Để điều trị dứt điểm tình trạng mất ngủ, khó ngủ, ngủ không ngon giấc, người bệnh cần tìm rõ nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ.
1. Tổng quan về rối loạn giấc ngủ?
Rối loạn giấc ngủ là sự thay đổi bất thường chất lượng và thời gian giấc ngủ. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của người bệnh.
Theo nghiên cứu về giấc ngủ ở thanh niên và người cao tuổi Việt Nam, hiện nay tình trạng chất lượng giấc ngủ đang giảm sút và ngày càng phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.
Nhiều người đi ngủ từ sớm nhưng họ rất khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu hoặc hay thức giấc trong đêm và khó ngủ lại. Song, nếu tình trạng này không kéo dài hoặc do nguyên nhân bên ngoài như ánh sáng, tiếng ồn, các chất kích thích… thì không được gọi là rối loạn giấc ngủ.
Bất cứ ai cũng có thể là đối tượng của rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, người cao tuổi thường dễ mắc bệnh nhất. Ngoài ra, tỷ lệ nữ giới mắc rối loạn giấc ngủ cũng nhiều hơn nam giới. Vậy nguyên nhân rối loạn giấc ngủ do đâu?
Người cao tuổi thường dễ mắc bệnh rối loạn giấc ngủ
2. Rối loạn giấc ngủ tác động thế nào đến sức khỏe?
Chất lượng giấc ngủ kém gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng về thể chất, tinh thần và xã hội. Những tác động này càng thể hiện rõ ở người mắc bệnh tim mạch, đột quỵ…
Rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và làm giảm nhận thức ở người cao tuổi. Điều này làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính nguy hiểm, gây hại về sức khỏe và tốn kém về kinh tế.
Theo nghiên cứu, khoảng 20% người dùng thuốc ngủ và gần 70% gặp khó khăn để giữ tỉnh táo vào ban ngày. Gần 50% đối tượng không có hứng thú làm việc ban ngày. Đặc biệt, số đối tượng được khảo sát có nguy cơ ngưng thở lúc ngủ cao (chiếm gần 30%). Vì vậy, không nên chủ quan khi bị mất ngủ, rối loạn giấc ngủ.
3. Nguyên nhân rối loạn giấc ngủ xuất hiện
Nguyên nhân rối loạn giấc ngủ có thể do bệnh lý, tâm lý hoặc tác động của môi trường sống, công việc hoặc cách bố trí phòng ngủ… Để điều trị dứt điểm tình trạng này, người bệnh cần tìm rõ nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ.
Theo nghiên cứu tại Việt Nam, hiện nay tình trạng suy giảm chất lượng giấc ngủ khá phổ biến. Vấn đề suy giảm giấc ngủ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống. Dù đi ngủ từ sớm nhưng nhiều người khó vào giấc, ngủ không sâu hoặc bị thức giấc giữa đêm và khó ngủ lại. Một số nguyên nhân rối loạn giấc ngủ phổ biến là:
3.1. Do bệnh lý
Người bị dị ứng, cảm lạnh hoặc mắc các bệnh đường hô hấp thường bị khó thở ban đêm, dẫn tới tình trạng khó ngủ, ngủ không sâu giấc, rối loạn giấc ngủ.
Bên cạnh đó, người mắc các bệnh lý về dạ dày, tim, phổi… cũng thường xuyên bị khó ngủ và không thể ngủ sâu giấc.
3.2. Các cơn đau mãn tính
Đau đầu, đau do viêm khớp, thoái hóa… liên tục có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Trong một số trường hợp, rối loạn giấc ngủ có thể khiến cơn đau mãn tính trở nên trầm trọng hơn.
Các cơn đau mãn tính có thể gây ra tình trạng mất ngủ, khó ngủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh
3.3. Mệt mỏi và căng thẳng
Căng thẳng và lo âu tác động tiêu cực đến chất lượng và thời gian ngủ. Lúc này bạn sẽ khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn và không sâu giấc, thậm chí mất ngủ. Ngoài ra, khi bị căng thẳng, lo âu, người bệnh có nguy cơ bị mộng du hoặc gặp ác mộng khiến giấc ngủ bị gián đoạn.
3.4. Đi tiểu thường xuyên
Uống nhiều nước trước khi ngủ làm xảy ra tình trạng tiểu đêm, tiểu thường xuyên gây gián đoạn giấc ngủ. Người bị mất cân bằng nội tiết tố, mắc bệnh về đường tiết niệu, thận cũng có thể đi tiểu đêm nhiều, gây rối loạn giấc ngủ.
3.5. Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc điều trị bệnh có thể làm rối loạn giấc ngủ. Người bệnh có thể bị mất ngủ hoặc ngủ nhiều hơn bình thường.
3.6. Di truyền
Theo nghiên cứu, nếu gia đình có người bị rối loạn giấc ngủ thì nguy cơ bạn mắc bệnh này sẽ cao hơn bình thường.
3.7. Những yếu tố khác
Một số yếu tố khác có thể gây ra chứng rối loạn giấc ngủ như:
– Làm việc muộn, thức khuya thường xuyên.
– Hội chứng jet lag: Do quá trình di chuyển nhanh qua các múi giờ, cơ thể chưa kịp thích nghi với thời tiết, giờ giấc sinh hoạt gây ra tình trạng khó ngủ.
– Chế độ sinh hoạt không lành mạnh, hút thuốc lá, uống rượu bia, cà phê, rượu thường xuyên và sử dụng các chất kích thích.
4. Điều trị tích cực nguyên nhân rối loạn giấc ngủ
4.1. Thư giãn tâm lý
Nếu rối loạn giấc ngủ không nghiêm trọng, người bệnh có thể cải thiện tình trạng này thông qua các biện pháp thư giãn tâm lý. Tập luyện nhẹ nhàng để thư giãn có thể, không làm việc, suy nghĩ căng thẳng trước giờ đi ngủ để giấc ngủ ngon hơn.
4.2. Tạo thói quen đi ngủ khoa học
– Ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày và thức dậy đúng giờ cố định.
– Buổi trưa chỉ nên ngủ từ 20-30 phút và không đi ngủ vào các thời điểm khác trong ngày.
– Tập thể dục hằng ngày, nhất là vào buổi sáng.
– Đi ngủ đúng giờ cho dù bạn không thấy buồn ngủ.
– Không sử dụng chất kích thích như rượu bia, cà phê, trà, thuốc lá… vào buổi chiều, tối hay trước khi đi ngủ.
– Không ăn uống quá no trước lúc ngủ.
– Bố trí phòng ngủ ít ánh sáng và nhiệt độ thích hợp, thoáng mát để dễ ngủ.
– Tập các bài thể dục nhẹ nhàng, thư giãn xương khớp trước khi đi ngủ.
– Hạn chế nghe nhạc quá to, xem phim kinh dị, giật gân… trước khi đi ngủ.
4.3. Điều trị bằng thuốc
Người bệnh cần tuân thủ nghiêm chỉ định của bác sĩ khi điều trị rối loạn giấc ngủ bằng thuốc
Người bệnh có thể sử dụng thuốc điều trị rối loạn theo chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc như thường được áp dụng như: thuốc chữa rối loạn giấc ngủ, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm… Lưu ý, tất cả các thuốc này phải sử dụng theo kê đơn của bác sĩ, tránh ngưng thuốc khi chưa có chỉ định hoặc lạm dụng thuốc.
Rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Do vậy, người bệnh nên thăm khám và điều trị sớm để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.