Đột quỵ là bệnh lý cần cấp cứu khẩn cấp và càng trì hoãn cấp cứu và điều trị lâu thì khả năng người bệnh phục hồi càng kém. Những di chứng và mức độ nguy hiểm của bệnh cũng theo đó mà tăng lên. Do đó, nắm bắt thời điểm vàng cấp cứu đột quỵ và thời điểm để phòng ngừa bệnh giúp người bệnh có khả năng sống cao hơn.
1. Bệnh đột quỵ và những hệ lụy nguy hiểm khó lường
Đột quỵ nằm trong top đầu nguyên nhân tử vong trên toàn cầu và tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều người tử vong và tàn tật do căn bệnh này.
Tình trạng đột quỵ ngày càng gia tăng và trẻ hóa, đặc biệt trong thời điểm trời lạnh. Đối với các bệnh nhân đột quỵ thì thời gian để trì hoãn điều trị bệnh càng dài thì khả năng phục hồi của bệnh nhân càng thấp, tỷ lệ để lại di chứng là rất lớn.
Do đó, thời điểm sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân đột quỵ là vô cùng quan trọng và cấp thiết.
Bệnh nhân đột quỵ cần được sơ cấp cứu kịp thời
2. Những nguyên tắc về thời gian cấp cứu cho người bệnh đột quỵ
2.1 Thời điểm vàng cấp cứu đột quỵ cho người bệnh
Thời điểm tốt nhất để sơ cứu và cấp cứu cho người bệnh đột quỵ là khoảng 3 – 4 giờ sau khi có những triệu chứng đầu tiên. Lúc này, nếu được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời thì người bệnh hoàn toàn có khả năng phục hồi khỏe mạnh.
Thời gian này, bác sĩ thường chỉ định điều trị với thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch hoặc trong 6 giờ đầu tiên lấy huyết khối với dụng cụ cơ học của bệnh nhân đột quỵ. Thời điểm này đánh giá khả năng cứu sống và hạn chế di chứng cao.
Bên cạnh đó, thời điểm này cũng cần lưu ý về việc vận chuyển bệnh nhân để đảm bảo an toàn, không chỉ khẩn trương đúng quy trình mà còn cần đảm bảo an toàn.
2.2 Thời điểm vàng cấp cứu đột quỵ và phòng ngừa sớm
Người chưa từng mắc đột quỵ hay có những dấu hiệu đột quỵ nhẹ đều cần đến các cơ sở y tế để tầm soát nguy cơ đột quỵ sớm. Điều này cũng vô cùng cấp thiết đối với những trường hợp có các bệnh lý mạn tính như: tim mạch, mạch vành, cao huyết áp, xơ vữa động mạch…
Hiện nay có những gói khám giúp tầm soát phát hiện sớm nguy cơ đột quỵ thông qua đánh giá các bệnh lý trên và sức khỏe tổng quan. Từ đó có những khuyến cáo và tư vấn để ngăn chặn đột quỵ xảy ra. Trường hợp nguy hiểm có thể được can thiệp điều trị sớm.
Thăm khám sớm các bệnh lý nguy cơ có thể xác định được khả năng đột quỵ
3. Cách phát hiện sớm dấu hiệu bệnh nhân bị đột quỵ
3.1 Những triệu chứng điển hình của đột quỵ và cách phát hiện
Những triệu chứng của bệnh đột quỵ sẽ khác nhau ở mỗi người. Quy tắc FAST được xem là để ghi nhớ những dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ, được phân tích như sau:
– Face(mặt): Có xệ một bên mặt khi cố gắng cười không?
– Arms (tay) : Một cánh tay có thấp hơn khi cố gắng đưa cả hai tay lên không?
– Speech (lời nói): Có thể nói rõ ràng và nhắc lại câu nói không? Có nói lắp hoặc nói những câu kì lạ vô nghĩa không?
– Time(thời gian): Thời gian đột quỵ được tính theo từng giây bởi mỗi giây qua đi là rất nhiều tế bào não bị chết đi do đó ngay khi thấy những dấu hiệu đột quỵ cần gọi ngay cho cơ sở y tế ở địa phương để người bệnh được điều trị nhanh chóng. Những triệu chứng sớm của bệnh đột quỵ có thể kể đến bao gồm:
– Tê liệt nửa người hoặc yếu nửa người
– Thị lực kém hoặc mất thị lực ở một bên mắt
– Đau đầu đột ngột và dữ dội mà không có nguyên nhân cụ thể
– Chóng mặt, cơ thể loạng choạng ngã mà không rõ lý do, không đi kèm triệu chứng nào.
Bệnh đột quỵ có thể xuất phát từ nhiều yếu tố thậm chí vô căn không do nguyên nhân nào. Tuy nhiên cũng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ như: huyết áp cao, hút thuốc lá, đái tháo đường mạn tính, tim mạch, xơ vữa động mạch, có tiền sử bệnh đột quỵ, thói quen sinh hoạt xấu…
Căn bệnh này được đánh giá là tăng nguy cơ dần theo độ tuổi tuy nhiên hiện nay tỷ lệ người trẻ mắc đột quỵ ngày càng tăng cao.
3.2 Cách hỗ trợ bệnh nhân đột quỵ trong thời điểm vàng sơ cấp cứu
Đầu tiên, bạn cần đánh giá về ý thức của bệnh nhân và sau đó tiến hành sơ cứu phù hợp. Thông thường đột quỵ được chia thành hai trường hợp như sau:
– Trường hợp bệnh nhân mất hoàn toàn ý thức nhưng vẫn thở bình thường(hoặc thở không hoàn toàn tỉnh táo) thì hãy đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở vị trí thuận lợi. Sau đó gọi cấp cứu khẩn cấp ngay lập tức và nếu bạn không biết sơ cứu thì cần gọi thêm người hỗ trợ.
Sơ cứu sớm cho bệnh nhân đột quỵ đóng vai trò quan trọng trong cứu sống bệnh nhân
Điều quan trọng lúc này là được cấp cứu càng sớm càng tốt, đặc biệt là trong khoảng 1 đến 2 giờ đầu để tránh máu đông gây ra tắc mạch não.
– Trường hợp nếu như bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo thì cần hỗ trợ bệnh nhân sang một tư thế thoải mái, đắp chăn cho bệnh nhân để giảm bớt nhiệt nếu như lạnh.
Sau đó, bạn cần theo dõi tình trạng của bệnh nhân trong khi đợi xe cứu thương hoặc người hỗ trợ đến. Nếu bệnh nhân có bất kì sự thay đổi bất thường nào thì cần kịp thời xử lý. Những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra là bệnh nhân bị khó thở, sặc, nghẹn, co giật… Nếu bệnh nhân bị suy giảm ý thức thì cần hỗ trợ bệnh nhân nằm nghiêng và lấy dị vật khỏi đường thở, kể cả nước dãi.
Cuối cùng, khi đội ngũ y tế đến thì cần khai báo thời gian và hỗ trợ thông tin tình trạng của bệnh nhân để có hướng xử lý kịp thời nhất.
Hi vọng những thông tin về thời điểm “vàng” cấp cứu đột quỵ trên giúp người bệnh nắm được tổng quan những thông tin về thời gian và cách sơ cứu cho người bệnh đột quỵ. Trong những tình huống đột quỵ bất ngờ, bạn tuyệt đối lưu ý, điều đầu tiên mà bạn làm đó là gọi cấp cứu ngay lập tức để tăng cơ hội sống và giảm di chứng cho người bệnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.