Bệnh parkinson là một trong những bệnh lý thoái hóa thần kinh trung ương tiến triển, thường gặp ở người cao tuổi. Cho đến hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa có lý giải cụ thể về nguyên nhân gây bệnh parkinson mà chỉ có thể đưa ra các giả thuyết, cùng một số yếu tố gây bệnh. Cùng nhận diện các dấu hiệu của bệnh parkinson, cách chẩn đoán và điều trị đối với căn bệnh này.
1. Dấu hiệu nhận biết bệnh parkinson
Trước hết phải khẳng định bệnh parkinson thường bắt đầu một cách âm thầm và liên tục tiến triển trong một thời gian dài. Các triệu chứng của bệnh sẽ nặng dần theo thời gian.
1.1 Run – dấu hiệu đặc trưng của bệnh parkinson
Đây là triệu chứng đầu tiên, thường khởi phát ở một bên tay hoặc chân (thường gặp nhất là ở tay).
Biểu hiện run tĩnh trạng trong bệnh parkinson thường được biểu hiện như sau:
– Chậm và thô (nhiều người mô tả tình trạng run tay ở bệnh nhân parkinson như đang vê thuốc lào).
– Thường xuất hiện ở cổ tay và ngón tay.
– Run giảm khi người bệnh vận động và tăng lên tối đa khi nghỉ ngơi, khi ngủ thường không bị run tay.
– Biên độ run có thể tăng lên do căng thẳng cảm xúc hoặc mệt mỏi.
Run một bên tay hoặc chân (thường gặp nhất là ở tay) là biểu hiện thường gặp của bệnh parkinson.
1.2 Giảm vận động – vận động chậm chạp
Phối hợp các hoạt động chậm chạp cũng là biểu hiện thường thấy ở bệnh nhân parkinson. Các hoạt động như mặc quần áo, cài khuy áo, buộc dây giày, xoay đầu, xoay người,… người bệnh thường làm với tốc độ chậm và không rõ ràng, lặp đi lặp lại một cách rất khó khăn.
Việc người bệnh parkinson bị giảm vận động và kiểm soát kém ngọn chi khiến chữ viết ngày càng nhỏ và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày càng lúc càng trở nên khó khăn.
1.3 Tăng trương lực cơ
Các cơ trở nên cứng hơn so với trước, đặc biệt là khi di chuyển một khớp cứng. Tăng trương lực cơ và giảm vận động khiến các cơ trở nên đau hơn, tạo cảm giác mệt mỏi cho người bệnh.
1.4 Rối loạn giấc ngủ
Đây cũng là một triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân parkinson. Chính những rối loạn về hoạt động không kiểm soát được, đau vai, mệt mỏi hay những vấn đề về đường ruột như táo bón cản trở giấc ngủ của người bệnh parkinson khiến họ dễ rơi vào tình trạng rối loạn giấc ngủ, điển hình nhất là mất ngủ.
1.5 Sa sút trí tuệ (suy giảm nhận thức)
Theo thống kê có khoảng ⅓ số bệnh nhân parkinson bị sa sút trí tuệ, thường ở giai đoạn muộn của bệnh. Tuy nhiên, với thể parkinson khởi phát sớm dấu hiệu sa sút trí tuệ được dự báo tiến triển sớm như suy giảm khả năng nhận thức không gian và giảm khả năng nói trôi chảy.
Bao gồm suy giảm nhận thức nhẹ và sa sút trí tuệ, được biểu hiện ở hầu hết các lĩnh vực nhận thức và suy giảm với tỷ lệ khác nhau. Các lĩnh vực nhận thức bị suy giảm ở bệnh nhân parkinson có mối liên quan khác nhau với các yếu tố như tuổi, trình độ học vấn, giai đoạn nặng của bệnh và tình trạng trầm cảm của bệnh nhân.
1.6 Mất ổn định về tư thế – dấu hiệu đặc trưng của bệnh parkinson giai đoạn cuối
Thể hiện rõ nhất trong giai đoạn muộn của bệnh. Cụ thể là người bệnh thường gặp khó khăn trong việc khởi đầu các động tác như đi bộ, xoay vòng và dừng lại. Bước chân đi ngắn (kiểu lê bước), tay luôn giữ ở tư thế uốn cong lên eo, mỗi bước đi bệnh nhân không vung cánh tay hoặc vung rất ít. Sự thay đổi bất thường của dáng đi này còn được gọi là hiện tượng đóng băng dáng đi. Người bệnh có xu hướng cúi đầu đi về phía trước (cúi gù) do mất trọng tâm cơ thể.
1.7 Tính cách thay đổi
Sự thay đổi bên trong não bộ ảnh hưởng tới sự thay đổi trong tính cách của người bệnh. Cụ thể là bệnh nhân parkinson thường nhạy cảm hơn, dễ tủi thân, dễ cáu gắt nổi nóng,….
Ngoài ra, còn có một số sự thay đổi điển hình trên khuôn mặt của bệnh nhân parkinson (mặt đông cứng như “mặt nạ”), miệng mở, giảm nháy mắt (ít hoặc thậm chí không chớp mắt), tăng tiết nước bọt,….
Khó khăn trong ăn uống và sinh hoạt khiến người bệnh parkinson dễ trở nên cáu gắt, khó tính.
2. Các phương pháp chẩn đoán
Hiện nay chưa có xét nghiệm nào có thể sử dụng để chẩn đoán và khẳng định rằng ai đó có bị bệnh parkinson hay không. Để chẩn đoán bệnh parkinson thì phương pháp chủ yếu vẫn là khám lâm sàng và nhận biết các dấu hiệu bệnh nhân qua một thời gian dài theo dõi người bệnh để kết luận.
Các chuyên gia trong lĩnh vực Nội thần kinh sẽ quan sát những dấu hiệu của người bệnh, đặc biệt là triệu chứng run cơ có xuất hiện hay không qua test ngón tay chỉ mũi. Đồng thời xem người bệnh có bị giảm vận động hoặc tăng trương lực cơ không. Đánh giá phản xạ của người bệnh qua các tác động nhẹ. Xem dáng đi, bước đi, khuôn mặt, …
Sau khi loại trừ các bệnh lý có biểu hiện tương tự, bác sĩ có thể sự đáp ứng của người bệnh với levodopa. Nếu người bệnh đáp ứng nhẹ hoặc không đáp ứng với levodopa với liều ít nhất 1200 mg/ngày gợi ý một dạng hội chứng liệt rung Parkinson khác.
Chẩn đoán bệnh parkinson chủ yếu dựa vào khám lâm sàng với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh.
3. Điều trị bệnh parkinson
Hiện nay chưa có loại thuốc nào hay phương pháp nào có thể điều trị khỏi bệnh parkinson. Tuy nhiên, việc người bệnh parkinson được phát hiện sớm và điều trị sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, trì hoãn tiến triển của bệnh nên việc điều trị là rất cần thiết.
Điều trị bằng thuốc:
Carbidopa/levodopa (dùng điều trị chính)
Amantadine, ức chế MAO loại B (MAO-B), hoặc thuốc ức chế cholinergic ở một vài bệnh nhân
Các chất chủ vận dopamin
Catechol O-metyltransferase (COMT), luôn được sử dụng với levodopa, đặc biệt khi kém đáp ứng với levodopa.
Phẫu thuật kích thích não sâu và phẫu thuật căt tổn thương nnếu thuốc không kiểm soát đầy đủ các triệu chứng, hoặc không dung nạp với các tác dụng phụ.
Tập luyện và các biện pháp thích nghi.
Bệnh parkinson được đặc trưng bằng sự đa dạng của các triệu chứng vận động và ngoài vận động. Trong số các triệu chứng ngoài vận động thì suy giảm nhận thức là triệu chứng khá phổ biến và có xu hướng gia tăng và nặng dần lên theo sự tiến triển của bệnh. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ bệnh parkinson, bạn nên đi thăm khám sớm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.