Đau lưng và bụng dưới là hiện tượng thường gặp ở nhiều chị em phụ nữ, có thể là những cơn đau âm ỉ hay đau cấp tính. Nhiều người rất lo lắng không biết rằng hiện tượng này do đâu, có nguy hiểm không, làm sao để khắc phục? Hãy cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu kĩ hơn về hiện tượng đau lưng và đau bụng dưới trong bài viết này nhé!
1. Nguyên nhân khiến chị em đau lưng và đau dưới
Đau bụng dưới và đau lưng là hiện tượng gặp phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ, đây có thể là tình trạng nghiêm trọng hoặc không, phụ thuộc vào mức độ và thời gian kéo dài của đau và nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Đó có thể là những cơn đau âm ỉ tái phát đều đặn trong khoảng thời gian. Hoặc đau có thể xuất hiện đột ngột và mạnh mẽ, sau đó tự giảm đi. Đôi khi, đau lưng và đau bụng có thể xảy ra đồng thời. Dưới đây là một số nguyên nhân tiềm ẩn mà bạn có thể xem xét để giải quyết vấn đề này.
1.1 Triệu chứng điển hình khi mang thai
Khi mang thai, cơ thể phụ nữ thay đổi rất nhiều về nội tiết tố, tâm lý, sức khỏe… Những thay đổi này khiến thai phụ thường cảm nhận được những cơn đau bụng dưới, đau lưng rõ rệt. Cũng vì điều này mà nhiều chị em cho rằng đau bụng dưới và đau lưng là dấu hiệu của việc mang thai. Nhưng liệu, đau bụng dưới và đau lưng có phải mang thai không? Các chuyên gia y tế cho biết, mặc dù đau lưng và đau bụng dưới là những triệu chứng thường gặp khi mang thai, nhưng ở chiều ngược lại là chưa chắc chắn. Đau bụng dưới và đau lưng có thể là dấu hiệu cho thấy phụ nữ đã mang thai hoặc không!
Đau lưng và đau bụng dưới là triệu chứng thường gặp khi mang thai
Cả hai triệu chứng này đều chưa tạo đủ cơ sở để kết luận xem phụ nữ có mang thai hay không. Nguyên nhân là vì triệu chứng đau lưng kèm đau bụng dưới còn có thể là dấu hiệu cảnh báo sắp đến ngày đèn đỏ hoặc cảnh báo một bệnh lý nguy hiểm nào đó, như viêm ruột thừa, viêm tụy, sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu, các bệnh phụ khoa…
Do đó, để biết được đau bụng dưới và đau lưng có phải mang thai không, bạn cần phải xem xét thêm nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như:
– Quan hệ trong thời gian gần đây mà không áp dụng các biện pháp tránh thai hay không?
– Có đang bị trễ kinh không?
– Đau lưng và đau bụng dưới có kèm theo các dấu hiệu mang thai khác không? (Chẳng hạn: ra máu báo thai, buồn nôn, đi tiểu nhiều lần, căng tức ngực, tiết dịch âm đạo nhiều hơn, thường cảm thấy mệt mỏi.
1.2 Đau bụng dưới âm ỉ và đau lưng trong vài ngày
Thông thường, phụ nữ gặp phải triệu chứng này đều liên quan tới thời kỳ kinh nguyệt. Đây là dấu hiệu bình thường ở chị em. Nguyên nhân gây đau bụng dưới, đau lưng khi có kinh nguyệt ở phụ nữ là do sự mất cân bằng hormone, lạc nội mạc tử cung, do gen di truyền đau bụng kinh và đau lưng của mẹ,…
Cách khắc phục: Xây dựng chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây tươi, tăng cường thức ăn giàu sắt, vitamin nhóm B, magie và canxi…, cắt giảm lượng đường và muối khi bắt đâu chu kỳ kinh nguyệt, ống nhiều nước, giảm đau bằng cách chườm nóng, chườm lạnh, không bê vác vật nặng, không sử dụng rượu, bia và các chất kích thích.
1.3 Phụ nữ ở tuổi 30-40 đau lưng và bụng dưới
U xơ tử cung dễ xảy ra ở phụ nữ lứa tuổi 30-40. Triệu chứng thường gặp là đau bụng dưới âm ỉ, đau thắt lưng, quan hệ tình dục bị đau và khó khăn trong việc mang thai,…
Khi nghi ngờ mắc u xơ tử cung chị em nên tới gặp bác sỹ chuyên khoa ngay để được thăm khám và tư vấn điều trị kịp thời. Biện pháp can thiệp loại bỏ khối u xơ tử cung có thể được xem xét nếu khối u ảnh hưởng đến sức khỏe của chị em phụ nữ.
1.4 Đau lưng và bụng dưới kèm đi tiểu ra máu, buốt
Đây là triệu chứng bệnh thường gặp ở chị em phụ nữ do nhiễm trùng đường tiết niệu. Nguyên nhân là do vi trùng xâm nhập vào đường tiết niệu và tấn công bất cứ vị trí nào từ niệu đạo cho đến niệu quản, bàng quang. Ngoài ra nữ giới bị viêm đường tiết niệu còn có biểu hiện đi tiểu đau và buốt, lúc nào cũng mót đi tiểu.
Đau lưng kèm đau bụng dưới có thể là triệu chứng của các bệnh lý nghiêm trọng
Cách khắc phục: Chị em cần vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục, đi thăm khám để được sử dụng thuốc kháng sinh, chống viêm nhằm hạn chế tình trạng tăng nặng bệnh.
1.5 Đau bụng dưới dữ dội kèm đau lưng, buồn nôn
Nếu chị em có những dấu hiệu này thì cần nghĩ ngay đến bệnh sỏi thận. Bệnh sỏi thận thường có triệu chứng đau dọc niệu quản đến gò mu, đau xuyên ra hông, vùng lưng và có khi kèm cảm giác buồn nôn, nôn. Bên cạnh đó, khi chị em bị sỏi thận còn kèm theo cả triệu chứng nước tiểu chuyển sang màu hồng hoặc là màu đỏ như máu, sốt, đái rát và đái mủ.
Cách khắc phục: Uống nhiều nước, đi đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn điều trị sớm, kịp thời. Biện pháp phẫu thuật lấy sỏi có thể được áp dụng nếu kích thước sỏi thận lớn không thể tự đào thải qua đường nước tiểu.
1.6 Đau lưng đột ngột hoặc kéo dài âm ỉ
Nếu chị em có biểu hiện đau lưng cấp, đau lưng âm ỉ khi bê vác vật nặng hoặc di chuyển, cơn đau lan xuống mông, cẳng chân và bàn chân thì đó thường là biểu hiện của bệnh thoái hóa thắt lưng và thoát vị đĩa đệm.
2. Một số nguyên nhân khác gây đau lưng kèm đau bụng dưới
Ngoài những yếu tố do bệnh lý, triệu chứng đau bụng dưới kèm đau lưng cũng có thể được gây ra bởi những nguyên nhân cơ học sau đây, mà bạn cần lưu ý để giữ gìn sức khỏe và đối phó với chúng.
Bạn cần đi khám khi triệu chứng đau lưng kèm đau bụng dưới kéo dài
– Vận động quá mức và tải nặng liên tục: Thường xuyên khuân vác và gồng gánh đồ nặng trong thời gian dài có thể làm căng cơ và gây ra đau ở bụng dưới và lưng.
– Tư thế không đúng khi ngủ và làm việc: Nằm ngủ hoặc ngồi làm việc trong tư thế không đúng cũng có thể gây ra hiện tượng này. Đồng thời, việc vận động quá sức trong hoạt động thể dục và thể thao cũng có thể tạo áp lực lên vùng này.
– Lão hóa và loãng xương: Sự lão hóa và loãng xương khiến cho cột sống trở nên yếu và dễ bị nhức mỏi.
– Sử dụng quá nhiều chất kích thích: Thuốc lá, bia rượu và cà phê, khi được sử dụng quá nhiều, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, làm suy yếu hệ miễn dịch và làm giảm tính linh hoạt của xương khớp.
– Thay đổi thời tiết: Thời tiết thay đổi, đặc biệt là khi trời chuyển sang lạnh, có thể làm cho cơ xương trở nên khô cứng và gây ra đau nhức toàn thân và đau cột sống.
Như vậy, đau lưng và bụng dưới ở chị em phụ nữ thể hiện nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Để xác định chính xác triệu chứng mà mình đang gặp phải thuộc bệnh lý nào thì chị em cần đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chẩn đoán, không nên chủ quan bởi có thể chị em đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng. Hy vọng bài viết đã mang đến cho những kiến thức hữu ích. Nếu cần bất cứ thông tin nào, vui lòng liên hệ với Thu Cúc TCI để được hỗ trợ nhanh chóng nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.