Nhồi máu não là bệnh lý nguy hiểm, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng. Liệt nửa người do nhồi máu não là một trong những biến chứng thường gặp. Vậy nguyên nhân và cách phục hồi tình trạng này như thế nào? Cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Liệt nửa người khiến bệnh nhân khó khăn trong vận động, sinh hoạt
1. Thế nào là liệt nửa người do nhồi máu não?
Liệt nửa người là tình trạng một bên cơ thể suy yếu, tê bì, mất cảm giác nửa người bên phải hoặc bên trái phụ thuộc vào vùng não bị tổn thương khi đột quỵ hoặc các nguyên nhân khác. Tổn thương não sẽ gây ra liệt ở bên đối diện cơ thể, ví dụ liệt não trái sẽ gây liệt nửa thân bên phải. Bên liệt sẽ có cử động yếu hơn, mất cảm giác nóng lạnh, tê bì hơn so với bên còn lại hoặc thậm chí không thể cử động.
Nhồi máu não thường xuất hiện đột ngột. Bệnh nhân có thể không có rối loạn ý thức nặng nề, kiểm tra không có hội chứng màng não. Dưới hình ảnh chụp cắt lớp vi tính sọ não, vùng giảm tỷ trọng có vị trí tương ứng với khu vực cấp máu của động mạch bị tắc. Hình ảnh chụp cắt lớp não giai đoạn đầu có thể bình thường. Nhưng sau vài giờ, chụp CT có thể phát hiện ra một vài ổ nhồi máu não mới hình thành. Thăm khám vùng động mạch cổ có thể phát hiện phình động mạch bóc tách hình thành sau sang chấn.
2. Nguyên nhân dẫn đến liệt nửa người khi bị nhồi máu não
2.1 Bệnh lý mạch máu có thể dẫn tới liệt nửa người do nhồi máu não
Nguyên nhân về bệnh lý mạch máu, nhồi máu não, xuất huyết não hay đột quỵ xuất huyết gây ra hiện tượng liệt nửa người. Những bệnh lý này gây gián đoạn quá trình vận chuyển máu lên não, gây hiện tượng chết tế bào não.
2.2 Chấn thương sọ não
Tai nạn, chấn thương gây tổn thương não, chèn ép có thể gây chết tế bào não. Đây cũng là nguyên nhân gây liệt nửa người thường gặp ở bệnh viện.
2.3 Bệnh lý gây chèn ép
Một số bệnh lý khiến mô tế bào phát triển đột biến, gây tăng áp lực nội sọ, chèn ép tế bào não. Điển hình như: khối u, áp xe… cũng có thể dẫn đến liệt nửa người.
2.4 Bệnh lý
Một số bệnh lý gây phá hủy vỏ bọc xung quanh tế bào thần kinh, mạch máu biến chứng do nhiễm virus hoặc vi khuẩn, viêm não, virus bại liệt, rối loạn thần kinh vận động trong tủy sống, thân não, vỏ não…
3. Những ai có nguy cơ cao liệt nửa người bởi nhồi máu não?
Những nhóm người có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này có thể kể đến:
3.1 Người có bệnh lý nền
Một số bệnh lý nền phổ biến có thể tăng nguy cơ nhồi máu não như: tiểu đường, huyết áp, u não, mỡ máu, béo phì, rối loạn chuyển hóa…
3.2 Tiền sử đột quỵ
Những người đã có những cơn đột quỵ, thiếu máu cục bộ thoáng qua…
3.3 Thai nghén bất thường
Những người bị chấn thương khi sinh nở, chuyển dạ khó khăn, đột quỵ chu sinh ở thai nhi trong 3 ngày, thai nghén tiểu đường…
3.4 Liệt nửa người do nhồi máu não có thể do chấn thương sọ não
Những người bị tai nạn, chấn thương vùng đầu dễ có nguy cơ hình thành cục máu đông, nhồi máu não. Đặc biệt là những người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu…
3.5 Bệnh lý khác
Những người mắc hội chứng đau nửa đầu, bệnh lý nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, áp xe cổ, loạn dưỡng chất não trắng, viêm mạch máu… có thể dẫn đến nguy cơ nhồi máu não.
Liệt nửa người có thể điều trị phục hồi nhờ đông tây y kết hợp
4. Các phương pháp phục hồi chức năng cho bệnh nhân
Liệt nửa người cần thời gian phục hồi khá dài để có thể hồi phục chức năng não cũng như vận động của bên bị liệt. Hiệu quả phục hồi trên mỗi bệnh cảnh sẽ khác nhau, tùy vào bệnh lý nền cũng như mức độ tổn thương của não.
4.1 Phục hồi tế bào não tổn thương
Phục hồi tế bào não càng sớm càng tốt. Điều quan trọng nhất để hạn chế biến chứng cũng như phục hồi tốt sau cơn đột quỵ nhồi máu não đó là hạn chế tối đa tế bào não tổn thương, phục hồi hoạt động của tế bào não. Thời gian đến viện cấp cứu càng sớm thì khả năng hồi phục càng cao. Một số bệnh viện tuyến tỉnh đã có đủ điều kiện nhân lực và vật lực để cấp cứu và điều trị bệnh nhân đột quỵ. Vì thế cần tìm hiểu kỹ nơi đến để có thể được cấp cứu tốt nhất.
4.2 Vật lý trị liệu
Điều trị bằng vật lý trị liệu giúp người bệnh phục hồi vận động tốt hơn, hạn chế teo cơ cứng khớp do không vận động lâu ngày. Những bệnh nhân bị liệt nửa người, nguy cơ cao bị viêm phổi, loét tì đè, viêm đường tiết niệu, teo cơ cứng khớp, huyết khối tĩnh mạch sâu… Phục hồi chức năng phải tiến hành hằng ngày trong giai đoạn đầu hoặc cách ngày, để tránh teo cơ cứng khớp. Vỗ rung cho phổi, hạn chế viêm phổi bệnh viện là việc quan trọng phải làm hằng ngày. Xoa bóp, tắm rửa hằng ngày, bôi dầu chống loét ép giúp người bệnh hạn chế phồng dột da, loét ép.
4.3 Châm cứu bấm huyệt
Điều trị phục hồi sau nhồi máu não thì châm cứu bấm huyệt có ưu thế hơn rất nhiều so với phương pháp chỉ uống thuốc. Châm cứu bấm huyệt tác động vào các huyệt vị trên cơ thể, giúp giải phóng những vùng kinh lạc bị tắc nghẽn, kích thích vận động các bó cơ. Kích thích trực tiếp vào những vùng bị thần kinh cơ, giúp tăng khả năng hồi phục khá tốt. Châm cứu bấm huyệt nên được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa, kết hợp liên khoa để được phác đồ điều trị phù hợp.
4.4 Chăm sóc trong và sau điều trị
Người bệnh bị đột quỵ sau khi điều trị khỏi cơn nguy kịch, bệnh nhân tỉnh táo phát hiện một nửa bên bị liệt sẽ sinh ra những suy nghĩ tiêu cực. Vì thế, rất cần người thân, người nhà quan tâm chăm sóc. Kết hợp với sự hỗ trợ chuyên môn của hộ lý, điều dưỡng giúp chăm sóc người bệnh tốt hơn. Hạn chế loét ép, tì đè, viêm phổi, viêm nhiễm nấm ngứa… Người bệnh sau đột quỵ sức đề kháng suy giảm nhiều, phục hồi chậm hơn, dễ nhiễm khuẩn… vì thế cần được chú ý quan tâm nhiều hơn.
Bệnh nhân sau cấp cứu đột quỵ, thời gian hồi phục tốt nhất là 3 tháng đầu, nếu kết hợp được các phương pháp điều trị đông tây y, dinh dưỡng, vận động trong thời điểm này thì khả năng hồi phục không để lại di chứng là rất cao. Giai đoạn 3 tháng tiếp theo, khả năng phục hồi chậm hơn, tuy nhiên vẫn rất cần công tác chăm sóc, vận động, châm cứu để kích thích cơ thể phục hồi. Sau giai đoạn 6 tháng thì khả năng hồi phục của các bộ phận sẽ kém hơn. Giai đoạn này hầu như là tổn thương không hồi phục hoặc hồi phục rất chậm. Vì thế cần chú trọng vào giai đoạn 6 tháng đầu để người bệnh có thể hồi phục chức năng như người bình thường.
3 – 6 tháng đầu là thời điểm vàng để phục hồi cho bệnh nhân nhồi máu não
5. Phòng tránh bệnh nhồi máu não
Để phòng tránh bệnh nhồi máu não, chúng ta cần phải:
5.1 Tránh xa chất độc hại, kích thích
Rượu, bia, chất kích thích, hít bóng N20, cà phê, thuốc lá… là những chất gây hại cho cơ thể. Nếu có thể tránh xa được thì càng tốt hoặc hạn chế tối đa để hạn chế những biến đổi gen, đột biến, tổn thương nội tạng trong cơ thể.
5.2 Ăn uống lành mạnh
Ăn thực phẩm sạch, không có thuốc trừ sâu, chất bảo quản… Bổ sung đủ các chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh, vitamin, rau củ quả. Hạn chế các đồ ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm đông lạnh, đồ ăn nhanh… giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch cũng như hệ tiêu hóa.
5.3 Tập thể dục điều độ
Tập thể dục 30 phút mỗi ngày sẽ giúp chúng ta đẩy lùi nhiều bệnh tật, hạn chế mỡ máu. Tập luyện hằng ngày giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Từ đó giúp người bệnh hạn chế nguy cơ bị các bệnh lý tim mạch, huyết áp, tiểu đường…
5.4 Ngủ đủ giấc
Ngủ là lúc cơ thể được nghỉ ngơi, nạp năng lượng, thải độc sau một ngày dài làm việc. Ngủ đủ giấc giúp cơ thể thanh lọc, cung cấp oxy lên não tốt hơn. Giúp chúng ta hạn chế tình trạng đau đầu, suy giảm trí nhớ. Thức khuya, thiếu ngủ, làm việc lao lực. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ có tỉ lệ đột quỵ tăng cao.
6. Lưu ý đối với bệnh nhân nhồi máu não
– Đưa bệnh nhân đến bệnh viện chuyên khoa cấp cứu càng sớm càng tốt. Tận dụng thời điểm vàng 4 – 6 giờ đầu để được cấp cứu, nguy cơ biến chứng sau đột quỵ sẽ giảm đi rất nhiều. Khả năng phục hồi sau đột quỵ cũng tăng cao.
– Tuân thủ điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ, giúp khả năng phục hồi tốt hơn.
– Kết hợp đông y trong điều trị đột quỵ. Châm cứu bấm huyệt là phương pháp giúp kích thích các thần kinh cơ trong cơ thể. Vì thế, cần áp dụng cả đông y và tây y trong điều trị bệnh nhân đột quỵ.
– Tăng cường tập vận động, phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Hạn chế teo cơ cứng khớp, giúp kích hoạt các cơ đang yếu dần dần hồi phục. Trong 6 tháng sau cơn đột quỵ là thời điểm vàng để phục hồi chức năng cho bệnh nhân.
– Chú ý đến loét ép, tì đè, vỗ rung, xoa bóp cho bệnh nhân. Giúp người bệnh hạn chế viêm phổi, loét do nằm lâu. Chú ý vệ sinh sode ăn, sonde tiểu, bộ phận sinh dục… Tránh để viêm nhiễm hình thành ổ nhiễm khuẩn.
– Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho bệnh nhân. Người bệnh nên được bổ sung dạng lỏng, dạng súp để dễ tiêu hóa.
Liệt nửa người là một trong những biến ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc, tâm lý của người bệnh. Vì thế cần phải kết hợp đông y, tây y, vận động, dinh dưỡng, chăm sóc. Để bệnh nhân có thể hồi phục tốt hơn, hạn chế liệt sau nhồi máu não.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.