Đau vùng kín sau khi quan hệ là một vấn đề sức khỏe phụ nữ phổ biến mà nhiều người phụ nữ đã từng trải qua ít nhất một lần trong đời. Đây là một trạng thái không chỉ gây khó chịu mà còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe tổng thể của phụ nữ. Thế nhưng, nguyên nhân gây ra hiện tượng này thì không phải ai cũng biết. Cùng tìm hiểu về nguyên nhân trong bài viết này nhé!
1. Nguyên nhân gây đau vùng kín sau khi quan hệ
Nguyên nhân có thể gây ra đau vùng kín ở nữ giới khá đa dạng. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến.
1.1. Viêm đường tiết niệu
Đau vùng kín sau quan hệ là dấu hiệu điển hình của bệnh viêm đường tiết niệu. Chị em phụ nữ thường là đối tượng dễ mắc bệnh hơn nam giới do có cấu tạo ống niệu đạo ngắn hơn.
Đau vùng kín sau khi quan hệ có thể là dấu hiệu điển hình của bệnh viêm đường tiết niệu
Khi mắc bệnh, người bệnh thường có cảm cảm tiểu rát, tiểu buốt, tiểu nhiều lần, nhất là cảm thấy đau rát sau khi quan hệ. Hiện tượng này đôi khi cũng xảy ra khi mặc quần lót hoặc quần quá chật.
Ngoài ra, người bệnh còn cảm thấy khí hư ra nhiều, có mùi hôi và ngứa rát…
1.2. Viêm bàng quang
Nguyên nhân gây viêm bàng quang chủ yếu là do vi khuẩn. Bệnh có thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, đau rát mỗi lần đi tiểu, sau khi quan hệ.
1.3. Viêm âm đạo
Khi mắc bệnh này, chị em cũng sẽ cảm thấy đau vùng kín sau quan hệ, tiểu buốt, ngứa vùng kín, khí hư có màu và mùi bất thường.
Nguyên nhân gây viêm âm đạo thường do vệ sinh vùng kín chưa đúng cách hoặc có quan hệ tình dục không an toàn…
1.4. Do vùng kín bị tổn thương
Nếu cảm thấy đau vùng kín sau quan hệ kèm hiện tượng đau rát thì rất có thể do quá trình quan hệ mạnh bạo, gây ra những cọ sát mạnh, làm tổn thương vùng kín.
Hiện tượng này cũng có thể khiến chị em dễ mắc bệnh viêm nhiễm âm đạo nếu không vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách sau khi quan hệ.
1.5. Do âm đạo bị khô
Nếu bị stress, căng thẳng thường xuyên hoặc đang ở thời kì tiền mãn kinh, lượng hormone trong cơ thể chị em sẽ có những thay đổi nhất định, vì vậy gây ra hiện tượng khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục, từ đó khiến chị em bị đau vùng kín sau quan hệ.
Hiện tượng này cũng xảy ra với những chị em phải chịu hậu quả của việc sử dụng thuốc tránh thai.
1.6. Mắc bệnh lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu
Đây là hai căn bệnh có dấu hiệu và triệu chứng điển hình là đau vùng kín sau quan hệ hoặc bị đau rát vùng kín khi đang trong kì nguyệt san. Ngoài ra, khi mắc một trong hai bệnh này, người bệnh còn bị ra rất nhiều máu trong chu kì kinh nguyệt.
1.7. Viêm cổ tử cung
Khi bị viêm cổ tử cung, chị em sẽ đau vùng kín sau quan hệ, đau bụng dưới, ra nhiều dịch âm đạo… Đây là một căn bệnh khá nguy hiểm, có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe sinh sản của nữ giới, thậm chí có thể gây vô sinh, hiếm muộn nếu không được xử trí kịp thời.
1.8. Mắc các bệnh xã hội lây nhiễm qua đường tình dục
Các bệnh xã hội nguy hiểm có thể lây nhiễm qua đường tình dục như bệnh sùi mào gà, bệnh lậu, bệnh mụn rộp sinh dục… cũng khiến cho người bệnh có cảm giác đau vùng kín sau quan hệ.
Các bệnh này cũng cần được phát hiện và xử trí kịp thời để không gây ra những biến chứng không mong muốn.
Để xác định chính xác nguyên nhân gây đau vùng kín sau quan hệ, chị em cần tới bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn điều trị phù hợp. Việc chăm sóc sức khỏe và tình dục an toàn là quan trọng để duy trì sức khỏe tổng thể của phụ nữ.
2. Cách giảm đau vùng kín sau quan hệ
Sau khi quan hệ, chườm đá vào âm hộ có thể giúp giảm đau và rát. Đặt đá lạnh vào một túi vải sau đó chườm lên vùng kín trong khoảng 15 phút. Lưu ý không nên chườm đá lạnh trực tiếp lên vùng kín vì có thể gây bỏng lạnh.
Ngoài ra, ở những lần quan hệ sau chị em nên lưu ý đến một số điều để không gặp đau sau quan hệ tình dục:
– Sử dụng chất bôi trơn khi quan hệ: Chất bôi trơn dạng lỏng là một lựa chọn tốt nếu âm đạo của bạn bị khô hoặc nhạy cảm với ma sát. Chất bôi trơn gốc silicon thường tồn tại lâu hơn và mượt mà hơn so với chất bôi trơn dạng nước. Tuy nhiên, hãy chú ý khi sử dụng chất bôi trơn cùng với bao cao su, vì chúng có thể làm hỏng bao cao su bằng cách làm tan mủ bao cao su.
Sử dụng chất bôi trơn khi quan hệ giúp giảm đau vùng kín sau quan hệ
– Thử thay đổi tư thế khi quan hệ: Thực hiện các tư thế nhẹ nhàng, đồng thời tìm kiếm các tư thế phù hợp với bạn để giảm cảm giác đau trong và sau khi quan hệ.
– Giảm đau trước quan hệ: Đi tiểu trước quan hệ để thư giãn bàng quang, tắm nước ấm hoặc uống thuốc giảm đau trước khi giao hợp.
3. Khi nào đau vùng kín sau quan hệ cần gặp bác sĩ
Đau vùng kín sau quan hệ có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, và không phải lúc nào cũng cần gặp bác sĩ ngay lập tức. Tuy nhiên, có những tình huống cụ thể khi bạn nên thăm khám bác sĩ để kiểm tra và được điều trị:
– Triệu chứng kéo dài: Nếu đau vùng kín sau quan hệ kéo dài trong thời gian dài và không giảm đi sau vài ngày, đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng và cần được kiểm tra bởi bác sĩ.
– Đau quá mức: Nếu cảm giác đau quá mức, gây khó khăn trong cuộc sống hàng ngày hoặc quan hệ tình dục trở thành một gánh nặng không thể chịu đựng, bạn nên thăm khám để tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị.
Nếu đau vùng kín quá mức bạn nên đến gặp bác sĩ để khám và được hỗ trợ y tế
– Có triệu chứng bổ sung: Nếu đau kèm theo các triệu chứng khác như ngứa, tiết âm đạo bất thường, mùi hôi, xuất hiện một lượng lớn máu hoặc dịch âm đạo không bình thường, bạn cần tới bác sĩ ngay.
– Tình trạng lặp đi lặp lại: Nếu bạn thường xuyên gặp phải đau vùng kín sau quan hệ, thậm chí sau khi đã thử các biện pháp tự chăm sóc, điều này có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và cần được khám và điều trị.
– Có mối nguy cơ nhiễm trùng hoặc bệnh xã hội: Nếu bạn có mối nguy cơ nhiễm trùng hoặc đã tiếp xúc với người mắc bệnh xã hội, cần tới bác sĩ để được kiểm tra và xác định liệu bạn có mắc bệnh không.
Khi gặp những tình huống trên, quan trọng nhất là không nên tự điều trị mà nên thăm khám và thảo luận với bác sĩ chuyên khoa phụ khoa. Bác sĩ sẽ đặt ra các câu hỏi, thực hiện kiểm tra lâm sàng, và đưa ra đề xuất điều trị phù hợp dựa trên nguyên nhân cụ thể của vấn đề của bạn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.