Chứng đau đầu mất ngủ là tình trạng nhiều người gặp phải. Bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh.
1. Nguyên nhân dẫn đến chứng đau đầu, mất ngủ là gì?
Thay đổi thời tiết, bị cảm, căng thẳng kéo dài… là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng đau đầu, mất ngủ.
1.1. Thay đổi thời tiết
Sự thay đổi thời tiết thất thường hoặc chênh lệch nhiệt độ, áp suất không khí sẽ gây ra chứng đau đầu, khiến nhiều người khó chịu. Thông thường, đau đầu do thay đổi thời tiết tập trung ở hai bên thái dương. Các cơn đau âm ỉ dẫn tới mất ngủ. Tình trạng này phổ biến ở độ tuổi trung niên và người mắc nhiều bệnh nền.
Chứng đau đầu mất ngủ làm người bệnh cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống.
1.2. Bị cảm
Một số triệu chứng thường thấy nhất khi bị cảm đó là: sốt, đau đầu, đau họng, ho, hắt xì, sổ mũi… Đối với các trường hợp cảm nặng, các triệu chứng thường xuất hiện và kéo dài, kể cả sau khi đã khỏi bệnh. Trong đó, đau đầu thường tạo cảm giác khó chịu, uể oải, gây nên tình trạng khó ngủ.
1.3. Chứng đau đầu mất ngủ do căng thẳng, lo âu
Ngoài ra có nhiều nguyên nhân chủ yếu xảy ra đối với lứa tuổi thanh niên. Đó là do căng thẳng, lo âu, suy nghĩ nhiều trong công việc, chuyện tình cảm, cuộc sống hằng ngày. Đây là nguyên nhân chính làm cho các bạn trẻ trong “tuổi ăn, tuổi ngủ” dễ bị đau đầu, mất ngủ, khó ngủ.
1.4. Không có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp
Bất cứ sự thay đổi nào của cơ thể cũng đều liên quan đến chế độ ăn uống và sinh hoạt hằng ngày. Ăn uống không điều độ, sử dụng bia rượu, ít tập thể dục, thường xuyên thức khuya, dùng điện thoại, máy tính quá lâu… Điều này sẽ làm đảo lộn trình tự, giờ giấc sinh hoạt vốn có, dẫn tới những phản hồi bài xích của cơ thể. Những biểu hiện rõ rệt nhất sẽ là: mệt mỏi, cơ thể ốm yếu, đau đầu, mất ngủ, khó ngủ…
1.5. Do một số bệnh lý khác
Chứng đau đầu mất ngủ cũng có thể là triệu chứng của bệnh lý khác đã hoặc đang bộc phát trong cơ thể người bệnh. Theo đó, thường thấy nhất là các bệnh về thần kinh – não bộ như rối loạn tuần hoàn máu não (thiếu máu lên não), đau nửa đầu migraine (còn gọi là đau đầu vận mạch), bệnh Parkinson… Ngoài ra, một số bệnh lý khác cũng có thể gây đau đầu mất ngủ như bệnh về tim mạch, tiểu đường, cơ xương khớp, hô hấp, viêm xoang…
2. Mối liên hệ giữa 2 căn bệnh đau đầu và mất ngủ
Dựa trên nguyên nhân gây ra chứng đau đầu và mất ngủ, có thể thấy đây là hai bệnh khác biệt. Tuy nhiên thực tế hai bệnh này lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. Đau đầu dễ dẫn tới mất ngủ. Ngược lại, mất ngủ trong thời gian dài và bị tác động bởi một số ngoại cảnh cũng sẽ dẫn tới chứng đau đầu đi kèm. Nếu tình trạng này kéo dài và tạo thành một vòng lặp sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần và chất lượng cuộc sống của mỗi người.
Chứng đau đầu mất ngủ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh
Người có giấc ngủ tốt sẽ hạn chế bệnh tật, có sức khỏe tốt, luôn tràn đầy sức sống. Trong khi đó, người mất ngủ luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, mất tinh thần, dễ đau đầu do thiếu ngủ. Đồng thời có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh lý khác.
Đối với những người mắc bệnh đau đầu dẫn tới mất ngủ, biểu hiện rõ nhất với những cơn đau nửa đầu, cảm giác dây thần kinh trong tình trạng căng thẳng. Từ đó gây ra cảm giác khó chịu, trằn trọc, giấc ngủ chập chờn.
Đau đầu và mất ngủ là hai căn bệnh ai cũng biết nhưng để dứt điểm, khỏi bệnh thì vẫn là bài toán khó. Về lâu về dài, nếu không được điều trị, hai bệnh này sẽ là nguồn cơn ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sức khỏe của người bệnh.
3. Phương pháp điều trị làm giảm chứng đau đầu mất ngủ
3.1. Tìm hiểu nguyên nhân
Để giải quyết chứng đau đầu mất ngủ, trước tiên người bệnh cần tìm hiểu nguyên nhân gây nên tình trạng bệnh, từ đó đưa ra giải pháp điều trị cụ thể cho bản thân.
Nếu bệnh xuất phát từ chứng đau đầu, bạn cần điều trị để ngăn chặn và chấm dứt những cơn đau đầu trước, sau đó mới tiến hành cải thiện chất lượng giấc ngủ. Ngược lại, nếu bệnh xuất phát từ việc mất ngủ, bạn hãy chăm sóc sức khỏe, điều chỉnh chế độ sinh hoạt, thăm khám định kỳ, sử dụng các biện pháp tự nhiên giúp dễ ngủ, ngủ ngon.
3.2. Phương pháp phòng và điều trị
Dưới đây là một số phương pháp cụ thể mà người bệnh có thể áp dụng:
– Tránh suy nghĩ quá nhiều, quá căng thẳng và lo âu
– Điều chỉnh chế độ, giờ giấc nghỉ ngơi và tuân thủ đúng quy định
– Giữ không gian phòng ngủ mát mẻ, yên tĩnh
– Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính… trước giờ đi ngủ
– Hạn chế sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, cà phê… Tăng cường ăn uống các thực phẩm có lợi cho sức khỏe, hỗ trợ cải thiện giấc ngủ.
– Tăng cường tập luyện thể dục thể thao hằng ngày
– Không lạm dụng thuốc giảm đau, thuốc ngủ
– Thăm khám sức khỏe thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh liên quan.
Đối với các trường hợp đau đầu, mất ngủ kéo dài, người bệnh cần tới ngay bệnh viện để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời.
Người bệnh cần chủ động đến bệnh viện ngay khi gặp chứng đau đầu mất ngủ kéo dài
4. Lưu ý về chứng đau đầu mất ngủ
Chứng đau đầu mất ngủ có thể tiềm ẩn nguy cơ gây nên các bệnh như đau nửa đầu, viêm xoang, u não, các bệnh mãn tính (tiểu đường, thiếu máu, lupus ban đỏ…). Triệu chứng cụ thể của các bệnh này là đau đầu, mất ngủ. Do vậy bạn cần chú ý điều trị dứt điểm, không nên chủ quan khi gặp tình trạng đau đầu, mất ngủ kéo dài trong thời gian nhất định.
Để giảm thiểu tối đa chứng đau đầu mất ngủ, người bệnh cần kết hợp tất cả các phương pháp điều trị. Từ việc thay đổi chế độ sinh hoạt, đặc biệt cần đến trực tiếp bệnh viện để tìm rõ nguyên nhân và có phác đồ điều trị chính xác, khoa học nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.