Nhiều người bệnh parkinson bị rối loạn tâm thần sinh ra những ảo giác, hoang tưởng. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, cơ chế sinh ảo giác và hoang tưởng ở người bị bệnh parkinson. Cùng một số thông tin hữu ích khác về căn bệnh parkinson.
1. Hiểu về những ảo giác và hoang tưởng liên quan đến bệnh Parkinson
Nhiều người thắc mắc: những ảo giác và hoang tưởng về bệnh parkinson có phải là một phần của bệnh này không?
– Ảo giác là những gì mà bạn nhìn, nghe, thấy sự vật hoặc sự việc mà người khác lại không thấy.
– Hoang tưởng là tin vào những thứ không có thật.
Đây là những triệu chứng không liên quan đến vận động của bệnh Parkinson. Nói chung, những triệu chứng này được gọi là chứng rối loạn tâm thần ở bệnh Parkinson.
Theo nghiên cứu, khoảng một nửa số người sống với bệnh Parkinson có thể bị ảo giác hoặc hoang tưởng trong tiến trình của bệnh.
Nhiều người bệnh parkinson bị rối loạn tâm thần sinh ra những ảo giác, hoang tưởng.
2. Nguyên nhân gây ảo giác và hoang tưởng ở người bệnh parkinson
Hiện nay, chúng ta chưa hiểu biết rõ ràng về nguyên nhân chính xác gây bệnh parkinson cũng như những ảo giác và ảo tưởng liên quan đến bệnh Parkinson.
Tuy nhiên, có một số hóa chất và thụ thể trong não (đó là dopamine và serotonin) được cho là đóng góp vai trò gây ra những triệu chứng này.
Theo một số nghiên cứu chỉ ra rằng, tình trạng ảo giác và hoang tưởng ở người bệnh parkinson là do hai nguyên nhân sau đây:
Phản ứng phụ của việc trị liệu bằng dopamine. Ảo giác và hoang tưởng có thể là phản ứng phụ của các thuốc phổ biến trị bệnh Parkinson (gọi là các trị liệu bằng dopamine). Các thuốc này làm tăng mức dopamine trong não, cải thiện các triệu chứng vận động ở bệnh nhân bệnh Parkinson. Tuy nhiên, tăng mức dopamine cũng có thể tạo những thay đổi dẫn đến chứng ảo giác và hoang tưởng.
Tiến trình tự nhiên của bệnh Parkinson. Một số thay đổi trong não xảy ra tự nhiên trong tiến trình bị bệnh Parkinson có thể sinh ra những ảo giác và hoang tưởng, bất kể người bệnh đã dùng bất cứ loại thuốc nào để tăng mức dopamine hay chưa.
Các thuốc làm tăng mức dopamine cũng có thể tạo những thay đổi dẫn đến chứng ảo giác và hoang tưởng.
3. Có phải ai bị bệnh parkinson cũng bị ảo giác và hoang tưởng?
Không phải ai bị parkinson cũng có ảo giác và hoang tưởng, điều này chỉ thuộc về một số đối tượng có nguy cơ cao. Một vài trong số những yếu tố nguy cơ này bao gồm: tuổi tác, thời gian bệnh, và mức độ nghiêm trọng của bệnh Parkinson.
Vì vậy, không có cách nào đoán trước được hoặc không thể đưa ra khẳng định rằng người này bị bệnh parkinson sẽ sinh ra ảo giác và hoang tưởng hay không.
Tại sao mọi người chưa biết nhiều hơn về chứng ảo giác và hoang tưởng của bệnh Parkinson?
Câu trả lời là; phần lớn những người bị bệnh parkinson thường không nói ra những triệu chứng này. Họ chấp nhận chung sống với các triệu chứng của bệnh. Họ không báo cáo cho bác sĩ, hay nhân viên nơi chăm sóc sức khỏe được biết, cũng như rất ít khi chia sẻ với người nhà hoặc người chăm sóc. Mà phần lớn nhân viên y tế hay người nhà (người chăm sóc) tự phát hiện được, thông qua việc để ý hành động và thái độ của người bệnh.
Parkinson là bệnh thoái thần kinh tiến triển, mạn tính được đặc trưng bằng ít nhất hai trong những triệu chứng quan trọng như: run khi nghĩ, giảm động, và cứng cơ. Thông thường thì mất thăng bằng tư thế xuất hiện trong giai đoạn muộn của bệnh.
4. Chẩn đoán và điều trị bệnh parkinson
4.1 Chẩn đoán bị bệnh parkinson bằng cách nào?
Để chẩn đoán bệnh parkinson cho đến hiện nay thì phương pháp lâm sàng vẫn được sử dụng chủ yếu. Người bệnh parkinson có thể gặp phải các rối loạn ý thức và sa sút trí tuệ, cũng như nhiều biểu hiện khác.
Ngoài kinh nghiệm chẩn đoán lâm sàng (là chủ yếu) thì có thể chẩn đoán parkinson bằng việc:
– Điều trị thử bằng levodopa để xác định xem có đáp ứng hay không có thể giúp chẩn đoán bệnh.
– Chụp cộng hưởng từ não (MRI não) để loại trừ những bất thường về cấu trúc, bệnh lý ở não có liên quan hoặc triệu chứng tương tự.
Chụp cộng hưởng từ não (MRI não) tại Thu Cúc TCI
4.2 Phương pháp điều trị cho người bị bệnh parkinson
– Điều trị không dùng thuốc: giáo dục, nhóm trợ giúp, vật lý trị liệu và nghề nghiệp, và dinh dưỡng.
– Điều trị bằng cách sử dụng thuốc: thuốc điều trị bệnh Parkinson có thể được chia thành điều trị bằng thuốc bảo vệ thần kinh và điều trị triệu chứng.
Selegiline và levodopa là hai loại thuốc bảo vệ thần kinh thường được dùng để điều trị bệnh parkinson.
– Người bệnh parkinson cần thận trọng khi dùng thuốc an thần và bất kỳ loại thuốc ức chế dopamine nào. Bởi điều này có thể làm bệnh nặng thêm và làm kéo dài triệu chứng của bệnh Parkinson.
Nếu tuyệt đối phải cần đến thuốc an thần thì cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh.
Hiện nay để điều trị triệu chứng cho bệnh nhân bệnh Parkinson, thường dựa vào mức độ giảm chức năng. Levodopa là thuốc được nhiều bác sĩ chuyên khoa Thần kinh ưu tiên lựa chọn cho bệnh Parkinson. Thuốc thường được xem xét dùng khi cả thầy thuốc và bệnh nhân đều quyết định rằng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi bệnh Parkinson.
Levodopa kết hợp với carbidopa, chất ức chế men decarboxylase vốn làm giảm sự chuyển đổi levodopa ở ngoại biên và các tác dụng phụ đi kèm. Liều khởi đầu thông thường là 25/100mg uống 3 lần/ngày và có thể tăng lên khi cần trong 7 ngày. – Các thuốc đồng vận dopamine (Pramipexole, Ropinirole) có thể được dùng đơn trị liệu hoặc kết hợp với các thuốc chống Parkinson khác. Chúng không có hiệu quả đối với bệnh nhân không có đáp ứng với levodopa. Thuốc có thể làm chậm khởi phát sự loạn động và những thay đổi bất thường về vận động do levodopa gây ra, nhưng ít có hiệu quả và sẽ làm tăng tác dụng phụ.
Bệnh parkinson thường khởi phát bệnh từ 55 tuổi. Cũng có trường hợp khởi phát sớm nhưng tỷ lệ ít chỉ khoảng 5-10% trong tổng số bệnh nhân bị parkinson. Thời gian tiến triển của bệnh trung bình khoảng 10-15 năm. Bản thân bệnh parkinson không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nguyên nhân tử vong thường gặp nhất chính là viêm phổi.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.