, phẫu thuật nội soi tái tạo loa vòi,…
Những kiến thức cơ bản về tắc ống dẫn trứng là một phần quan trọng để chị em hiểu và bảo vệ sức khỏe sinh sản. Việc tiến hành khám phụ khoa định kỳ hoặc tham vấn ý kiến bác sĩ kịp thời khi có dấu hiệu khác thường sẽ giúp phát hiện và triệt tiêu mầm bệnh sớm. Các phương pháp điều trị hiện nay từ các cơ sở y tế uy tín phần lớn sẽ giải quyết được vấn đề nên chị em yên tâm giữ tinh thần lạc quan.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.