Rối loạn vận động là bệnh lý khá thường gặp, có các biểu hiện như yếu/liệt cơ, thất điều, cử động bất thường,… Người bị rối loạn vận động thường gặp khó khăn trong quá trình sinh hoạt, giao tiếp và một trong những khó khăn đó là khả năng nuốt khó. Cùng tìm hiểu bệnh rối loạn vận động và sự khó khăn khi nuốt ở những bệnh nhân mắc phải căn bệnh này.
1. Biểu hiện của người bị rối loạn vận động
1.1 Yếu/liệt cơ
Yếu cơ gốc chi, ngọn chi hoặc một bộ phận cơ thể.
Liệt cơ tứ chi, nửa người, liệt một hoặc cả hai chi.
Parkinson là một dạng rối loạn vận động do sự thoái hóa của não bộ gây ra.
1.2 Thất điều
Là mất đi sự điều hòa chung của cơ thể.
Bao gồm:
Rối loạn dáng bộ tư thế
Giọng nói không rõ ràng
Thị lực suy giảm, rung giật nhãn cầu
Mất sự phối hợp giữa các chi
Run khi cử động
1.3 Cử động bất thường
Run: vùng đầu, giọng nói, lưỡi, mặt, các chi theo nhịp và tự phát. Run có thể xuất hiện khi người bệnh vận động, nghỉ ngơi hoặc run tư thế.
Múa giật: xoắn vặn hoặc giật cơ diễn ra một cách bất thường, tự phát, không đoán trước được. Có thể gặp ở những phần khác nhau trên cơ thể, do nhiều nguyên nhân bệnh lý như rối loạn chuyển hóa, bệnh tự miễn (lupus), nhiễm trùng (HIV), do thuốc,…
Múa vung nửa người: xoắn vặn cơ bất thường ở nửa người một cách dữ dội, biểu hiện co giật nửa người ở các cơ gốc chi. Nguyên nhân có thể do tổn thương đồi thị/nhân bèo sẫm/thùy đỉnh.
Loạn trương lực cơ: Xoắn vặn một nhóm cơ một cách tự phát, lặp đi lặp lại ở tư thế bất thường. Xảy ra ở cục bộ một nhóm cơ như cơ mắt, cơ quanh mặt, cơ lưỡi,…
Múa vờn: là một biểu hiện dưới dạng rối loạn trương lực cơ khu trú. Cử động uốn khúc, ngoằn nghèo, chậm bất thường. Thường xảy ra ở bàn tay hoặc cánh tay.
Rung giật cơ: nhóm cơ nào đó đột nhiên giật nảy mạnh, co thắt.
Co giật cơ không kiểm soát (hội chứng Tics): là những cử động bất thường, xảy ra và tái diễn nhiều lần giống hệt nhau ở một nhóm cơ riêng lẻ như: cơ vùng mắt, miệng, mặt, cổ,…
Giảm cử động: cử động chậm chạp
Hội chứng tics ở trẻ em là một rối loạn vận động thường gặp, nguyên nhân thường do trẻ xem quá nhiều tivi, điện thoại.
2. Nguyên nhân gây rối loạn vận động
Nguyên nhân gây rối loạn vận động thường do bệnh lý ở thần kinh trung ương. Có thể như bệnh lý tủy, thân não, não do sự chèn ép, chấn thương, nhiễm trùng, mạch máu,.. gây ra.
3. Vì sao bệnh rối loạn vận động gây nuốt khó?
3.1 Rối loạn vận động ảnh hưởng đến quá trình nuốt như thế nào?
Rối loạn vận động có ảnh hưởng đến quá trình nuốt. Nếu ai đó bị mắc các bệnh rối loạn vận động, quá trình nhai và nuốt sẽ bị ảnh hưởng (trở nên khó khăn).
Thông thường khi nhai thức ăn, não sẽ chỉ huy sao cho thức ăn đi xuống thực quản một cách an toàn thay vì chúng đi vào hệ hô hấp (khí phế quản…). Nhưng đối với người bị bệnh rối loạn vận động chẳng hạn như mắc bệnh Parkinson, chức năng nuốt này có thể sẽ bị hạn chế.
Các triệu chứng liên quan đến rối loạn nuốt thường gặp bao gồm:
– Thức ăn đọng lại ở cổ họng
– Khó nuốt các viên thuốc
– Thức ăn đi xuống khí quản (hít phải thức ăn), có thể gây ho, sặc.
Khi nào thì các rối loạn nuốt xảy ra? Đối với người bệnh Parkinson, thông thường rối loạn nuốt thường xuất hiện ở giai đoạn giữa hoặc muộn của bệnh. Tuy nhiên, chúng có thể xảy ra sớm hơn trên các bệnh rối loạn vận động khác.
Khó khăn khi nuốt ở người bệnh bị rối loạn vận động.
3.2 Hậu quả của rối loạn nuốt do rối loạn vận động gây ra?
Hậu quả của rối loạn nuốt là khác nhau đối với mỗi người bệnh, bao gồm:
– Ho khi đang ăn hoặc uống, gây trở ngại trong bữa ăn cùng với mọi người
– Cảm thấy lo lắng mỗi khi ăn
– Phải từ bỏ một số loại thực phẩm yêu thích của mình do chúng quá khó để nhai hoặc nuốt
– Cần dành nhiều thời gian hơn cho mỗi bữa ăn.
Đối với một số người, khó khăn này có thể chấp nhận được nhưng với một số người khác, chúng có thể gây phiền toái.
– Sụt cân do ăn không đầy đủ
– Tăng nguy cơ viêm phổi hít khi ho do làm giảm hàng rào bảo vệ cơ học.
3.3 Làm thế nào để phát hiện được các rối loạn nuốt?
Nếu như bạn thấy xuất hiện một số dấu hiệu dưới đây, cần nghĩ ngay đến rối loạn chức năng nuốt:
– Việc ăn uống của bạn tốn nhiều thời gian hơn thông thường và có thể khiến bạn thấy khó chịu
– Bạn bắt đầu xuất hiện ho khi ăn (nhiều hơn một lần mỗi tuần)
– Bạn giảm sự thèm ăn và bắt đầu phải chú ý thay đổi chế độ ăn dần dần
– Bạn cần phải uống nhiều nước hơn khi nuốt thức ăn
3.4 Làm gì để việc nuốt trở nên dễ dàng hơn?
Để nuốt trở nên dễ dàng hơn, bạn hãy lựa chọn và áp dụng một số điều sau đây:
– Để hạn chế việc hít phải thức ăn, hạn chế vừa nói chuyện và vừa ăn uống. Nếu việc này gây trở ngại các mối quan hệ, hãy tâm sự với người cùng dùng bữa để họ hiểu được những khó khăn của bạn.
– Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi uống thuốc, hãy thay thế nước lọc bằng những loại nước sánh hơn như nước ép táo. Tuy nhiên, hãy chú ý không uống thuốc cùng với sữa và chế phẩm từ sữa vì protein có thể làm cản trở quá trình hấp thu levodopa.
– Lựa chọn những thực phẩm mềm để dễ nhai và nuốt hơn.
– Nếu bạn thường bị nghẹn khi uống ngụm cuối cùng, hãy để cổ ở tư thế trung gian hoặc cằm hạ thấp trước khi nuốt.
Các vấn đề về nhai và nuốt khá thường gặp ở các bệnh nhân rối loạn vận động. Những bệnh nhân gặp rối loạn nuốt thường ho khi ăn uống và/ hoặc khó khăn khi đưa thức ăn xuống thực quản. Các rối loạn nuốt đồng nghĩa với việc kéo dài bữa ăn, hạn chế tiêu thụ thực phẩm ưa thích, thậm chí gây viêm phổi. Bạn nên đi thăm khám với bác sĩ để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ và điều trị phù hợp nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.