Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ ở người lớn tuổi và nhiều người trẻ hiện nay. Cùng tìm hiểu cơ chế lý giải tại sao tăng huyết áp lại dẫn tới đột quỵ? Làm thế nào để kiểm soát và phòng ngừa bệnh tăng huyết áp? ngay trong bài viết dưới đây.
1. Vì sao tăng huyết áp lại dẫn tới đột quỵ não?
Đột quỵ não là một phần não bị hư hại đột ngột do mất máu nuôi não (thiếu máu não cục bộ) hoặc vỡ mạch máu não (xuất huyết não).
Người bị tăng huyết áp thường đi kèm với xơ vữa động mạch. Khi mảng xơ vữa ở thành mạch dày dần lên, gây bít hẹp dần lòng mạch cản trở máu lưu thông, kết hợp với sự hình thành cục máu đông. Khi huyết áp tăng cao làm gia tăng áp lực bơm máu lên thành mạch, đẩy cục máu đông di chuyển xa hơn gây tắc nghẽn mạch máu não hoặc gây xuất huyết não làm chảy máu, chèn ép não bộ, xuất huyết khoang dưới nhện (mạch máu bị vỡ gây chảy máu vào khoang trống bao quanh não).
Cao huyết áp là nguyên nhân gây đột quỵ, bệnh ngày càng trẻ hóa. Hiện nay nhiều người trẻ, thậm chí là lứa tuổi thanh thiếu niên kể cả trẻ em cũng đã xuất hiện nhiều trường hợp bị huyết áp cao. Nếu thói quen ăn uống, sinh hoạt và vận động của những người trẻ này không khoa học, rất dễ đẩy họ đối mặt với nguy cơ đột quỵ não gần kề.
Theo các chuyên gia y tế, tăng huyết áp được ví như kẻ giết người thầm lặng. Người bị huyết áp cao, có nguy cơ mắc các bệnh khác đặc biệt là tim mạch và tai biến mạch máu não (đột quỵ) gấp 3 hoặc 4 lần so với người bình thường. Ngoài ra, huyết áp cao có thể gây ra cơn đau tim, suy thận, và thậm chí dẫn đến tử vong.
Tăng huyết áp tâm thu hay huyết áp tâm trương đều có nguy cơ gây tai biến. Việc duy trì chỉ số huyết áp ổn định là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc ngăn ngừa đột quỵ xảy ra.
Tăng huyết áp kéo dài làm co cứng thành mạch, dễ hình thành cục máu đông gây đột quỵ não.
2. Huyết áp cao là gì?
Huyết áp là áp suất của máu trong thành động mạch. Nó rất cần thiết để luân chuyển máu trong cơ thể của bạn. Khi áp xuất trong máu duy trì ở mức cao trong một thời gian dài được gọi là tăng huyết áp (hay huyết áp cao). Tình trạng này khiến cho tim phải làm việc nhiều hơn.
Huyết áp ở người bình thường là dưới 120/80. Số trên (huyết áp tâm thu) cho bạn biết huyết áp trong động mạch khi tim đập. Số dưới (huyết áp tâm trương) cho bạn biết huyết áp trong động mạch khi tim nghi
– Huyết áp 120/80 tới 139/89: được gọi là Tiền – Cao huyết áp. Điều này có nghĩa là bạn vẫn chưa bị cao máu nhưng có thể sẽ bị, trừ khi bạn phải thay đổi một số thói quen trong việc giữ gìn sức khỏe.
– Huyết áp 140/90 hoặc hơn: được gọi là cao huyết áp. Bạn nên đi thăm khám và thảo luận với bác sĩ của bạn để biết cách hạ huyết áp.
3. Khi nào cần đo huyết áp
Bệnh cao huyết áp không chỉ là nguyên nhân gây đột quỵ mà còn là nguyên nhân của nhiều bệnh lý ở tim mạch. Người mắc bệnh huyết áp cao thường không có biểu hiện triệu chứng cụ thể nào ngoài việc hay đau đầu, mặt đỏ bừng bừng khi vận động quá sức hay đi trời nắng về. Cách duy nhất để biết bạn có mắc bệnh hay không là phải đo huyết áp. Bạn nên đo ít nhất 1 lần trong 1 năm.
Nếu bạn đang bị bệnh mỡ máu cao (rối loạn mỡ máu) thì cần phải đo thường xuyên hơn.
Những người mắc bệnh lý tim mạch, dư cân béo phì, hay bị đau đầu, người lớn tuổi nên đo huyết áp thường xuyên đều đặn mỗi ngày.
Người bị huyết áp cao cần đo huyết áp thường xuyên, người không bị huyết áp cao nên thăm khám và đo huyết áp định kỳ, nếu có biểu hiện nghi ngờ huyết áp cao cần đo luôn để chẩn đoán.
4. Biện pháp phòng ngừa cao huyết áp gây đột quỵ
4.1 Phòng ngừa cao huyết áp loại bỏ nguyên nhân gây đột quỵ
– Giữ số cân lành mạnh
Cố gắng đừng lên cân, cần xuống cân nếu bạn có số cân nặng hơn mức chỉ định. Cố gắng giảm cân từ từ, cho tới khi đạt được số cân chỉ định.
– Siêng năng vận động
Vận động nhẹ ít nhất 2 tiếng rưỡi mỗi tuần. Bạn có thể đi bộ, khiêu vũ, chơi thể thao, hoặc những môn thể dục yêu thích. Vận động mạnh ít nhất 2 ngày mỗi tuần và cần phải hoạt động toàn cơ thể, ví dụ như cử tạ và thái cực quyền. Lưu ý là bạn cần vận động phải vừa với sức khỏe của mình, không nên quá sức bởi vận động quá sức có thể gây tác dụng ngược lại vô tình đẩy nguy cơ đột quỵ tăng cao.
– Giảm các loại thực phẩm có nhiều muối và sodium
Bạn nên mua những thực phẩm có ghi “Sodium free”, “Low Sodium” hoặc “Reduced Sodium”. Hạn chế cho thêm nước tương hoặc nước mắm vào thức ăn khi đã mang bày ra bàn.
– Dùng những loại thực phẩm có nhiều chất bổ
Các loại rau và trái cây. Gạo nguyên hạt, bánh mì, ngũ cốc. Sữa và các sản phẩm làm từ sữa nhưng cần đảm bảo không có chất béo hoặc ít chất béo.
– Giảm các thức uống có chất cồn
Đối với nam giới tuyệt đối không hoặc hạn chế uống quá 2 ly rượu mỗi ngày. Đối với phụ nữ không nên uống quá 1 ly rượu mỗi ngày. Phụ nữ đang có thai và nuôi con bú thì tuyệt đối không nên uống rượu.
– Không hút thuốc lá, thuốc lào
– Giảm căng thẳng tâm thần
Stress có thể làm tăng huyết áp và dẫn tới đột quỵ.
– Thực hiện chế độ ăn giảm mỡ, bổ sung thêm nhiều chất xơ
4.2 Khám tầm soát nguy cơ đột quỵ
Tầm soát nguy cơ đột quỵ không chỉ giúp mỗi người phát hiện và kiểm soát tốt tình trạng tăng huyết áp, mà còn phát hiện ra các vấn đề bệnh lý nguy cơ khác. Mỗi người, nhất là người trong nhóm đối tượng nguy cơ, nên chủ động thăm khám tầm soát các nguy cơ đột quỵ, để có biện pháp xử trí kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.