Polyp túi mật mọc nhô ra từ lớp niêm mạc bên trong của túi mật. Polyp túi mật thường được phát hiện trên siêu âm. Bài viết dưới đây là tất tần tật thông tin về polyp túi mật, bạn đọc có thể tham khảo để biết thêm chi tiết.
Polyp túi mật là gì?
Polyp túi mật là sự tăng sinh bất thường của các hình thái tổ chức mọc lồi lên trong lớp niêm mạc thành túi mật, đa phần là do cholesterol cấu thành. Polyp túi mật ảnh hưởng đến khoảng 5% dân số trưởng thành với nguyên nhân chưa được xác định rõ ràng, nhưng có sự liên kết đến độ tuổi và sự hiện diện của sỏi mật.
- Polyp túi mật thường lành tính
Polyp túi mật nguy hiểm như thế nào?
Khoảng 92% polyp túi mật là lành tính, không gây ra triệu chứng nên thường được phát hiện tình cờ. Số ít còn lại gây ra các dấu hiệu giống sỏi mật như: đau hạ sườn phải hoặc trên vùng rốn, buồn nôn, nôn, đầy bụng, ăn uống chậm tiêu… hoặc polyp gây ra những biến chứng cấp tính như viêm túi mật, ứ trệ dịch mật…
Mặc dù phần lớn polyp túi mật là lành tính, nhưng vẫn có khoảng 8% nguy cơ tiến triển thành ung thư. Cho nên việc phát hiện sớm và có các biện pháp dự phòng, can thiệp kịp thời là rất quan trọng để kiểm soát bệnh tốt hơn.
Chẩn đoán polyp túi mật bằng cách nào?
Chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng
Các triệu chứng lâm sàng của bệnh thường mơ hồ, ít khi rầm rộ; các triệu chứng thường là rối loạn bài tiết, bài xuất dịch mật tại lòng túi mật hay có sỏi túi mật hoặc viêm túi mật kèm theo.
Đau tức nhẹ vùng hạ sườn phải hoặc thượng vị (gần 80%), đau thường xuất hiện sau khi ăn; có thể đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn và nôn.
Các xét nghiệm cận lâm sàng
- Siêu âm chẩn đoán polyp túi mật chính xác hỗ trợ điều trị hiệu quả
– Siêu âm ổ bụng: Siêu âm cho phép xác định được polyp, vị trí, kích thước và hình dạng polyp (có cuống hay không có cuống), ngoài ra còn giúp theo dõi sự tiến triển để có xử trí thích hợp. Tỷ lệ chẩn đoán chính xác của siêu âm đối với polyp túi mật là trên 90%.
– Chụp đường mật cản quang qua đường uống (ít dùng): hình polyp thể hiện là một hình khuyết cản quang ở túi mật đã ngấm thuốc.
– Chụp đường mật ngược dòng qua nội soi (ít dùng): Thường chỉ định khi siêu âm đường mật thất bại.
– Chụp cắt lớp vi tính (CT.Scanner – MSCT. Scanner): Trong các trường hợp polyp to có nguy cơ ác tính, hình ảnh tổn thương polyp trong chụp cắt lớp là khối tăng tỷ trọng lồi ra trong lòng túi mật. Chụp CT có bơm thuốc cản quang giúp chẩn đoán chính xác gần 90%.
– Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chỉ định khi tổn thương polyp nghi ngờ ác tính.
– Sinh hóa: Đánh giá chức năng gan thận, Test virus viêm gan (HCV, HBsAg,…), miễn dịch u (CEA, CA 19-9).
Điều trị polyp túi mật bằng cách nào?
Tùy theo kích thước và hình thái của polyp túi mật mà bác sĩ sẽ quyết định điều trị theo hướng bảo tồn (điều trị nội khoa) hay điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
Điều trị nội khoa
Điều trị polyp bằng phương pháp nội khoa với mục đích bảo tồn túi mật, ngăn ngừa polyp túi mật bị ung thư hóa. Điều trị nội khoa polyp túi mật được thực hiện trong các trường hợp như:
– Nếu polyp có kích thước nhỏ hơn 6mm: bạn nên định kỳ tái khám sức khỏe 6-9 tháng/lần để kiểm tra kích thước polyp.
– Nếu polyp có kích thước từ 6-9mm: tuy không cần thiết mổ ngay lập tức, nhưng với kích thước này, bạn cần chăm chỉ đi khám khoảng 3 tháng/lần.
Nhưng cho dù kích thước polyp túi mật là bao nhiêu, người bệnh vẫn cần tuân thủ chế độ ăn, tập luyện thường xuyên nhằm tăng nhu động đường mật, giúp dịch mật lưu thông dễ dàng hơn.
Khi nào nên cắt túi mật?
- Chỉ định phẫu thuật cắt túi mật cần được bác sĩ chẩn đoán và kích thước và tính chất polyp
Nếu polyp có kích thước lớn hơn 10mm, đặc biệt là ở những người có kích thước lớn hơn 15mm thì các tế bào polyp có tới 46-70% là các tế bào ung thư. Những trường hợp này, bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi liên tục trong khoảng thời gian từ 1-2 năm, nếu kích thước polyp không tăng, không làm xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào có thể không cần thiết phải tiến hành phẫu thuật cắt túi mật.
Tuy nhiên nếu kích thước của polyp tăng gấp đôi thậm chí gấp ba, chân polyp lan rộng, hình không đều đặn, đa polyp hoặc đã làm người bệnh thấy đầy trướng, chậm tiêu, viêm túi mật, đau liên tục vùng hạ sườn phải… chỉ định cắt túi mật sẽ được ưu tiên. Để cắt túi mật, chủ yếu tiến hành qua 2 phương pháp mổ nội soi và mổ hở.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.