Đau nửa đầu thường gặp nhất là Migraine. Đây là hội chứng mạch máu thần kinh do rối loạn nguyên phát của não bộ. Cơn đau thường kéo dài, phức tạp, khó chịu. Cùng tìm hiểu đau nửa đầu cách điều trị và phòng ngừa như thế nào?
1. Đau nửa đầu migraine
Theo phân loại của hiệp hội đau đầu thế giới, migraine thuộc nhóm đau đầu nguyên phát và được chia làm hai loại chính là migraine có tiền triệu (aura) – còn gọi là Migraine kinh điển và migraine không có tiền triệu – gọi là migraine thông thường.
Đây là một bệnh đau đầu nguyên phát, mạn tính, có tính chu kỳ. Các đặc điểm lâm sàng của migraine có thể thay đổi đáng kể từ cá nhân này sang cá nhân khác cũng như từ cơn này sang cơn khác ở một cá nhân. Migraine thường có xu hướng gia đình và khả năng di truyền.
Migraine là một bệnh đau đầu nguyên phát, mạn tính, có tính chu kỳ.
2. Biểu hiện đau nửa đầu Migraine
Đau nửa đầu migraine có nhiều biểu hiện lâm sàng, biểu hiện thay đổi trên từng bệnh nhân.
Thông thường đau đầu migraine có một đặc tính chung như sau:
Khởi phát cơn đau thường ở một bên đầu sau đó có thể lan sang hai bên hoặc cũng có trường hợp đau hai bên ngay từ đầu.
Đau theo nhịp mạch và bệnh nhân có cảm giác động mạch thái dương đập mạnh. Cường độ tăng dần và dữ dội. Thời gian cơn đau từ 4-72 giờ.
Các triệu chứng kèm theo: sợ ánh sáng, sợ tiếng động, buồn nôn và nôn.
Nếu đau đầu là triệu chứng của một bệnh thì ta cần căn cứ vào nhiều triệu chứng khác nhau cũng như căn cứ vào các chỉ tiêu cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh lý gốc. Trong trường hợp các chứng đau đầu nguyên phát, hầu hết các chuyên gia trên thế giới đều khẳng định rằng: vấn đề chẩn đoán chỉ dựa cơ bản vào lâm sàng.
Nếu phân loại biểu hiện theo nhóm đau đầu, thì cụ thể như sau:
Đau đầu migraine tiền triệu
Đối với loại đau đầu này có đặc trưng như sau: cơn đau thường tái phát, kéo dài vài phút, các triệu chứng hoàn toàn một bên thị giác, cảm giác hoặc các triệu chứng hệ thần kinh trung ương khác thường phát triển dần dần, theo sau là đau đầu và liên quan đến các triệu chứng migraine.
Đau đầu migraine không có tiền triệu
Mặc dù người bệnh không có dấu hiệu báo trước ở mắt nhưng có thể có một vài triệu chứng khác xuất hiện cảnh báo như mệt mỏi, chán ăn, buồn phiền, cảm giác căng đau vùng da đầu.
Cơn đau nửa đầu thường kéo dài, phức tạp, khó chịu, có thể kèm theo buồn nôn, nôn, chóng mặt, giảm trí nhớ,…
3. Chẩn đoán
Chẩn đoán đau nửa đầu migraine chủ yếu dùng biện pháp lâm sàng là chính. Tuy nhiên, để loại trừ một số bệnh lý trong và ngoài não có thể gây đau nửa đầu thì bác sĩ có thể chỉ định người bệnh làm một số xét nghiệm, chụp chiếu thăm dò như: xét nghiệm máu, chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT-scanner), điện não đồ, đo lưu huyết não, chọc dò dịch não tủy,…. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ có chỉ định cụ thể cho người bệnh.
Ứng dụng chụp cộng hưởng từ MRI não tại Thu Cúc TCI giúp chẩn đoán nhiều vấn đề, bệnh lý ở não gây biểu hiện đau đầu, đau nửa đầu.
4. Đau nửa đầu cách điều trị
Điều trị đau nửa đầu migraine bao gồm điều trị cắt cơn và điều trị dự phòng. Với 4 mục đích đó là: giảm tần suất, cường độ, thời gian và triệu chứng.
4.1 Điều trị cắt cơn migraine
Bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc giảm đau để hỗ trợ làm giảm nhẹ triệu chứng đau đầu và sớm cắt cơn đau. Có thể sử dụng một số thuốc điều trị đặc hiệu, thuốc giảm đau không đặc hiệu hoặc các thuốc điều trị kết hợp khác.
4.2 Điều trị dự phòng
Phương pháp điều trị dự phòng đau nửa đầu migraine tái phát cần sự kết hợp của nhiều yếu tố như:
– Thay đổi lối sống: từ bỏ những thói quen xấu và xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh hơn.
– Xác định và tránh các yếu tố kích hoạt hoặc làm tiến triển cơn đau đầu migraine.
– Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Theo đó, thay đổi lối sống và tránh các tác nhân gây kích hoạt cũng như khiến cơn đau đầu migraine tiến triển là biện pháp phòng ngừa cho tất cả những ai bị migraine. Việc sử dụng thuốc còn tùy thuộc vào từng người, tình trạng bệnh, nên bạn cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ.
5. Yếu tố nguy cơ
Theo nghiên cứu, có một số yếu tố nguy cơ làm tăng chứng đau đầu thường xuyên hơn như: uống nhiều chất kích thích như caffeine, sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên, người bị rối loạn giấc ngủ, béo phì, nữ giới cũng có nguy cơ bị đau đầu nhiều hơn nam giới, người mắc một số bệnh lý kết hợp,…
Hiện nay, nhiều người tự ý mua thuốc về điều trị khi có triệu chứng đau đầu mà chưa thăm khám với bác sĩ chuyên khoa. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng thuốc, khiến cơn đau đầu phát triển thường xuyên hơn kể cả thuốc giảm đau.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.