Vì sao cần phải nhận diện nhanh các dấu hiệu tai biến mạch máu não? Những dấu hiệu nhận biết này gồm những gì? Cách xử trí và phòng ngừa tai biến mạch máu não như thế nào? Hãy tham khảo bài viết dưới đây để tìm ra câu trả lời.
1. Lý do cần nhận diện nhanh dấu hiệu tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não là trường hợp cấp tính, có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Vì vậy, việc nhận biết và xử trí tai biến mạch máu não cần khẩn trương, chính xác để cứu người bệnh vượt qua cơn nguy kịch và giảm được tối đa các biến chứng do tai biến mạch máu não để lại. Đã có nhiều trường hợp người bệnh tai biến mạch máu não được phát hiện sớm, xử trí kịp thời và đúng cách đã vượt qua “cửa tử” và hồi phục hoàn toàn sau đó.
Đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao gần 50%, trong đó thống kê cho thấy có tới gần 90% người vượt qua cơn tai biến mạch máu não bị liệt vận động. Và rất nhiều các di chứng khác như: rối loạn cơ vòng khiến người bệnh đại tiểu tiện không tự chủ, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm,…
Tai biến mạch máu não xếp thứ 2 trên toàn cầu về số lượng người tử vong và đứng hàng thứ 3 về tỷ lệ để lại các di chứng.
Hãy trang bị thêm cho mình kiến thức để nhận biết dấu hiệu tai biến mạch máu não sớm, ngay dưới đây.
Tai biến mạch máu não diễn biến rất nhanh, nên người bệnh cần phải được cấp cứu kịp thời.
2. Các dấu hiệu tai biến mạch máu não
Để nhận biết nhanh các dấu hiệu tai biến mạch máu não, bạn hãy nhớ ngay đến từ FAST (nhanh).
2.1 Face – dấu hiệu tai biến mạch máu não trên khuôn mặt
Hãy nhìn vào khuôn mặt người bị tai biến, bạn có thể thấy 1 bên mặt bị xệ xuống, miệng méo xệ, mắt xệ xuống không cân xứng với bên còn lại. Hãy yêu cầu bệnh nhân cười, bạn sẽ thấy rõ biểu hiện này.
2.2 Arm – biểu hiện tai biến mạch máu não trên cánh tay
Hãy yêu cầu bệnh nhân giơ hai tay lên. Nếu một bên tay của người bệnh bị rũ xuống hoặc không thể giơ lên được, thì tức là người đó bị tai biến mạch máu não (hiện tượng liệt nửa người là một triệu chứng điển hình của người bị tai biến mạch máu não).
2.3 Speech (lời nói) – dấu hiệu tai biến mạch máu não qua lời nói
Bạn hãy yêu cầu bệnh nhân nói một hoặc vài câu đơn giản. Nếu thấy người bệnh không nói được hoặc nói lắp, nói không rõ lời, nói khó hiểu thì đây chính là dấu hiệu của bệnh tai biến mạch máu não.
2.4 Time (thời gian)
Nếu thấy người bệnh có những dấu hiệu trên, đừng chần chừ mà hãy gọi ngay xe cấp cứu hoặc có phương tiện hãy đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất có xử trí người bệnh đột quỵ (tai biến mạch máu não). Thời gian là “não”, trong cấp cứu người bị tai biến thời gian rất quan trọng, được tính bằng từng giây, từng phút.
Nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện và xử trí trong thời gian “vàng” – khoảng 3 đến 6 giờ từ khi người bệnh có biểu hiện tai biến thì khả năng thành công là rất cao. Nếu vượt qua thời gian này tỷ lệ tử vong tăng lên và tỷ lệ các biến chứng nặng nề để lại cho người bệnh ngày càng nhiều.
Để nhận biết nhanh các biểu hiện tai biến mạch máu não, bạn hãy nhớ ngay đến từ FAST (nhanh).
Bên cạnh các biểu hiện tai biến mạch máu não FAST – dấu hiệu nhận biết tai biến mạch máu não kể trên, người bị tai biến mạch máu não cũng có thể biểu hiện qua các dấu hiệu sau:
– Yếu hoặc tê một nửa người
– Giảm hoặc mất thị lực (thường ở một bên mắt).
– Đau đầu dữ dội đột ngột không rõ nguyên nhân, có thể kèm theo hoa mắt, chóng mặt, nôn mửa,…
3. Xử trí
Sơ cứu sai cách có thể vô tình “đẩy” người bệnh vào thế nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại di chứng nặng nề.
Hiện nay có nhiều người lan truyền trên mạng một số phương pháp cấp cứu tai biến mạch máu não như: dùng kim chích nặn máu 10 đầu ngón tay, cho người bệnh uống “thần dược” được mệnh danh là có thể giúp người bệnh vượt qua cơn tai biến mạch máu não, cúng bái,… Những phương pháp này hoàn toàn không có căn cứ khoa học và hoàn toàn không chính xác.
Thậm chí những phương pháp này còn làm tăng thêm sự đau đớn và nguy hiểm cho người bệnh, làm trì hoãn thời gian xử trí dễ bỏ lỡ “thời gian vàng” trong cấp cứu tai biến mạch máu não. Do đó, bạn tuyệt đối không nên thực hiện theo.
Cách xử trí đúng đối với trường hợp tai biến mạch máu não là bạn cần nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc vận chuyển người bệnh đến ngay bệnh viện gần nhất có xử trí bệnh nhân bị đột quỵ (tai biến mạch máu não).
Việc phát hiện sớm, xử trí kịp thời và đúng cách sẽ giúp giảm thiểu tổn thương ở não của người bệnh, cũng như các biến chứng do cơn đột quỵ gây ra.
Nếu thấy ai đó bị đột quỵ, bạn cần gọi điện ngay đến cơ sở y tế để được hỗ trợ hoặc đưa người bệnh đến ngay cơ sở gần nhất để được xử trí kịp thời.
4. Biện pháp phòng ngừa tai biến mạch máu não
Câu tục ngữ “phòng bệnh hơn chữa bệnh” mà các cụ ta truyền lại vẫn còn nguyên giá trị, lời dạy này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đặc biệt với bệnh lý tai biến mạch máu não.
Phòng ngừa chính là phương pháp “then chốt” giúp giảm tần suất mắc bệnh và tỷ lệ tử vong. Theo nghiên cứu, có tới gần 70% trường hợp đột quỵ ở người bệnh có thể phòng ngừa được.
Chiến lược phòng ngừa đột quỵ tương tự giữa các lứa tuổi. Bên cạnh việc học theo những lời khuyên như:
– Xây dựng lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh.
– Ngủ đủ, cân đối giữa công việc và nghỉ ngơi thư giãn.
– Tập thể dục thể thao mỗi ngày với các bài tập phù hợp với lứa tuổi và tình hình sức khỏe hiện tại của bản thân.
– Giữ cân nặng hợp lý,…
Thì yếu tố quan trọng không kém mà bạn cần thực hiện trước tiên hoặc song song thực hiện đó chính là: kiểm soát tốt các bệnh lý nền hiện có hoặc các yếu tố nguy cơ của bệnh, ví dụ như: cao huyết áp, thiếu máu não thoáng qua, tiểu đường, dư cân béo phì, mỡ máu, dị dạng mạch máu não, xơ vữa động mạch, bệnh lý tim mạch,…
Khi có bệnh lý trên hoặc các yếu tố nguy cơ mắc các bệnh trên, bạn hãy đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra và có biện pháp điều trị cũng như kiểm soát tốt, ngăn ngừa biến chứng tai biến mạch máu não xảy ra.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.