Parkinson là bệnh lý do thoái hóa hệ thần kinh, thường gặp ở người lớn tuổi. Bệnh đặc trưng bởi cử động chậm chạp, cứng đờ, run và rối loạn thăng bằng. Cùng tìm hiểu bệnh parkinson ở người già từ nguyên nhân đến cách điều trị, ngay trong bài viết dưới đây.
1. Nguồn gốc phát hiện ra bệnh Parkinson
Một bác sĩ người Anh có tên là James Parkinson đã phát hiện và mô tả căn bệnh gây tàn phế cho hơn 100 ngàn người Canada, một triệu người Mỹ và 6 triệu người trên thế giới bị vào năm 1817 và đặt tên cho căn bệnh đó là bệnh Parkinson.
Hầu hết những người mắc bệnh parkinson là trên 55 tuổi nhưng một số ít (khoảng dưới 10%) cũng có thể gặp ở những người trẻ tuổi.
2. Nguyên nhân gây bệnh parkinson
Sự mất đi các tế bào não có khả năng sản sinh chất dopamine căn nguyên gây ra bệnh parkinson. Nhưng cho đến hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa lý giải chính xác được nguyên nhân nào đã khiến các tế bào não có chứa chất dopamine bị chết đi.
Giả thuyết cho đến hiện nay, các chuyên gia vẫn tin rằng Parkinson có sự tương giác giữa các yếu tố của môi trường bên ngoài với tính mẫn cảm di truyền của cơ thể. Người ta đã phát hiện ra rất nhiều các khiếm khuyết về gen gây ra bệnh parkinson.
Mặc dù không thể khẳng định chắc chắn rằng bệnh parkinson có di truyền, bởi đại đa số các trường hợp bị parkinson vẫn chỉ xảy ra lác đác, không có tính di truyền. Tuy nhiên, theo nghiên cứu ở những bệnh nhân bị thể parkinson xuất hiện kiểu ngẫu nhiên như vậy thì các bà con trực tiếp của bệnh nhân cũng sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn so với người ở gia đình không có người mắc bệnh parkinson.
Sự thiếu hụt dopamine trong não được nhiều chuyên gia cho rằng đó là căn nguyên gây gây bệnh parkinson (mặc dù điều này chưa được khẳng định chắc chắn).
3. Bệnh Parkinson ở người già có những triệu chứng gì?
3.1 Biểu hiện bệnh parkinson ở người già khi ở giai đoạn nhẹ
Run: run bàn tay, cánh tay hoặc chân. Biểu hiện run thường khởi phát ở một bên người, run xuất hiện ngay cả khi người bệnh nghỉ ngơi, hay khi thực hiện các công việc thường ngày.
Cử động chậm chạp: người bệnh parkinson thường có bước chân đi chậm và kéo lê bước.
Rối loạn thăng bằng, cứng đờ các cơ bắp, giảm biểu cảm nét mặt, chảy nước dãi.
3.2 Biểu hiện bệnh parkinson ở người già khi ở giai đoạn nặng
Khi bệnh parkinson tiến triển ở giai đoạn muộn (bệnh nặng), người bệnh sẽ có nhiều triệu chứng nặng nề hơn như sau: giảm biểu cảm của nét mặt, chảy nước dãi, khó khăn khi xoay trở người, tư thế người đông cứng (đông cứng dáng đi), dáng đứng còng xuống, mệt mỏi, chữ viết nhỏ lại, táo bón, rối loạn giấc ngủ, giọng nói thều thào, rối loạn chức năng nuốt, rối loạn trí nhớ và khả năng tư duy, trầm cảm, lo sợ, đau, rối loạn cảm giác đau, rối loạn đại tiểu tiện, rối loạn chức năng tình dục, da khô, chóng mặt khi đứng và dễ bị té ngã. Khi bệnh ngày càng nặng thì các biểu hiện sẽ ngày càng nhiều và nổi trội hơn.
Ở giai đoạn bệnh nặng, người bệnh parkinson thường mệt mỏi, mất thăng bằng dễ bị té ngã, rối loạn chức năng nuốt,… cần sự hỗ trợ từ phía gia đình và bạn bè.
4. Chẩn đoán bệnh parkinson bằng cách nào?
Khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh là biện pháp chủ yếu được sử dụng để chẩn đoán bệnh parkinson hiện nay. Dựa trên lời kể của người bệnh, khai thác yếu tố di truyền và dựa vào việc khám bệnh, một chuyên gia nội thần kinh giàu kinh nghiệm sẽ có thể chẩn đoán đúng bệnh parkinson. Đôi khi cũng cần phải theo dõi một thời gian, rồi mới kết luận chắc chắn được dựa trên các triệu chứng của bệnh.
Hiện nay, chưa có một xét nghiệm nào có thể dùng để chẩn đoán khẳng định bệnh parkinson. Trong quá trình thăm khám với bác sĩ, nếu có các yếu tố nghi ngờ, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính CT-scan hoặc chụp cộng hưởng từ não MRI để hỗ trợ chẩn đoán và loại trừ.
5. Điều trị bệnh parkinson ở người già
Parkinson là một bệnh phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy cho cuộc sống của người bệnh. Người mắc bệnh parkinson có thể phải đối mặt với nguy cơ tàn phế, suy giảm tuổi thọ.
Mặc dù cho đến hiện nay chưa có phương pháp nào có thể điều trị khỏi bệnh parkinson. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể được điều trị tốt được nhờ dùng thuốc đúng đắn, vật lý trị liệu và các phương pháp trợ giúp khác, để có thể chung sống “hòa bình” với bệnh trong nhiều năm.
Sử dụng thuốc và luyện tập phục hồi chức năng là căn bản. Ngoài ra, cũng có thể phẫu thuật não (đặt điện cực kích thích não sâu) cho một vài trường hợp đã được chọn lọc. Đối với những người hợp bệnh nặng, cần phải điều chỉnh lại số lượng thuốc và số lần sử dụng thuốc. Cần lưu ý rằng các thuốc cũng có thể có tác dụng phụ nên người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Thu Cúc TCI có khám và điều trị bệnh parkinson.
6. Các biện pháp hỗ trợ điều trị
Các phương pháp phục hồi chức năng, vật lý trị liệu sẽ góp phần làm tăng khả năng vận động và làm giảm các rối loạn thăng bằng cho bệnh nhân parkinson. Ngoài ra, phương pháp trị liệu ngôn ngữ cũng sẽ giúp làm giảm các rối loạn về chức năng nói và nuốt của người bệnh. Người bệnh parkinson cũng nên thực hiện các bài tập kiểu như yoga hay thái cực quyền, điều này rất có ích cho các bộ phận như tay chân được linh hoạt hơn giúp làm nhẹ bớt các khó khăn trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Tập đi bộ hàng ngày là biện pháp đơn giản nhưng cũng khá hiệu quả với bệnh nhân parkinson. Bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị để lựa chọn những bài tập vật lý trị liệu sao cho đúng.
Chế độ ăn thì nên tăng cường nhiều chất xơ và nước để chống táo bón, vì bệnh parkinson thường gây táo bón.
Hãy tham gia hội nhóm những người mắc bệnh parkinson để được giao lưu, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm, giảm cảm giác tự ti, trầm cảm.
Mỗi một bệnh nhân parkinson có một kiểu tiến triển bệnh khác nhau. Chính vì vậy, việc người bệnh và người nhà bệnh nhân chủ động theo dõi sức khỏe của người bệnh qua từng ngày sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình điều trị của bác sĩ, để bác sĩ xem xét liệu có cần phải điều chỉnh phương pháp điều trị cho người bệnh hay không.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.